Kỳ họp thứ 7 vẫn còn một số hạn chế

Ngày 16/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá tổng kết Kỳ họp thứ 7, đồng thời cho ý kiến xây dựng nội dung đảm bảo chất lượng, kỹ lưỡng, trọng tâm chuẩn bị Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.

Báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 7, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, sau 20 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ 7, cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, sáng 16/7.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ 7, cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, sáng 16/7.

Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo để ban hành những quyết sách quan trọng, đúng đắn, hợp lòng dân, củng cố vững chắc những thành tựu đã đạt được, tạo đà cho đất nước phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định sự nhất trí, đoàn kết trong hoạt động của Quốc hội, đồng thời, thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời và sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị, sự quan tâm ủng hộ của cử tri và nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, theo ông Phúc việc tổ chức Kỳ họp thứ 7 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm như: chất lượng chuẩn bị một số nội dung còn hạn chế. Hồ sơ tài liệu của một số dự án luật, nghị quyết gửi đến đại biểu Quốc hội quá chậm, ảnh hưởng đến chất lượng tham gia ý kiến và quyết định của ĐBQH, việc tổng kết, đánh giá tác động trong một số dự án luật chưa được quan tâm đúng mức.

“Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vẫn còn một số ý kiến chất vấn mang tính bình luận, giải thích, trùng lắp. Có đại biểu nêu chất vấn còn dài, chưa rõ ý, chất vấn quá thời gian quy định. Một số nội dung trả lời chất vấn còn chung chung, chưa đúng trọng tâm. Một số kiến nghị của của cử tri chưa được Chính phủ, các bộ, ngành trả lời rõ ràng, chưa xác định thời gian giải quyết cụ thể, nhất là các vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm”, ông Phúc cho hay.

Liên quan đến một số nội dung cần quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới, ông Phúc cho rằng cần tăng cường công tác giám sát, trong đó tập trung các vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm như: công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách tư pháp, gian lận thi cử, giá xăng, giá điện, mê tín dị đoan, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân.

Báo cáo về công tác chỉ đạo chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đến trước thời điểm khai mạc Kỳ họp Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã nhận được 2.174 kiến nghị của cư tri và nhân dân liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Các kiến nghị này đều đã được các bộ có văn bản phản hồi đạt 100% hoặc cần được bố trí kinh phí để giải quyết, như kiến nghị về nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng; chế độ chính sách đối với người có công. Hiện tượng trả lời chung chung, không đúng trọng tâm, không đúng vấn đề mà cử tri nêu hay các nhầm lẫn, sơ suất trong văn bản trả lời kiến nghị gửi tới cử tri, so với các kỳ họp trước đã được khắc phục.

Hầu hết văn bản trả lời cử tri đều do các Bộ trưởng trực tiếp trả lời và ký. Lãnh đạo Chính phủ đã có văn bản trả lời 22/23 phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội; trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã trả lời 17/18 phiếu với 24 câu hỏi chất vấn; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời 3 phiếu; các Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời 1 phiếu.

Nguyễn Việt

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/ky-hop-thu7van-con-mot-sohan-che-154070.html