Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV: Để mọi người dân thụ hưởng thành quả tăng trưởng

Chiều 8-11, tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo làm rõ vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Chiều 8-11, tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo làm rõ vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Tại hội trường, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đặt vấn đề trước Thủ tướng về “tăng trưởng bao trùm”.

Mục tiêu “tăng trưởng bao trùm”

Theo đại biểu Tám, “tăng trưởng bao trùm” được xem là một cách tiếp cận, một quan điểm phát triển được nhiều tổ chức quốc tế nhắc đến. “Trong các bài phát biểu của mình, nhiều lần, Thủ tướng nhắc đến việc theo đuổi mục tiêu “tăng trưởng bao trùm”. Thủ tướng cho biết Chính phủ đã và sẽ làm gì để thực hiện tăng trưởng bao trùm, phát triển hài hòa, một cách mạnh mẽ, thực chất?

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng nêu rõ: “mô hình tăng trưởng của chúng ta nhấn mạnh đến sự bình đẳng và tiếp cận các cơ hội, để mọi người dân thụ hưởng thành quả tăng trưởng, không để ai bỏ lại phía sau”. Thủ tướng nhấn mạnh, chủ trương này rất quan trọng. Đảng, Nhà nước ta xác định phát triển đồng đều các vùng. “Chủ trương này rất thành công. Độ chênh lệch tuy là có, nhưng so với các nước khác, nước ta còn tốt hơn. Chúng ta vui mừng về sự phát triển các vùng sâu, vùng xa, đời sống của người dân. Chúng ta đã có 118 chương trình liên quan đến phát triển đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Và trong phiên họp này, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về Đề án phát triển vùng đồng bào dân tộc miền núi và từ đó thực hiện chủ trương phát triển bao trùm” - Thủ tướng cho biết.

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị cần định hướng cơ chế, chính sách quan tâm hơn đến người nghèo, những đối tượng chính sách, nhất là vùng đồng bào vùng sâu, vùng xa; quan tâm các phúc lợi xã hội về việc làm để nhằm giảm khoảng cách phát triển giữa các vùng; thực hiện tốt hơn nữa công bằng xã hội, tiến bộ xã hội đối với các vùng miền còn khó khăn để thực hiện mục tiêu tăng trưởng bao trùm.

Thủ tướng nhấn mạnh, thực hiện tăng trưởng bao trùm phải ổn định vĩ mô. “Bởi vì, nếu phát triển nhanh nhưng lạm phát cao, không cải thiện được đời sống nhân dân. Giữ chỉ số lạm phát như vừa qua là rất cần thiết” - Thủ tướng phân tích, đồng thời cho biết, chúng ta có chính sách giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng để có thu nhập; tạo mọi điều kiện, cơ hội cho mọi người, nhất là người nông thôn, miền núi có điều kiện thu nhập.

Bên cạnh việc ổn định vĩ mô, Thủ tướng nhấn mạnh phải nâng cao ý thức tự cường của người dân.

Tăng cường quản lý thông tin trên mạng xã hội

Trước đó, sáng 8-11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chất vấn: Thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi Luật An ninh mạng được ban hành, có dấu hiệu tin nhắn rác xuất hiện nhiều, không ít video clip, tin bài phản cảm, nội dung đồi trụy, thiếu văn hóa nghiêm trọng hơn là thông tin cá cược, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo, vi phạm nhân quyền, nguy cơ an ninh mạng tiếp tục không đảm bảo. Đặc biệt, mạng của các doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, ngân hàng thương mại có nguy cơ bị kẻ xấu tấn công và không thể dự đoán trước. Nhiều người dân bị lừa đảo, bị chiếm đoạt, chịu thiệt hại vật chất, tinh thần lẫn tin nhắn rác lừa đảo, đe dọa khủng bố. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp xử lý.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc giải quyết các vấn đề trên không gian mạng đã được thực hiện trước khi có Luật An ninh mạng. Kể từ khi Luật được ban hành, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này đã nâng cao hiệu quả, hiệu lực.

Kết quả này thể hiện rõ nhất qua làm việc với các nền tảng xã hội xuyên biên giới. “Trước đây với facebook, nếu chúng ta yêu cầu 100 việc thì họ chỉ làm 20-30%, nhưng nay tỷ lệ này nâng lên 70%. Google nếu ta yêu cầu 100 việc họ chỉ chấp hành khoảng 40-50%, nhưng nay tăng lên 85%, thậm chí 90%, ví dụ là việc gỡ các game xấu, độc như đánh bài...”, Bộ trưởng dẫn chứng và thông tin thêm: Mới đây, facebook đã công bố chặn quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang mà Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là khủng bố.

Trả lời đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) về việc mạng xã hội nước ngoài chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh quan điểm là phải giữ chủ quyền ngay cả trên không gian mạng. Theo Bộ trưởng, mạng xã hội có hai mặt; facebook hiện nay có khoảng trên 50 triệu người Việt Nam dùng và dùng vào nhiều mục đích khác nhau. Vì vậy, việc yêu cầu mạng xã hội tuân thủ luật pháp phải thực hiện từng bước.

Về cơ sở luật pháp, Bộ trưởng cho biết, sau khi có hai nghị định hướng dẫn triển khai thi hành Luật An ninh mạng thì cơ bản sẽ có đủ hành lang pháp lý để quản lý mạng xã hội nước ngoài. “Họ đến đây kinh doanh thì phải đóng thuế và tuân thủ luật pháp Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

NHƯ – VÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_215649_ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xiv-de-moi-nguoi-dan.aspx