Kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XII: Nâng cao chất lượng, hiệu quả điểm bưu điện văn hóa xã

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) thảo luận góp ý kiến tại hội trường

Trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 26-5-2010, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Bưu chính để thông qua trong kỳ họp này. Bảo đảm an toàn an ninh trong cung ứng, sử dụng dịch vụ bưu chính; cung ứng dịch vụ bưu chính công ích và cơ sở phục vụ bưu chính cấp xã (điểm bưu điện văn hóa xã)... là những vấn đề được tập trung tại buổi thảo luận. Cơ sở dịch vụ bưu chính cấp xã (điểm bưu điện văn hóa xã) là một trong những loại hình ở cơ sở trên mạng bưu chính công cộng hiện nay. Đại đa số các đại biểu đều nhất trí với báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bưu chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không nên quy định cụ thể về điểm bưu điện văn hóa xã trong luật mà quy định tại các văn bản hướng dẫn của Chính phủ. Trong thời gian qua điểm bưu điện văn hóa xã đã có những đóng góp nhất định trong việc tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với kiến thức pháp luật, khoa học, chính sách của Đảng, Nhà nước. Một số đại biểu đề nghị nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng hoạt động của điểm bưu điện văn hóa xã. Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắk) cho rằng, thông tin là quyền của nhân dân, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, trong thực tế hiện nay có 9.124 xã, hầu như người nông dân không có báo để đọc, chỉ có cán bộ xã mới có báo đọc. Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin, nhưng cư dân nông thôn ở nước ta không hề được hưởng tiến bộ của công nghệ thông tin trong lĩnh vực bưu chính đó là thư điện tử, bởi vì rất nhiều con em ở xa không thể có thư điện tử về xã. Nếu trang bị cho 9.124 phương tiện, sau đó cán bộ bưu chính ở trạm bưu điện văn hóa xã sẽ chuyển đến từng nhà thư điện tử của con em họ và nói họ trả lời gì sẽ gửi đi trả lời hộ. Tôi nghĩ nếu làm được việc đó thì bưu chính có bước nhảy vọt phục vụ được đại đa số nhân dân. Bên cạnh đó phải hỗ trợ thêm quyền lợi của cán bộ làm việc tại các điểm bưu điện văn hóa xã, họ phải trực 24/24 phục vụ nhu cầu thông tin cho cả xã nhưng mức thù lao còn thấp. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) đưa ra ý kiến về bưu chính công ích, đồng ý với dự án luật quy định Nhà nước giao cho một doanh nghiệp để kinh doanh về bưu chính công ích, có sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước. Tuy nhiên trong thực tế, người dân tham gia dịch vụ bưu chính công ích chủ yếu là những người dân nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, họ chịu rất nhiều thiệt thòi, có nhiều phàn nàn về bưu chính công ích. Cụ thể các vật phẩm, các thư có thể không đến tay hoặc đến tay quá muộn làm mất giá trị của bức thư, vào mùa tuyển sinh hầu hết các giấy báo tuyển sinh đều đi theo con đường này để đến được với các thí sinh vùng sâu, vùng xa rất chậm, có thí sinh nhận được đã hết hạn nhập học. Khi về các trường đại học, cao đẳng rất khó xử lý, quy định về tuyển sinh có thời hạn, giấy báo đến tay thí sinh quá muộn. Như vậy phải có những quy định như thế nào trong trường hợp thực hiện thời gian của bưu chính công ích. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ khái niệm “khiếu nại” và “tranh chấp” trong dự thảo Luật. Theo giải trình tiếp thu, đây là khiếu nại về thương mại giữa bên cung ứng dịch vụ và người sử dụng dịch vụ, không phải là khiếu nại hành chính nên về cơ bản vẫn phải tôn trọng quyền thỏa thuận của các bên theo quy định của pháp luật về dân sự. Để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, dự thảo Luật đã quy định rõ thời hiệu hưởng quyền khiếu nại của người sử dụng dịch vụ bưu chính theo các cấp độ 6 tháng, 3 tháng, 1 tháng ứng với từng trường hợp cụ thể. Thời hạn giải quyết khiếu nại của bên cung ứng dịch vụ cũng được quy định cụ thể là 2 tháng đối với dịch vụ bưu chính trong nước và 3 tháng đối với dịch vụ bưu chính quốc tế. Việc giải quyết tranh chấp được thực hiện trên cơ sở thương lượng giữa các bên, bằng hình thức trọng tài hoặc khởi kiện tại tòa án.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=681&id=84335&mod=detnews&p=