Kỳ họp thứ mười, HĐND tỉnh khóa XV: Nghe các báo cáo, tờ trình

Chiều 7/12, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ mười, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh làm việc tại hội trường, nghe các báo cáo, tờ trình.

Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Dự phiên họp có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Hoàng Hà, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND tỉnh; các vị đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thành phố...

Mở đầu, kỳ họp nghe đồng chí Đinh Thị Thúy Ngần, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày tờ trình về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách địa phương (lần 2); Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Đồng chí Đinh Thị Thúy Ngần, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày tờ trình và báo cáo.

Theo tờ trình, tổng nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách địa phương đã được HĐND tỉnh thông qua là gần 23.000 tỷ đồng.

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đã phát sinh một số dự án cần thiết phải triển khai để phục vụ nhiệm vụ chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh- quốc phòng trên địa bàn tỉnh... Do đó cần thiết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách cấp tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi, linh hoạt trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công hàng năm; tổ chức, triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ các dự án theo thời gian thực hiện.

Tờ trình cũng nêu rõ các phương án điều chỉnh và bổ sung danh mục một số dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh; dự kiến phương án sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2022-2025 nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh.

Đồng chí Hoàng Văn Kiên, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính trình bày 2 báo cáo và 4 tờ trình. Gồm: Báo cáo tình hình sử dụng Dự phòng ngân sách cấp tỉnh và Quỹ dự trữ tài chính năm 2022; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ dự toán ngân sách địa phương năm 2023.

Đồng chí Hoàng Văn Kiên, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính trình bày báo cáo và tờ trình.

Theo tờ trình về việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước tỉnh Ninh Bình năm 2021, trên cơ sở quyết toán thu, chi ngân sách của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thành phố; kết quả thẩm định của các cơ quan chức năng, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước tỉnh Ninh Bình năm 2021. Trong đó, tổng quyết toán thu ngân sách nhà nước là hơn 39.133 tỷ đồng; thu ngân sách địa phương là trên 35.535 tỷ đồng; chi ngân sách địa phương là trên 35.361 tỷ đồng.

Theo nội dung tờ trình về việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương tỉnh Ninh Bình ban hành kèm theo Nghị quyết số 94/2021/NQ-HĐND ngày 27/9/2021 của HĐND tỉnh Ninh Bình; UBND tỉnh đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 12 Điều 12 và một số điều khoản khác.

Theo nội dung tờ trình về việc quyết định dự toán ngân sách nhà nước trên địa bàn; thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách địa phương tỉnh Ninh Bình năm 2023; căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng năm 2023, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 là 22.383 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương là gần 17.678 tỷ đồng, chi ngân sách địa phương là trên 17.714 tỷ đồng.

Theo tờ trình về việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Ninh Bình ban hành kèm theo Nghị quyết số 19/2018/NQ-HĐND ngày 10/7/2018 của HĐND tỉnh Ninh Bình, UBND tỉnh đề nghị ban hành Nghị quyết gồm 3 điều nhằm quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý tài sản công; tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo tính chủ động cho các cơ quan, đơn vị; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách thủ tục hành chính trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Tiếp đó, đồng chí Vũ Nam Tiến, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày 2 tờ trình.

Đồng chí Vũ Nam Tiến, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày tờ trình.

Theo tờ trình về việc quy định cụ thể một số nội dung, mức hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, UBND tỉnh đề nghị quy định chi tiết mức hỗ trợ đối với 10 nội dung, trong đó đáng chú ý là quy định mức hỗ trợ hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; mức chi hỗ trợ xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp; chi hỗ trợ các dự án liên kết, kế hoạch liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp...

Đối với tờ trình về việc ban hành Nghị quyết Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực hoạt động kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt danh mục gồm 10 nhóm với 38 dịch vụ sự nghiệp công.

Qua việc ban hành Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; đảm bảo tính đủ các chi phí hình thành giá dịch vụ và là cơ sở để bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện; đảm bảo theo các quy định pháp luật hiện hành.

Đồng chí Đinh Văn Tiên, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trình bày 3 tờ trình.

Đồng chí Đinh Văn Tiên, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trình bày tờ trình.

Theo tờ trình về việc đề nghị thông qua Danh mục dự án phải thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2023, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét thu hồi tổng diện tích đất là 624,9 ha để đảm bảo thực hiện 188 dự án trên địa bàn của 8 huyện, thành phố trong tỉnh.

Theo tờ trình về việc thông qua Danh mục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2023, trên cơ sở đề nghị của UBND các huyện, thành phố và kết quả thẩm định của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh thông qua việc chuyển mục đích sử dụng hơn 300 ha đất để thực hiện 173 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2023.

Theo tờ trình về việc ban hành Nghị quyết Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực hoạt động kinh tế tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, UBND tỉnh đề nghị ban hành danh mục gồm 9 nhóm với 60 dịch vụ sự nghiệp công, trong đó có: dịch vụ lĩnh vực quản lý đất đai, đo đạc bản đồ, tài nguyên môi trường biển và hải đảo, viễn thám...

Đồng chí Cao Trường Sơn, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng trình bày tờ trình về việc đề nghị ban hành Nghị quyết thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng chí Cao Trường Sơn, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng trình bày tờ trình.

Theo đó, tờ trình đưa ra mục tiêu phát triển nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu về xây mới và cải tạo nhà của người dân phải đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn; phát triển thị trường bất động sản bền vững, minh bạch phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; dự báo nhu cầu nhà ở đô thị và nông thôn, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các khu, cụm công nghiệp, làm cơ sở lập quy hoạch phát triển nhà ở hàng năm của tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 31m2 sàn/người; đến năm 2030 đạt 38m2/sàn/người; đến năm 2045 đạt 50m2/sàn/người. Phấn đấu năm 2025, nâng cao chất lượng nhà ở kiên cố đạt 96,5%; năm 2030 đạt 98%; đến năm 2045 đạt 99,5%...

Đồng chí Nguyễn Văn Định, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh trình bày báo cáo kết quả thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách.

Đồng chí Nguyễn Văn Định, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh trình bày báo cáo kết quả thẩm tra.

Đồng chí Đặng Trọng Cường, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh trình bày tờ trình về việc đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Đồng chí Đặng Trọng Cường, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh trình bày tờ trình.

Theo đó, tờ trình đề xuất mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho chức danh đội trưởng đội dân phòng bằng 20% mức lương tối thiểu vùng; đội phó đội dân phòng được hưởng mức hỗ trợ hàng tháng bằng 15% mức lương tối thiểu vùng.

Đồng chí Đinh Công Toản, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ trình bày tờ trình về việc quyết định biên chế công chức trong cơ quan của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện và phê duyệt tổng số lượng người làm việc (viên chức) hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập được nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Ninh Bình năm 2023.

Đồng chí Đinh Công Toản, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ trình bày tờ trình.

Theo đó, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định biên chế công chức trong cơ quan của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện và phê duyệt tổng số lượng người làm việc (viên chức) hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập được nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Ninh Bình năm 2023 là 20.789 biên chế.

Tiếp đó, đồng chí Phạm Hồng Thái, Trưởng ban Pháp chế của HĐND tỉnh trình bày báo cáo kết quả thẩm tra của Ban Pháp chế.

Đồng chí Phạm Hồng Thái, Trưởng ban Pháp chế của HĐND tỉnh trình bày báo cáo kết quả thẩm tra.

Đồng chí Phan Thành Công, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trình bày tờ trình về việc ban hành Nghị quyết Quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022- 2023 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Đồng chí Phan Thành Công, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trình bày tờ trình.

Theo đó, mức học phí năm học 2022-2023, được xây dựng bằng mức sàn trong khung học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và không thấp hơn mức học phí năm học 2021-2022, thời gian thực hiện từ tháng 9/2022. Từ năm 2023-2024 trở đi mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 9, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Tờ trình cũng quy định về vùng để áp dụng mức thu học phí, thời gian thu học phí.

Đồng chí Vũ Mạnh Dương, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế trình bày tờ trình về việc ban hành Nghị quyết Quy định mức chi bồi dưỡng hằng tháng cho cộng tác viên dân số trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Vũ Mạnh Dương, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế trình bày tờ trình.

Theo đó, tờ trình đề xuất mức chi bồi dưỡng hàng tháng cho đối tượng cộng tác viên dân số trên địa bàn tỉnh (không bao gồm cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước) là 200.000 đồng/người/tháng; kinh phí dự kiến chi trả hàng năm là 4.603.200.000 đồng.

Đồng chí Lê Thu Hà, Trưởng ban Văn hóa- Xã hội của HĐND tỉnh trình bày báo cáo kết quả thẩm tra của Ban Văn hóa- Xã hội.

Đồng chí Lê Thu Hà, Trưởng ban Văn hóa- Xã hội của HĐND tỉnh trình bày báo cáo kết quả thẩm tra.

Sáng mai, ngày 8/12, các đại biểu HĐND tỉnh chia 4 tổ để thảo luận, góp ý vào các báo cáo, tờ trình. Buổi chiều, HĐND tỉnh tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Thái Học- Mạnh Tuấn- Đức Lam- Trường Giang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-muoi-hdnd-tinh-khoa-xv-nghe-cac-bao-cao-to-trinh/d2022120714156232.htm