Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

Ngày 14/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, thảo luận về dự án Luật Kiến trúc và thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 .

Đại biểu thảo luận tại hội trường sáng 13-11, Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Báo Nhân dân

Trong buổi sáng, Quốc hội đã nghe và thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018. Đã có 10 đại biểu tham gia thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã có báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số nội dung.

Qua thảo luận, đa số các vị đại biểu về cơ bản đồng tình với các báo cáo, đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác kiểm sát, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác tiếp công dân. Tán thành với những nhận định, đánh giá về tình hình khiếu nại, tố cáo, những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, bất cập, nguyên nhân và những giải pháp được đề cập trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, nhiều đại biểu cũng đánh giá làm rõ thêm về tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2018 và đưa ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo các đại biểu, nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh khiếu nại, tố cáo là công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực còn bất cập, chưa bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước, doanh nghiệp; một số chính sách, pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, tính ổn định chưa cao, chưa hợp lý. Một số cơ quan, đơn vị công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chưa được quan tâm đúng mức, chưa làm hết trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, vẫn còn tình trạng giải quyết khiếu nại, tố cáo chậm, chưa kịp thời, chất lượng còn hạn chế.

Các vị đại biểu Quốc hội cũng tán thành với nhiều giải pháp kiến nghị được nêu trong các báo cáo, đồng thời kiến nghị thêm nhiều giải pháp cụ thể, trong đó có những giải pháp trọng tâm, then chốt cần thực hiện ngay, có những giải pháp cơ bản, lâu dài nhằm tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này.

Theo đó, đại biểu đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, nhất là các văn bản pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội; đề cao trách nhiệm cán bộ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ công chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với những hình thức thích hợp, phù hợp với tình hình của từng cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác này, xử lý nghiêm, làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, người có thẩm quyền trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đề cao vai trò giám sát của các cơ quan dân cử và vai trò hòa giải cơ sở, phối hợp của các cơ quan trung ương cũng như địa phương trong vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, tập trung để giải quyết dứt điểm những vụ tố cáo phức tạp, kéo dài đã qua nhiều năm và cũng có ý kiến đề nghị cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Buổi chiều, sau khi nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 với đa số phiếu tán thành.

Cũng trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Kiến trúc.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-sau-quoc-hoi-khoa-xiv-thao-luan-ve-cong-tac-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-20181114040954293p12c16.htm