Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV: Thông qua 5 dự thảo Luật và thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, ngày 19/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); sau đó Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua 5 dự thảo Luật.

Phiên họp toàn thể tại hội trường ngày 19/11. Ảnh: TTXVN

Trong chương trình làm việc buổi sáng, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Theo đó, đã có 23 vị đại biểu Quốc hội đăng ký và phát biểu ý kiến. Có 3 vị đại biểu Quốc hội tranh luận tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thay mặt cho cơ quan soạn thảo và Chính phủ xin tiếp thu và báo cáo giải trình thêm một số vấn đề.

Qua thảo luận, đa số các vị đại biểu tán thành sự cần thiết, tên gọi, phạm vi sửa đổi Luật. Việc ban hành Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, Hiến pháp năm 2013, trong đó có nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đặc biệt là để khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành cũng như thực tế tổ chức thi hành án hình sự hiện nay, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật mà Quốc hội đã thông qua gần đây, nhất là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành biện pháp tạm giữ, tạm giam và để phù hợp với các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, mặc dù đã có nhiều cố gắng và có nhiều điểm mới nhưng nội dung của dự án Luật này vẫn đang còn nhiều điểm quy định còn khá chung, chưa rõ được cơ chế, thủ tục, trình tự, trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ trong một số chế định, nên cần được các cơ quan phối hợp và làm rõ hơn, cụ thể hơn để bảo đảm cho tính khả thi khi triển khai thực hiện. Có những vấn đề mới như: thi hành án đối với pháp nhân thương mại, các biện pháp tư pháp, vấn đề thi hành án phạt tù có điều kiện theo Điều 66 Bộ luật Hình sự, vấn đề quyền và nghĩa vụ của pháp nhân, người chấp hành án, nhất là những vấn đề mới như quyền kết hôn, quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người…

Vấn đề lao động của phạm nhân trong trại giam hay ngoài khu vực trại giam, vấn đề quyền, nghĩa vụ, vấn đề quản lý lao động của phạm nhân như thế nào. Vấn đề thi hành đối với người chưa thành niên, vấn đề người nước ngoài, trẻ em dưới 36 tháng tuổi theo mẹ hoặc cha ở trong các trại giam, trại tạm giam. Đây là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm và muốn cụ thể hơn để thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện.

Buổi chiều, sau khi nghe các Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về các dự thảo Luật, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua các dự thảo Luật: Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-sau-quoc-hoi-khoa-xiv-thong-qua-5-dy-thao-luat-va-thao-luan-ve-dy-an-luat-thi-hanh-an-hinh-sy-sua-doi-20181119041319473p12c16.htm