Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV: Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Ngày 23/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh) thảo luận tại hội trường. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại hội trường, đa số ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhất trí với bố cục, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung sửa đổi của Bộ luật.

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo nhằm bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động, thúc đẩy chuyển dịch lao động, giúp người lao động được áp dụng một số tiêu chuẩn, điều kiện, tiền lương, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội và bảo vệ một số đối tượng.

Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định về bữa ăn ca cho người lao động, trong đó Quốc hội nên xem xét quy định trong luật việc người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả, bảo đảm chất lượng bữa ăn ca, quy định tiền tối thiểu cho bữa ăn ca tương ứng với các mức mức độ lao động.

Trong phiên thảo luận, vấn đề quy định về thời giờ làm việc bình thường và thời giờ làm thêm là những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến.

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng: theo quy định hiện hành, thời giờ lao động bình thường của người lao động Việt Nam đang ở mức cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Trong khi xu hướng giảm giờ làm đang là xu hướng chung của các nước trên thế giới, trên cơ sở đầu tư phát triển phương thức sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ, bảo đảm tăng năng xuất lao động nhưng cũng duy trì sức khỏe bảo đảm khả năng lao động của người lao động, tạo điều kiện cho người lao động có thời gian chăm sóc gia đình, tham gia các hoạt động văn hóa.

Đại biểu cho biết qua lấy ý kiến của công nhân thì người công nhân không muốn làm thêm giờ mặc dù thực tế họ cần làm thêm giờ vì tiền lương, thu nhập của người công nhân không đủ để trang trải cuộc sống, nhu cầu tối thiểu. Có nhiều cặp vợ chồng vì cuộc sống mưu sinh phải đi làm ăn xa, sinh con nhưng vì không có điều kiện nuôi nấng, giáo dục, phải gửi về cho ông bà trông giữ, con cái phải sống xa cha mẹ.

Đại biểu đề nghị: Chúng ta phải xây dựng luật để người lao động có thu nhập đủ sống, có thời giờ học tập, nâng cao tay nghề, có thời giờ giải trí, chăm sóc bản thân, gia đình và quan hệ xã hội. Sức cạnh tranh của nền kinh tế không nên dựa vào chủ yếu là sức lao động của người lao động mà còn là năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, điều kiện làm việc.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị về quy định tuổi nghỉ hưu nên tiếp thu theo đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam, bởi vì những kiến nghị này được xây dựng trên cơ sở lắng nghe ý kiến của đông đảo các tầng lớp lao động.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-tam-quoc-hoi-khoa-xiv-iai-bieu-quoc-hoi-tinh-tham-gia-thao-luan-ve-dy-an-bo-luat-lao-dong-sua-doi-20191023072113764p12c16.htm