Kỳ I: Hồ tiêu và nỗi lo phá sản

Thiếu chiến lược phát triển bài bản, cơ chế chính sách chưa theo sát thị trường, hồ tiêu Việt Nam có thể không chỉ rớt hạng trên bản đồ hồ tiêu thế giới, mà còn bị loại khỏi nhóm mặt hàng xuất khẩu tỷ USD.

Tại Huyện Chư Pưh, Chư Sê tỉnh Gia Lai (Tây Nguyên) - thủ phủ trồng hồ tiêu của cả nước, những tấm biển bán đất vườn, bán nhà được treo lên ngày một nhiều hơn.

Người trồng khốn đốn

Người dân Gia Lai bây giờ không còn mặn mà với cây tiêu. Sau trận mưa dài 4 tháng năm 2018, cây tiêu nhiễm sâu bệnh, vườn tiêu hơn 6.000 trụ của gia đình anh Nguyễn Văn Tuyên ở huyện Chư Pưh chết khô tới 5.000 trụ, phần còn lại lá cũng đang ngả sang màu vàng. Sinh kế của cả gia đình 4 người phụ thuộc vào vườn tiêu đã không còn. Gia đình anh Tuyên có bốn người, anh và cậu con trai lớn đang học năm 2 đại học phải bỏ học, đi làm thuê ở Đà Nẵng. Vợ anh và con gái nhỏ ở nhà trông vườn tiêu, trồng rau củ sống qua ngày.

Phá sản hồ tiêu, người nông dân thêm một cái Tết buồn

Phá sản hồ tiêu, người nông dân thêm một cái Tết buồn

Theo anh Tuyên, gia đình anh đã vay vốn ngân hàng để đầu tư cho cây tiêu vào thời điểm tiêu được giá, đỉnh điểm mua đất trồng tiêu 800.000 triệu - 1 tỷ đồng/ha. Anh hi vọng sau vài năm làm tiêu, gia đình anh sẽ có tiền trả nợ ngân hàng. Nguồn thu từ tiêu bị chặn lại, anh Tuyên muốn bán đất trả nợ ngân hàng nhưng không ai mua. Trong khi đó, tiền trả gốc vay ngân hàng chưa có, mà gia đình anh vẫn phải trả lãi ngân hàng tới hai chục triệu đồng mỗi tháng.

Vay nợ ngân hàng 750 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Tám - thôn Phú An, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, Gia Lai, không bị phá sản như nhiều gia đình trồng tiêu.Gia đình ông Tám trồng tiêu từ năm 2006. Những thời điểm giá lên cao 180.000 – 2000.000 đồng/kg, mỗi năm thu 3 - 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ năm 2016, giá tiêu bắt đầu xuống dốc. Ông Tám thấy mình may mắn hơn các hộ trồng tiêu khác, bởi lúc đỉnh cao của cây tiêu, gia đình ông bung tiền ra kinh doanh, mua máy móc, đất nông nghiệp.

Trước đây mua 10 nay chỉ bán được 1, thiệt hại 90%. “Tham vọng quá nên chịu thua thiệt. Nhưng tôi vẫn là nông dân may mắn vì có thu nhập tôi lấy tiến đó để đầu tư. Khổ nhất là dân vay vốn ngân hàng đầu tư về sau, chưa kịp thu được đồng nào thì tiêu chết trắng vườn. Toàn thôn có khoảng 200 hộ, trong số này có khoảng 30% vay ngân hàng tiền tỷ, số còn lại trung bình vài ba trăm triệu đồng”, ông Nguyễn Văn Tám nói.

ông Nguyễn Văn Tám - thôn Phú An, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, Gia Lai trao đổi với phóng viên

Hiện nay, giá bán tiêu rất thấp, chỉ khoảng 40.000 đồng/kg, các nông hộ không đủ trả công thu hoạch nên để tiêu tự chết. Để đất trống thì tiếc nhưng chuyển sang cây trồng khác cũng không biết đầu ra thế nào. Cuộc sống của hầu hết người dân trông tiêu rơi vào cảnh khó khăn. Nhà trồng càng nhiều nợ càng nhiều, 80 - 90% hộ dân ở đây phải bỏ rẫy đi làm thuê ở các tỉnh.

Tiêu tan giấc mơ làm giàu

Những trụ bê tông trồng tiêu trước đây được bà con nông dân mua với giá khoảng 100.000 đồng thì nay cả công nhổ mới bán được với giá 25.000 đồng. Nhiều nhà mua trụ bê tông về xếp làm hàng rào bởi lẽ giá thành còn rẻ hơn là xây gạch. Những vườn tiêu héo khô, đâu đó là những vườn chanh dây xanh mướn trên dàn được tận dụng từ các cột tiêu, những tấm biển treo bán đất, bán nhà là hình ảnh chúng tôi bắt gặp trên đường về Chư Pưh,Chư Sê. Và cái Tết năm nay các hộ dân nơi đây còn khó khăn hơn Tết năm trước…

Không chỉ có những hộ trồng tiêu bị thiệt hại, các đại lý phân bón ở Gia Lai cũng “vạ lây” với cây tiêu. Ông Vũ Trọng Khánh – chủ đại lý phân bón Hồng Hiệp 2 tại thôn Hàm Rồng, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa - cho biết, so với cách đây 2 năm thì hiện doanh số của cửa hàng đã giảm đi một nửa. Đại lý đầu tư cho bà con, khoảng 10% không có khả năng chi trả. Thậm chí đại ký cũng đang phải gánh lãi cho các hộ trồng tiêu. Bao nhiêu năm kinh doanh mặt hàng này, mấy năm gần đây tiêu khủng hoảng, giờ ông Khánh cũng đang tính đến việc chuyển hướng sang kinh doanh dịch vụ.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh là 16.278 ha, diện tích hồ tiêu bị chết trên địa bàn tỉnh là 5.547 ha. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu chết, như yếu tố kỹ thuật canh tác sai, do được giá nông dân bón quá nhiều phân đạm để thúc năng suất nên khi thừa đạm tiêu chết,… Thế nhưng, dù nguyên nhân nào thì cùng với bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu và việc giá tiêu giảm xuống đáy cũng làm nhiều nông hộ khốn đốn…

Ông Vũ Ngọc An - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai - thừa nhận, sản xuất hồ tiêu không bền vững trên địa bàn. Khi tiêu phát triển nóng cán bộ nông nghiệp can ngăn, cảnh báo cũng không được người dân chú ý. Quy hoạch trồng tiêu đến năm 2020 là 6.000 ha, tuy nhiên, đỉnh điểm diện tích trồng tiêu trên địa bàn tỉnh lên con số gần 16.300 ha.

Trong thời đại nông nghiệp 4.0 nhưng nông dân trồng tiêu phần lớn vẫn làm theo kinh nghiệm, thói quen. Trong khi đó, đối với cây hồ tiêu là cây khó trồng, cùng với khí hậu thời tiết, chất đất phù hợp, đòi hỏi kỹ thuật canh tác đúng. Theo Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, tất cả hàng hóa nông sản xuất khẩu tạo ra một sân chơi giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và những nông dân sản xuất giỏi. Đó là những nông dân kỹ thuật, kỹ sữ, là những người có học chuyên ngành về nông nghiệp. Rõ ràng, đây là bài học cho nông dân Gia Lai nói riêng và nhiều địa phương trên cả nước.

Thời kỳ huy hoàng của cây tiêu vào năm 2015, giá tiêu lên đến 260.000 đồng/kg, tại Chư Sê công lao động lên tới 500.000 đồng/ngày/người. Người dân các huyện trồng tiêu ở Gia Lai hi vọng vay vốn ngân hàng để trồng tiêu sẽ giúp họ đổi đời trong 2 đến 3 năm.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ky-i-ho-tieu-va-noi-lo-pha-san-131214.html