Kỳ I: Một số hóa chất thường gặp trong chăn nuôi và trồng trọt

Từ 1/7/2016, bên cạnh việc phạt tiền cao gấp 10 lần, Việt Nam cũng sẽ phạt tù người sản xuất, kinh doanh chất cấm từ 1 - 20 năm, tùy mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Ảnh: TTXVN

Tuy vậy, mức xử phạt này còn quá nhẹ đồng thời việc kiểm soát còn nhiều kẽ hở dẫn đến chất cấm vẫn trôi nổi trên thị trường Việt Nam.

1. Chất tạo nạc (Salbutamol)

Salbutamol, chất tạo nạc cho lợn thuộc nhóm chất độc hại nằm trong nhóm chất cấm sử dụng của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấm sử dụng.

Trong y tế, salbutamol là thuốc để điều trị bệnh hen suyễn với liều lượng rất nhỏ và cần sự kiểm soát chặt chẽ của thầy thuốc.

Sử dụng salbutamol liều cao có nhiều tác dụng phụ, thậm chí có thể gây tử vong nếu người dùng bị ngộ độc. Vì vậy việc Sabutamol được phát hiện sử dụng trong hàng trăm nghìn con lợn đã được giết mổ, đem bán thị trường Việt Nam khiến nhiều người lo lắng về khả năng đã ăn phải thịt heo ngậm chất cấm.

2. Thuốc trừ sâu

Việc sử dụng thuốc trừ sâu được cho là một trong các yếu tố chính dẫn tới sự gia tăng sản lượng nông nghiệp trong thế kỷ 20. Gần như tất cả các loại thuốc trừ sâu đều có nguy cơ làm thay đổi lớn các hệ sinh thái; nhiều loại thuốc trừ sâu độc hại với con người; và các loại khác tích tụ lại trong chuỗi thức ăn.

Các loại thuốc trừ sâu hữu cơ là các hóa chất tổng hợp chiếm phần lớn lượng thuốc trừ sâu sử dụng ngày nay.

Các loại thuốc trừ sâu vô cơ dược sản xuất bằng các kim loại bao gồm các hợp chất arsenate đồng và fluorine, hiện ít được sử dụng, và sulfur, thường được sử dụng. Các loại thuốc trừ sâu tự nhiên, như các chiết xuất nicotine, pyrethrum và neem do các loại cây tạo ra để bảo vệ chống lại côn trùng.

3. Chất kích thích tăng trưởng (Dexamethasone và Clenbuterol)

Các loại hóa chất kích thích tăng trưởng hay tăng trọng trong rau quả và gia súc đã được các nhà trồng trọt, chăn nuôi trộn lẫn vào thức ăn cho gia súc hay nước tưới cho cây trồng cũng gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng do bị nhiễm gián tiếp qua thực phẩm chứa các hóa chất độc hại trên.

Đối với gia súc như lợn, gà, vịt, hóa chất kích thích tăng trưởng ngoài dexamethasone, người chăn nuôi thường sử dụng là clenbuterol. Chất sau này ảnh hưởng lên sức khỏe người tiêu dùng rất nặng vì nó là mầm mống của bệnh ung thư.

Clenbuterol được trộn trong thức ăn cho lợn khiến lợn tăng trọng rất nhanh và làm thịt lợn trông rất bắt mắt. Từ năm 2002, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra quyết định cấm sử dụng clenbuterol trong chăn nuôi gia súc.

4. Thạch tín (Asen)

Asen là chất độc hại, thường có trong các mạch nước ngầm hoặc nước biển ô nhiễm. Vì vậy, hầu hết các loại thực phẩm đều có chứa một lượng asen nhất định.

Ở cấp độ bình thường, mỗi người chúng ta mỗi ngày đều nạp vào cơ thể một lượng asen nhất định, nó không gây ra bất kỳ tác động ngộ độc cấp tính nào đối với cơ thể. Nhưng nếu dung nạp hàm lượng lớn trong thời gian dài thì có thể dẫn tới nhiều tác động như tăng nguy cơ ung thư, làm hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu, gây cao huyết áp, bệnh tim mạch…

Asen đồng thời còn có tác động tới thần kinh, nếu tiếp xúc với asen trong thời gian dài sẽ gây suy giảm chức năng não bộ, từ đó ảnh hưởng tới khả năng tiếp thu và trí nhớ.

5. Chì

Thực phẩm nuôi trồng ở những vùng đất bị ô nhiễm chất thải (chất thải công nghiệp hoặc chất thải sinh hoạt) sẽ có nguy cơ nhiễm chì.

Đây là một thứ kim loại năng rất phổ biến và rất độc hại, có thể dẫn đến vô sinh, sẩy thai, mắc phải các rối loạn về thần kinh.

Ở trẻ em, chỉ số IQ sẽ không cao, đôi khi có những biểu hiện rối loạn hành vi.

Do chì tích lũy dần trong cơ thể một cách chậm chạp nên những triệu chứng sẽ không được nhận biết kịp thời.

6. Cadmium

Ngộ độc cadmium hiếm xảy ra vì chúng được cơ thể hấp thu rất ít. Tuy nhiên, một lượng nhỏ cadmium cũng có thể tích lũy trong thận, lâu ngày sẽ làm suy chức năng thận.

Tại Việt Nam, ngộ độc cadmium là do hút quá nhiều thuốc lá, uống nước ít.

Đôi khi thực phẩm cũng có thể gây ngộ độc cadmium, chẳng hạn khoai tây và các loại động vật thân mềm.

7. Thủy ngân

Là một chất độc ngấm ngầm, thủy ngân có thể gây ra một loạt triệu chứng, bao gồm rối loạn tâm lý, nhức đầu, chảy máu nướu răng, đau ngực, đau bụng, mệt mỏi kinh niên, dị ứng, nổi mẩn...

Ngộ độc thủy ngân có thể xảy ra qua thức ăn, nguồn nước, đôi khi còn do những chất thải công nghiệp.

Thủy ngân được tìm thấy trong pin (tại Úc có quy định pin không được vứt bừa bãi nhằm đề phòng nhiễm độc thủy ngân).

Thủy ngân cũng có thể được tìm thấy ở một số loài cá biển. Lợi ích của việc ăn cá có vẻ như “phủ bóng” về những nguy cơ ngộ độc thủy ngân. Tuy nhiên, những phụ nữ có thai được khuyến cáo không nên ăn một số loại cá như cá nhám và cá mũi kiếm.

8. Arsenic

Kim loại này từng là lựa chọn hàng đầu cho những toan tính độc ác. Khi arsenic xâm nhập cơ thể, nó sẽ tích lũy dần dần và nếu nồng độ đủ cao sẽ gây tử vong. Những trường hợp ngộ độc nhẹ có thể sẽ là “ngòi nổ” cho các bệnh ung thư, các bệnh về tim mạch và đường tiêu hóa.

Arsenic vô cơ được dùng trong thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hoặc để xử lý gỗ.

Đốt những loại gỗ được xử lý bằng arsen và hít phải tro của chúng là nguyên nhân ngộ độc phổ biến nhất.

Muối hữu cơ của arsenic thường tích lũy trong các loại hải sản có vỏ cứng thì ít độc tính hơn.

Những kim loại độc từ thức ăn và môi trường sống sẽ tồn tại trong cơ thể chúng ta và có khuynh hướng “nằm vùng” ở các tế bào da, tóc, móng...

Các thầy thuốc sẽ dựa vào đặc tính này để chẩn đoán qua việc xét nghiệm tóc. Nồng độ độc chất có trong tóc có thể chỉ ra nồng độ tương đương được tích lũy ở những cơ quan, bộ phận khác của cơ thể.

Kỳ II: Một số hóa chất thường gặp trong bảo quản và chế biến thực phẩm

ThS Nguyễn Hữu Tú

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/ky-i-mot-so-hoa-chat-thuong-gap-trong-chan-nuoi-va-trong-trot_t114c9n136920