Kỳ I: Nghịch lý ngành y phó giáo sư nghiên cứu nhiều hơn giáo sư

Hội đồng giáo sư Nhà nước vừa công nhận 75 người đạt chuẩn chức danh Giáo sư, 349 người đạt tiêu chuẩn Phó giáo sư năm 2019. Trong số này có 1 trường hợp đạt chuẩn Giáo sư theo hình thức đặc biệt. Như vậy năm 2019 có thêm 424 cá nhân được công nhận.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

So với năm trước, con số giáo sư, phó giáo sư được phong hàm giảm gần 2/3. Tuy nhiên, vấn đề nghiên cứu khoa học của những tân giáo sư, phó giáo sư luôn được quan tâm của giới nghiên cứu. Phóng viên Infonet đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Viện nghiên cứu y khoa Garvan, Úc, về điều này.

Câu chuyện phong hàm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư nhà nước luôn được sự quan tâm của giới làm khoa học nhất là về năng suất khoa học của các ứng viên (và cả những thành viên trong hội đồng xét duyệt). Xin giáo sư chia sẻ góc nhìn của ông các công trình nghiên cứu khoa học của những người được phong hàm năm nay như thế nào?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Rất khó có con số chính xác về công bố khoa học quốc tế của các ứng viên. Lí do đơn giản là vì họ liệt kê danh sách bài báo lẫn lộn giữa bài báo trên các tập san chính thống, tập san dởm, tập san gần dởm, tập san tiếng Anh nhưng đáng ngờ, thậm chí cả bài tóm tắt trong các hội nghị. Có người liệt kê cả những bài báo mà họ không phải là tác giả.

Để có một vài con số khả tín, một bác sĩ ở Cần Thơ đã chịu khó sưu tầm danh sách bài báo khoa học của các ứng viên ngành y. Ở đây, tôi chỉ tập trung vào danh sách bài báo trên các tập san trong danh mục chủ yếu là Clarivate và Scopus. Các bài báo công bố trên các tập san trong nước không được tính ở đây. Kết quả phân tích sơ bộ dữ liệu trong danh sách này là như sau:

Ở cấp giáo sư, tính chung cả 2 ngành y và dược, số bài báo khoa học tính trung bình là 10. Nhưng số bài báo của mỗi ứng viên dao động rất lớn, từ 3 đến 159 bài. Tuy nhiên, con số bất ngờ là khoảng 80 % trong số những bài này ứng viên không phải là tác giả chính.

Ở cấp phó giáo sư, chỉ tính riêng cho ngành y, số bài báo trung bình là 11. Nhưng độ dao động cũng rất cao giữa các ứng viên, có người không có bài nào, nhưng cũng có người là tác giả của 51 bài. Đa số các bài báo này, ứng viên không phải là tác giả chính. Nhưng tỉ lệ tác giả chính cũng rất khác nhau giữa các ứng viên.

Về tần số trích dẫn thì các ứng viên cấp giáo sư có chỉ số trích dẫn trung bình chỉ 15, nhưng cấp phó giáo sư thì chỉ số này lên đến 33. Người có trích dẫn cao nhất là PGS Trần Tuyết Hạnh (ĐH Y tế Công cộng Hà Nội) đó là một thành tích đáng nể cho một nhà khoa học trẻ. Ở cấp giáo sư, người có nhiều trích dẫn nhất là GS Hoàng Văn Minh, cũng thuộc ĐH Y tế Công cộng Hà Nội.

Những con số trên nói lên một xu hướng rất nghịch lí: ứng viên cấp phó giáo sư có vẻ có năng suất khoa học cao hơn các ứng viên cấp giáo sư. Ngay cả tính bằng chỉ số trích dẫn, các phó giáo sư cũng cao hơn các giáo sư.

Một điều rất thú vị khác 76 % các bài báo chỉ được công bố trong thời gian 2017 – 2018. Có lẽ thời gian công bố chưa đủ để thu hút chú ý của giới chuyên ngành, nên chỉ số trích dẫn chưa cao. Sự thật đó (đa số công bố trong 2017-2018, và công bố không có định hướng) có thể nói lên xu hướng 'đối phó' cho có đủ bài, hơn là có một chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn.

Nhưng điểm thú vị nhấtt trong phân tích này là các ứng viên phó giáo sư có vẻ có năng suất khoa học cao hơn các ứng viên giáo sư. Đó là một nghịch lí. Nghịch lí này có lẽ nói lên rằng tiêu chuẩn để công nhận hai chức danh giáo sư có vấn đề. Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh rằng đó là con số trong ngành y và có thể chưa đầy đủ; tôi chưa xem qua các chuyên ngành khác, nên chưa thể khái quát hóa cho các chuyên ngành khác.

GS Nguyễn Văn Tuấn.

Câu chuyện nghiên cứu kiểu Việt Nam đã được lên tiếng từ rất nhiều năm nay. Đặc biệt bản thân giáo sư Tuấn cũng đã nhiều lần băn khoăn về thực trạng này. Theo GS vì sao lại có nghịch lý như trên?

GS Nguyễn Văn Tuấn:Tôi đọc qua hồ sơ của các ứng viên, tôi thấy dường như hơi đơn giản. Qui định chỉ cần trình bày vài dòng lí lịch, 5 bài báo tiêu biểu, danh sách bài báo trong và ngoài nước. Danh sách bài báo thì được trình bày rất ư là ... phi khoa học.

Hiện nay, họ chỉ yêu cầu ứng viên liệt kê tiêu đề bài báo, số tác giả, tên tạp chí (thật ra là ‘tập san’), tạp chí quốc tế uy tín (IF?), số trích dẫn, tập/số , trang, năm công bố. Qui định này rất … dở. Chẳng hạn như số tác giả, số ISSN, số trang, v.v. là thông tin không cần thiết; thông tin cần thiết là ứng viên ở đâu trong danh sách tác giả, và tập san đó đứng ở đâu trong chuyên ngành. Quan trọng hơn nữa là bài báo đó được trích dẫn bao nhiêu lần, không phải qua con số của Google, mà qua danh mục Clarivate.

Tôi nghĩ Hội đồng giáo sư nhà nước nên ra qui định cụ thể về cách liệt kê bài báo theo công thức Harvard hay JAMA, tức là liệt kê toàn bộ danh sách tác giả, tựa đề bài báo, tên tập san, năm công bố, bộ và trang. Phải phân chia theo thể loại là nghiên cứu nguyên thủy (original research), tổng quan (review), chương sách (book chapter), thư đến tòa soạn (letter), v.v. Hãy loại bỏ abstract (trong ngành y dược) vì nó chẳng có ý nghĩa gì. Ngoài ra, mỗi bài, ứng viên phải giải thích rõ vai trò của họ là gì trong bài báo và kèm theo chứng cứ. Còn như cách làm hiện nay thì rất dễ bị lạm dụng.

Nếu cho GS “chấm” hồ sơ để phong hàm GS ở Việt Nam, qua những hồ sơ mà ông đã xem xét thì khả năng đủ tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư được bao nhiêu người?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi nghĩ nếu căn cứ vào tiêu chuẩn của ĐH Tôn Đức Thắng và xem qua các khía cạnh khác như phẩm chất nghiên cứu, uy tín của tập san, tầm ảnh hưởng (qua chỉ số trích dẫn), và sự độc lập, thì có thể 4 người trong 2 ngành y và dược đáp ứng tiêu chuẩn giáo sư, và khoảng 10 người xứng đáng phó giáo sư. Nhưng đó chỉ là ý kiên của 1 người, nên có thể không chính xác.

Vâng xin cảm ơn ông!

Kỳ II: "Chấm" GS và PGS không thể đánh giá kiểu “cá mè một lứa” các nghiên cứu

Phương Thúy (thực hiện)

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/ky-i-nghich-ly-nganh-y-pho-giao-su-nghien-cuu-nhieu-hon-giao-su-post323989.info