Kỳ I: Vì mục tiêu phủ sóng 100% nước sạch

Hơn 15 năm trước, từ chỗ tỷ lệ người dân ngoại thành chưa được sử dụng nước sạch nhiều thì đến nay đã có 85% người dân ngoại thành được tiếp cận nước sạch. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu 100% người dân được tiếp cận nước sạch như Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề ra vẫn cần thêm những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa…

Một đô thị văn minh, hiện đại ở đó ngoài kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại thì hệ thống nước sạch phải “phủ sóng” đến tất cả mọi gia đình. Đây là một trong những mục tiêu mà Thành phố đang quyết liệt triển khai.

Nỗ lực đưa nước sạch đến với người dân

Dẫn chúng tôi đi tham quan hệ thống nước sạch được kéo hết 2 tầng nhà để sử dụng, bà Đào Thị Sắc (80 tuổi, ở thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh) hồ hởi cho biết, cuộc sống của gia đình bà đã thay đổi rất tích cực từ khi dự án nước sạch được triển khai. Trước đây, nguồn nước sinh hoạt của gia đình bà cũng như những người dân xung quanh chủ yếu là giếng khoan.

Khi những tuyến đường ống nước được các công nhân triển khai, bà vô cùng hồi hộp, mong muốn từng giờ, từng phút nước được dẫn tới nhà mình. “Từ ngày có nước sạch để sử dụng, người dân ai cũng vui mừng, nhất là những người cao tuổi như chúng tôi”, bà Sắc bày tỏ.

Bà Đào Thị Sắc xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh được tiếp cận với nước sạch đạt tiêu chuẩn. Ảnh: K.Tiến

Bà Đào Thị Sắc xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh được tiếp cận với nước sạch đạt tiêu chuẩn. Ảnh: K.Tiến

Tương tự, bà Nguyễn Thị Uyên, người dân sống tại Thường Lệ, xã Đại Thịnh, chia sẻ, gia đình bà mong ngóng nước sạch đã từ rất lâu. Từ trước đến nay, gia đình bà chủ yếu sử dụng nước giếng khoan. Khi bơm lên sử dụng rồi để vài ngày, cặn đọng lại rất vàng, các thiết bị sử dụng nước này bị hỏng rất nhiều. Mặc dù đã sử dụng bể lọc bằng cát nhưng tình trạng mùi nước tanh vẫn không thể cải thiện. Do vậy, khi dự án nước sạch được triển khai, gia đình bà là một trong những hộ đầu tiên xung phong đăng ký lắp đặt, sử dụng.

“Chương trình đưa nước sạch đến người dân là điều mà chúng tôi mong muốn từ lâu nay. Từ khi được triển khai, cả gia đình tôi đã chuyển sang sử dụng nước sạch hoàn toàn. Chúng tôi cảm thấy vô cùng yên tâm vì nước hợp vệ sinh, đảm bảo sức khỏe. Có nguồn nước sạch làm cho đời sống trở nên văn minh hơn”, bà Uyên khẳng định.

Tại thôn Hậu Dưỡng (xã Kim Chung, huyện Đông Anh), khi được triển khai dự án nước sạch, gia đình bà Phan Thị Nhỡ cũng đã tích cực tham gia. Không chỉ lắp đặt cho gia đình sử dụng, nhà có 6 phòng trọ cho thuê, bà cũng đã đăng ký dẫn đường ống nước đến tận phòng, để người lao động được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, ăn uống.

Chị Nguyễn Thị Oanh (công nhân thuê trọ) bày tỏ: “Quê tôi ở Nghệ An, ở nhà, gia đình tôi vẫn sử dụng nước giếng khoan. Rất nhiều nơi, nguồn nước không đảm bảo, gây ra nhiều bệnh tật. Khi ra ngoài này thuê trọ, được sử dụng nước sạch, tôi cảm thấy rất khác biệt. Nước không còn mùi tanh, không có màu đục, tôi cảm thấy rất yên tâm để sử dụng trong sinh hoạt”.

Những người như bà Sắc, bà Uyên, chị Oanh… chỉ là số nhỏ trong hàng triệu người dân Thủ đô đang được thừa hưởng trái ngọt từ các chủ trương đúng đắn của thành phố Hà Nội. Chặng đường gian khó nhất trong hành trình đưa nước sạch đến với 100% người dân đã dần qua, nhưng những thành công mà dự án này để lại vẫn sẽ còn được nhắc đến.

Gian nan những bước mở đường

Ngày 29/5/2008, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Theo đó, tỉnh Hà Đông, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội. Nghị quyết chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2008. Sau khi sáp nhập, Hà Nội trở thành Thủ đô lớn thứ 17 trên thế giới với tổng diện tích hơn 3.300km2 (gấp 3,6 lần trước đó), tổng số dân tăng từ 3,4 triệu lên 6,4 triệu người.

Thủ đô Hà Nội, sau khi được mở rộng địa giới hành chính, có diện tích tự nhiên 334.470,02ha với dân số là 6.448.837 người. Tổng số các đơn vị hành chính của Thủ đô Hà Nội mới bao gồm 29 đơn vị cấp quận huyện với 577 đơn vị cấp xã - phường.

Tại thời điểm đó, toàn thành phố Hà Nội có 4 doanh nghiệp cấp nước là: Công ty Nước sạch Hà Nội, Công ty Cổ phần đầu tư và kinh doanh nước sạch VIWACO, Công ty cấp nước Hà Đông và Công ty cấp nước Sơn Tây; tổng số 15 nhà máy sản xuất nước có công suất từ 20.000m3/ngđ đến 100.000 m3/ngđ và 19 trạm cấp nước nhỏ có công suất từ 1.000m3/ngđ đến 12.000 m3/ngđ.

Với tổng công suất cấp nước tập trung khoảng 1.000.000 m3/ngđ cùng hệ thống đường ống cấp nước trên 3.000km, hệ thống cấp nước Hà Nội thời kỳ này thực hiện cung cấp nước sạch cho khoảng 700.000 hộ dân và các cơ quan tổ chức, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; tương đương với số dân là 2,5 triệu người, tiêu chuẩn cấp nước bình quân đạt 120 lít/người/ngày. Tỷ lệ dân số đô thị toàn thành phố Hà Nội được cấp nước sau khi điều chỉnh địa giới hành chính là 94,8%, tại các huyện ngoại thành và ven nội chỉ có 6% dân số được sử dụng nước sạch.

Điều này đã đặt ra cho Hà Nội một thách thức, cũng là một nhiệm vụ chính trị mới trong thời kỳ xây dựng Thủ đô mới. Việc phát triển ngành nước với tư cách là một lĩnh vực thuộc kết cấu hạ tầng để bắt kịp với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của Hà Nội mới chính là yêu cầu cấp thiết.

Vượt qua những thách thức ban đầu, tính đến hết năm 2022, tổng nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho Thành phố đạt khoảng 1.530.000m3/ngày đêm. Con số này đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và hoàn thành mạng lưới cấp nước cho khoảng 85% người dân khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu 100% người dân được tiếp cận nước sạch như Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề ra vẫn còn rất nhiều công việc phải làm ở phía trước. Đó là tình trạng khan hiếm nước ở những khu vực mới được đô thị hóa hoặc hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nước ngầm có dấu hiệu suy giảm, nguồn nước mặt đối diện nguy cơ ô nhiễm, sự cân bằng của toàn bộ hệ thống giữa công suất nhà máy nước và mạng lưới đường ống, cân đối giữa cung và cầu, giữa các vùng và các giai đoạn xây dựng và phát triển nhằm khai thác bền vững, ổn định và bảo vệ nguồn tài nguyên nước…

Đây là cơ sở quan trọng làm nền tảng để thành phố Hà Nội hoạch định những chính sách, kế hoạch phát triển trong tương lai tạo điều kiện phát triển theo quy hoạch cho các lĩnh vực kết cấu hạ tầng nói chung và ngành nước Hà Nội nói riêng.

Tuấn Dũng - Kim Tiến

(Còn nữa)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ky-i-vi-muc-tieu-phu-song-100-nuoc-sach-156185.html