Kỳ II: Công tác cán bộ không thể như... gặt lúa trời

Tìm hiểu, chiêm nghiệm từ thực tế tại Yên Bái, cả thành công và những điều còn trăn trở mới thấm câu ví von của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà: 'Làm công tác cán bộ không thể như… gặt lúa trời'.

Yên Bái triển khai công tác cán bộ: Ngày ấy, bây giờ…

Quy định cần bám sát thực tế cơ sở

Với công tác tổ chức, sắp xếp tinh gọn bộ máy theo mô hình thí điểm mà Trung ương đặt ra để giảm đầu mối như hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng hội đồng nhân dân - ủy ban nhân dân; hợp nhất ban tổ chức cấp ủy với phòng nội vụ, ủy ban kiểm tra cấp ủy với thanh tra; thực hiện mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội… thì các địa phương của Yên Bái đã có những biện pháp rất "thấu tình, đạt lý".

Ông Dương Văn Thống thông tin, khi thu gọn các đầu mối, bố trí lại cấp trưởng đơn vị, lựa chọn người đứng đầu như các đơn vị gộp lại thì ai đang thường vụ (thường vụ Huyện ủy – PV) sẽ là người đứng đầu, sau đó sẽ tính đến cán bộ trẻ, có năng lực sẽ được sắp xếp, nhưng thời gian thử thách cũng không quá 2 năm. Những cán bộ lãnh đạo nếu thời gian công tác còn ít sẽ động viên nghỉ theo chế độ hỗ trợ hoặc bố trí công việc phù hợp…

Yên Bái quan tâm phát triển cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số

Yên Bái quan tâm phát triển cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số

Tuy nhiên, ghi nhận tại một số địa phương như thành phố Yên Bái, huyện Yên Bình là những khu vực vùng thấp, kinh tế - xã hội phát triển và một số huyện phía Tây của tỉnh như Văn Chấn, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ là khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc, kinh tế xã hội phát triển khó khăn, hạn chế… thì thực tế lại đặt ra những vấn đề cần xem xét về tiêu chuẩn cán bộ.

Như tại huyện Yên Bình - địa phương nằm cách thành phố Yên Bái chỉ 10km, có tài nguyên du lịch phong phú và hấp dẫn, đặc biệt hồ Thác Bà là danh thắng cấp quốc gia với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp cùng nhiều điểm du lịch tâm linh như: đền Thác Bà, đình Khả Lĩnh… Dù những tiềm năng về phát triển công nghiệp, nông nghiệp của Yên Bình không thua kém gì các huyện, thị khác, nhưng với lợi thế thấy rõ, những nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ huyện Yên Bình luôn xác định rõ, khẳng định du lịch ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển tương xứng tiềm năng. Từ định hướng đó, ông Đoàn Hữu Phung - Bí thư Huyện ủy Yên Bình - một Bí thư huyện trẻ nhất của Yên Bái (40 tuổi) trao đổi với phóng viên: Công tác phát triển cán bộ của huyện thời gian tới sẽ ưu tiên những người có hiểu biết, ngành nghề đào tạo liên quan đến lĩnh vực du lịch, yêu cầu cán bộ ngoại ngữ (tiếng Anh) phải tốt, phải có kiến thức về kinh tế, đầu tư… Bởi lẽ, với định hướng phát triển du lịch, địa phương đã liên kết với nhiều đối tác, khảo sát, xây dựng đề án phát triển tổng thể...

Nhưng với địa phương như ở Trạm Tấu nếu đặt ra những yêu cầu hay quy định "cứng" sẽ gây ra khó khăn cho cấp cơ sở. Trạm Tấu với 90% dân số là đồng bào người Mông, nằm ở phía Tây cách trung tâm tỉnh Yên Bái hơn 120km, đường đến huyện khó khăn, kinh tế chỉ nông nghiệp, lâm nghiệp thuần túy, du lịch dựa vào vẻ đẹp hoang sơ và khách tìm đến chỉ là những "phượt thủ"… Ông Trịnh Văn Xuê - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trạm Tấu - chia sẻ: Theo quy định chung thì cán bộ lãnh đạo cấp phòng trở lên phải có trình độ tiếng Anh trình độ B, C hay bậc 2, bậc 3 gì đó. Cá nhân tôi cũng yêu thích và tôi đã tự học tiếng Anh. Có thể nói yêu cầu đó về lâu dài là cần thiết. Nhưng thực tế ở Trạm Tấu không hề có trung tâm ngoại ngữ, cơ sở đào tạo và để có được những văn bằng, chứng chỉ "đáp ứng quy định" anh chị em đều phải về thành phố, có người phải về Hà Nội để học, rất vất vả, tốn kém. Trong khi thực tế công việc địa phương chưa có hợp tác quốc tế, chưa thu hút khách du lich nước ngoài… Để phục vụ tốt công việc địa phương vẫn thiên về ưu tiên cán bộ có chuyên môn về nông, lâm nghiệp để giúp người dân trong phát triển kinh tế, xã hội. Do vậy, yêu cầu đặt ra là cán bộ phải biết, giao tiếp được với người dân bằng tiếng đồng bào dân tộc thiểu số…

Du lịch được định hướng là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của địa phương

Đặt hàng… giáo trình đào tạo cán bộ

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới và khắc phục những hạn chế, yếu kém trong xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là những hạn chế, bất cập trong công tác phát hiện, quy hoạch, tạo nguồn cán bộ từ đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số… Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã xây dựng Đề án "Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035" và đề án đã được Thường vụ Tỉnh ủy quyết định, thông qua…

Bà Phạm Thị Thanh Trà – Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái - cho biết, để triển khai thực hiện đề án một cách bài bản, khoa học… vừa qua, tỉnh Yên Bái đã liên hệ với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để được hỗ trợ, đề nghị mở khóa học riêng cho cán bộ tỉnh Yên Bái với nội dung chương trình học: Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, ở học viện hiện chưa có giáo trình về nội dung chuyên biệt này mà chỉ lồng ghép trong các chương trình, khóa đào tạo khác… "Tôi và anh em trong Thường vụ đã liên hệ với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để "đặt hàng" học viện viết giáo trình cho khóa học, Yên Bái đăng ký là khóa đầu tiên…" - bà Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ với phóng viên.

Câu chuyện "đặt hàng" của Yên Bái đối với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã gợi mở một suy nghĩ: Phải chăng khi nhìn thấy "độ vênh" giữa thực tế và những định hướng chung của Đảng thì cách làm của Yên Bái chính là sự bổ sung thiết thực nhất với các vấn đề lý luận. Hoặc nói một cách khác, khi lý luận và thực tiễn địa phương có sự tiệm cận một cách chủ động, sẽ bớt dần tâm lý hoặc chỉ "kêu" Trung ương giải quyết, hoặc ỷ vào đó để biện hộ cho những yếu kém, tồn tại.

Kỳ III: Vững tin trước thách thức, vận hội mới

Quang Dương - Phạm Tiệp

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/ky-ii-cong-tac-can-bo-khong-the-nhu-gat-lua-troi-109984.html