Kỳ II: Truy tìm thân thế người… 'cõi âm'

Mặc dù khó khăn, tốn kém nhưng anh Lương vẫn cố gắng hết sức mình, tìm kiếm thân nhân, trả lại đúng tên họ cho người đang nằm lạnh lẽo dưới mồ sâu.

Phóng sự của Thành Văn

Người đời có câu “người chết là hết chuyện”, nhưng đối với chàng trai giàu lòng trắc ẩn như Phạm Văn Lương thì lại khác, sau khi lo hậu sự cho người em kết nghĩa được chu toàn. Lương lại bắt đầu hành trình đi tìm thân nhân của người đã chết, bỏ lại công việc cho gia đình, thu vén những đồng tiền cuối cùng trong nhà, chịu nguy hiểm trên đường đi đến các địa phương Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình… nơi nào có manh mối là anh tìm đến để tìm cho ra thân nhân của Duy (nạn nhân được Lương đặt tên) dù người chết đang nằm dưới mộ và không biết lên tiếng. Lương cậy nhờ các cơ quan chức năng, đoàn thể, cơ quan báo đài… những mãi vẫn tìm không được, anh lại cậy nhờ đến các nhà ngoại cảm bằng phương pháp “lên đồng”, “gọi hồn” gặp Duy để nói chuyện với “người âm” để giúp linh hồn tìm ra gia đình…

Người thanh niên bé nhỏ phát động cuộc truy tìm rộng lớn

Điều khó khăn nhất trong hành trình đi tìm người thân cho người nằm dưới mộ là nạn nhân không có bất kỳ căn cứ nào giúp anh có thể xác đinh quê quán nạn nhân. Lương chỉ còn biết đi tìm “quê hương” ấy dựa vào những giấc mơ và hy vọng vào duyên phận. Việc đầu tiên là anh kết nối với Cơ quan công an huyện Từ Liêm, Bệnh viện 198 để tìm phương pháp khoa học nhất tìm gia đình nạn nhân, anh được mách nước là đăng tin tìm người thân trên cả các báo Nhân dân, Tuổi trẻ, Công an nhân dân, An ninh Thủ đô,… Trên VTV2, VTV6, VTV4, VTV9…

Năm 2010, anh là một trong bốn thanh niên trên toàn quốc được vinh danh học theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Đoàn thanh niên CSHCM Việt Nam phát động. Nhưng Lương nói: “Cái tôi quan tâm là không cần lên tivi, lên báo để nổi tiếng, mà mong muốn duy nhất lên công luận để công bố tin tức nạn nhân đến mọi miền đất nước, thông qua các kênh thông tin biết đầu tìm được gia đình cho Duy”.

Anh Phạm Văn Lương cùng mẹ

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi thông tin của Lương và đặc điểm của nạn nhân được phát đi, nhiều người cảm động. Khắp nơi trong cả nước ai cũng cảm phục Lương, giúp đỡ Lương để truy tìm tung tích nạn nhân. Bắt đầu từ đó, hàng ngàn cuộc điện thoại gọi đến chia sẻ thông tin. Ngươi không biết thì cảm ơn mến phục, người lơ mơ thì xác minh xem có phải là người thân của mình hay không. Bắt đầu từ đó, các điểm có liên quan đến nạn nhân như Bệnh viện 198, nơi bệnh nhân được cứu chữa, Công an Từ Liêm, nơi thụ lý hồ sơ nạn nhân nhận là những nơi có nhiều người đến tìm hiểu nhất. Theo như Trung úy Phạm Thế Quyền, công an huyện Từ Liêm thì đây là trường hợp nạn nhân rất khó nhận dạng, nhiều người đến rồi lại đi với lý do không phải người nhà. Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện Từ Liêm cũng đã ra Công văn Yêu Cầu số 116 đề ngày 25 tháng 12 năm 2009 gửi Cục C27, Phòng PV 27 các tỉnh, thành phố để tra cứu cơ sở dữ liệu, tàng thư công dân để xác định tung tích nạn nhân. Lần đầu tiên, nạn nhân “vô thừa nhận” được quan tâm đặc biệt. Nhưng sau hơn một năm, hành trình truy tìm tung tích nạn nhân vẫn là con số 0 tròn trĩnh.

Bằng khen của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng Phạm Văn Lương

Về phần Lương, sau khi thông tin được phát đi, đã có nhiều người tìm đến anh để nhận thân nhân, nhưng kết quả miêu tả không trùng khớp. Anh cũng đã hơn chục lần về nơi có người nhận nạn nhân là thân nhân để điều tra thêm kết quả trước khi khẳng định, nhưng tới nay kết quả vẫn chỉ nhận được những cái lắc đầu. Vất vả, tốn kém không biết bao nhiêu, nhưng nghĩ tới một gia đình tìm lại được con, mộ phần người xấu số được trở về bên người thân, anh Lương lại quyết tâm đi… Lần nào cũng vậy, chỉ có chút thông tin là anh lại khăn gói lên xe máy đi tìm, anh bảo đi xe máy để tiết kiệm tiền, lại có thể tạt ngang, tạt dọc, dễ đi lại. Chính vì thế có lần anh gặp nguy hiểm. Đó là vào thời điểm khi Duy mới mất được hơn tháng, anh đi Ninh Bình tìm vì có thông tin một người trong đó cung cấp nhưng không có kết quả. Đã thế, lúc quay về là lúc nữa đêm, đi đoạn đường vắng còn bị cướp mất tiền và điện thoại.

Truy tìm ở… “cõi âm”

Anh Lương lại phải dựa vào các nhà ngoại cảm. Cứ ai mách ở đâu có người tìm mộ giỏi, anh lại cất công tới tận nơi: từ Hải Phòng, Hà Nội rồi Hải Dương,… Lương không nhớ được đã bao lần anh đi tìm gặp các nhà ngoại cảm, bao nhiêu lần anh lên thăm mộ của nạn nhân. Khổ nhất là lúc về nhà “cậu” Liên ở Hải Dương chờ đợi cả tuần liền. Nhưng khi có cơ hội gặp cậu Liên thì được cậu bảo: “Không hợp, Duy khó “lên” lắm”. Cậu còn phán, “nó không muốn tìm người thân, vì không muốn về nhà đâu, muốn ở với cậu, vì cậu tốt quá ấy mà”. Nói thật là, nhiều lúc Lương cũng không tin lắm, cuồng tín sẽ rơi vào mê cung của mê tín dị đoan, nhưng với ước mong tìm được gia đình nạn nhân mà anh cứ thử, với lại là ai khẳng định được thật giả thế nào. Nên đi cho biết.

Lần khác, Lương tìm đến “cậu” Hùng và cả cô Thảo ở Hiệp Hòa, Vĩnh Bảo. Chờ đợi cả tuần vì người đến gọi hồn đông quá. Đến lúc Lương thất vọng ra cửa đình về thì có người gọi giựt lại: “Lương, có người gặp”. Lương tưởng Duy đã nhập đồng, chạy vào thì ông thầy ấy trợn mắt, một dọng trẻ con cất lên: “Có phải anh là Lương, tìm người bị tai nạn không?”. Lương trả lời phải, nhập đồng là một cậu bé mới 6 tuổi bị chết đuối. Cậu bé còn bảo, anh bị tai nạn đang đứng ngoài cửa, mặt đầy máu, không vào được vì yếu và đông người không chen nổi. Người bị nạn còn nhắn, cứ về đi, Duy đợi ở nhà… Lại có “cậu” nói rằng, Duy báo mộng là quê ở Nam Định, nhưng nay người thân đã chuyển nhà rồi.

Những giây phút an lành hạnh phúc của anh Lương bên người thân yêu

Cho đến tháng 6 năm 2010, có người mách, Lương mời thầy cúng đến mộ Duy ở nghĩa trang cúng, lễ rồi xin rước vong của Duy về số 1 Đông Tác – Hà Nội, trụ sở của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người nhờ thầy có tiếng giúp đỡ để được nói chuyện với linh hồn của Duy nhưng không thành công. Thầy còn hẹn Lương lần khác, với lý do chưa phải lúc. Lương còn bảo, trước ngày 10 tháng 10 năm 2010, anh định cậy nhờ Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, nhưng hối đó anh nghe được nhiều tin đồn thất thiệt về bà Hằng mà kẻ xấu nào đó tung tin nên lại chờ đợi. Bây giờ định nhờ bà Hằng thì nghe nói bà đã “giải nghệ” rồi nên không dám cậy nhờ. Bây giờ, nói về hành trình gọi hồn của Duy, Lương bảo: “Các nhà ngoại cảm chỉ nói chung chung, chưa giúp được gì. Em đều không tin, em sẽ cố gắng tìm những người có khả năng thực thụ”.

Vẫn nỗ lực tìm kiếm

Chúng tôi lại tìm đến Khu 5A – Nghĩa trang Văn Điển, nơi Duy được chôn cất để tìm hiểu về ngôi mộ người bị nạn. Các nhân viên trong ban quản lý Nghĩa trang nhiệt tình giúp đỡ, ngôi mộ Duy được Lương bỏ tiền xây cất đẹp đẽ, cái bia bằng đá bóng lên dòng tên Phạm Văn Duy ấy khiến chúng tôi cảm động. Giờ đây, mộ người bị nạn không còn đề với dòng chữ Vô danh lạnh lẽo như những ngôi mộ khác, có tên, địa chỉ trùng với Lương, như một món quà trời phật ban tặng cho người nằm dưới mộ, món quà từ lòng tốt nghĩa hiệp của Lương. Các nhân viên quản trang kể: “Thằng bé tốt lắm, tháng nào nó cũng từ Hải Phòng lên thắp hương 2, 3 lần, có tháng lên nhiều hơn thế. Lần nào lên cũng có lễ, cúng xong phát lộc cho chúng tôi hết”.

Hạnh phúc giản dị của vợ chồng anh Lương

Còn chị Tấm (người thích được gọi với cái tên là Tâm), nhân viên vệ sinh, người được Lương trả 30 nghàn đồng/tháng để hương khói cũng như dọn dẹp, trồng hoa nói: “Chuyện nhân nghĩa ở nghĩa trang, ở những ngôi mộ vô danh thì nhiều, nhưng Lương là người duy nhất có lòng tốt tận tình”. Chị Tâm còn bảo, được thay mặt Lương làm những việc nhân nghĩa với người đã chết, chị cũng thấy tâm hồn mình thanh thản. Và còn rất nhiều người tốt quanh ta, khi biết tin về phần mộ của Duy, họ cũng đến hương khói, cầu khẩn cho người anh kết nghĩa của nạn nhân sớm tìm được người thân, trả lại đúng tên khai sinh cha sinh mẹ đẻ trên bia mộ.

Tại điểm kinh doanh của mình ở Hải Phòng, Lương cũng đã lập một bàn thờ trong phòng mình. Hàng ngày, Lương hương khói đều đặn. Mẹ của Lương cho chúng tôi biết. Thời gia qua, vào ngày lễ 49, 100 ngày và giỗ đầu, Lương và gia đình gom tiền cúng to vì đoán rằng mọi người đến rất nhiều. Họ đến đồng nghĩa với việc cho linh hồn kia thêm những người bạn, thêm gia đình ấm cúng.

Chúng tôi cũng được biết thêm thông tin, sau vụ tai nạn 2 ngày, cơ quan công an đã tìm được người gây tai nạn cho Duy. Bản thân gia đình người gây tai nạn cũng đã tìm đến Lương, góp chút tiền và công sức trên hành trình đi tìm thân nhân người chết. Họ nói, bị cảm động, bị cuốn trôi bởi lòng tốt của Lương. Mới đây, Lương lại lên Công an huyện Từ Liêm nhờ người giúp xin Công văn lưu giữ dấu vân tay đề đưa các anh chị trên Đài truyền hình Việt Nam giúp đỡ với hy vọng, qua các anh chị, có quan hệ, sẽ đưa dấu vân tay, đặc điểm nạn nhân về các địa phương tra cứu tìm người thân một cách nhanh nhất. Cũng qua bài báo này, chúng tôi gửi thông điệp đến cơ quan chức năng hữu trách tích cực hơn và có biện pháp tìm tung tích nạn nhân một cách nhanh nhất có thể, trả lại tên, người than cho người nằm dưới mộ. Đồng thời, đó cũng là cách để tôn vinh những tấm gương như Lương được nhân rộng ra xã hội.

Kỳ cuối:

Bắt nhịp cho bản “hợp ca” giúp người, giúp đời

TV

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/ky-ii-truy-tim-than-the-nguoi-coi-am-51647.htm