Kỳ III: Chuyên gia hiến kế

Với mục đích tuyên truyền những kinh nghiệm phát triển về ngành công nghiệp du lịch tàu biển tại Việt Nam, qua dưới sự kết nối của ông Lê Phú Cường - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Emre Sayin - Giám đốc Điều hành Global Ports Holding (Tập đoàn Cảng toàn cầu) về vấn đề này.

Kỳ II: Gỡ nút thắt về hạ tầng Kỳ I: Sức hút du lịch tàu biển

Theo thống kê, lượng khách du lịch tàu biển đến khu vực châu Á tăng trưởng trung bình đạt 23%, nhưng tỷ lệ đến Việt Nam vẫn còn những hạn chế dù có nhiều tiềm năng. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân chính?

Lý do duy nhất theo tôi là Việt Nam chưa phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển. Nếu giải quyết tốt điều này thì không có lý do gì để Việt Nam chậm phát triển hơn các nước châu Á khác trong lĩnh vực này.

Để phát triển du lịch tàu biển thì hạ tầng, dịch vụ giữ vai trò rất quan trọng, nhất là hệ thống cảng du lịch chuyên biệt, đủ tiêu chuẩn quốc tế. Theo ông hạ tầng cảng tàu du lịch biển và các công trình phụ trợ ở Việt Nam đã đủ đáp ứng hay chưa và Chính phủ cần làm gì để khắc phục yếu kém này, đặc biệt là về mặt chính sách thu hút đầu tư ?

Ông Emre Sayin - Giám đốc điều hành Global Ports Holding

Ông Emre Sayin - Giám đốc điều hành Global Ports Holding

Theo tôi thì có 2 vấn đề: Thứ nhất, Việt Nam cần có những chính sách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp có kinh nghiệm ở nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam. Và phải đảm bảo rằng các công ty đó phối hợp với Chính phủ và doanh nghiệp của Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ, cùng với đó là phát triển các điểm tham quan du lịch. Đây chính là vấn đề then chốt. Chúng tôi cũng là một trong những đơn vị rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển có thể chuyển giao công nghệ, chia sẻ những hiểu biết của mình với các bạn.

Thứ hai, là cần xác định mức khung giá dịch vụ cảng biển. Bởi lẽ đối với khu vực tư nhận khi quyết định đầu tư cần phải có căn cứ rõ ràng để đưa ra mức độ đầu tư cụ thể. Mà căn cứ cụ thể nhất là mức chi phí cảng biển. Với mức chi phí như ở Việt Nam hiện nay đang là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của lĩnh vực này.

Nếu đầu tư bài bản vào cảng du lịch biển, quản lý vận hành tốt, Việt Nam sẽ được gì ngoài những thứ hữu hình? Ông có thể chia sẻ mô hình thành công của một số cảng biển trên thế giới?

Thực tế cho thấy, có cảng du lịch biển nhưng nếu không có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, áp dụng công nghệ.. .sẽ khó hiệu quả.

Tôi có thể kể tên rất nhiều cảng biển ở đây. Ví dụ, Moston là một hòn đảo nhỏ với số lượng dân khoảng 500.000 người mà nền kinh tế ở đó rất phát triển chủ yếu dựa vào du lịch và du lịch cảng biển là một trong những lĩnh vực rất quan trọng của hòn đảo này. Chính quyền nơi này rất quan tâm đến các nhà đầu như cả trong nước và nước ngoài. Ở đó chúng tôi cùng hợp tác với các doanh nghiệp, chính quyền địa phương để phát triển dịch vụ, cơ sở hạ tầng cảng biển và cả những điểm đến. Năm ngoái chúng tôi đã được trao giải thưởng “Best Destination” – Điểm du lịch hấp dẫn.

Một ví dụ khác tôi có thể kể đến là Singapore, chúng tôi vẫn hợp tác với các hãng lữ hành của Singapore để định hướng phát triển hệ thống cầu cảng và các điểm đến du lịch. Dịch vụ ở đây rất tốt, an ninh được đảm bảo. Như các bạn thấy đấy, kể từ thời điểm chúng tôi đầu tư vào thị trường này, số lượng cảng đã tăng gấp 3 lần, rất hấp dẫn khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Tôi nghĩ đó chính là thể hiện một chiến lược quảng bá đúng đắn.

Ngành công nghiệp du lịch tàu biển Việt Nam được nhận định rất tiềm năng

Được biết Tập đoàn Cảng toàn cầu cũng đã thảo luận và mong muốn hợp tác với một số đơn vị tư nhân ở Việt Nam trong lĩnh vực cảng du lịch, tuy nhiên kết quả chưa khả thi. Vướng mắc là gì và ông có mong muốn như thế nào?

Thực tế là chúng tôi đã có những cuộc trao đổi, thảo luận, tuy nhiên vẫn chưa có kết quả và chắc chắn sẽ mất khá nhiều thời gian. Đây cũng là điều dễ hiểu vì lĩnh vực này ở Việt Nam mới được đẩy mạnh gần đây và hầu như là khu vực nhà nước quản lý chứ chưa có sự tham gia nhiều của khu vực tư nhân. Vì vậy, điều chúng tôi cần ở đây là sự trợ giúp của chính quyền địa phương trong việc kết nối, hợp tác với các nhà đầu tư trong nước để cùng xây dựng và phát triển.

Với tiềm lực và kinh nghiệm của mình, Tập đoàn Cảng toàn cầu có tiếp tục tham gia sâu vào các dự án du lịch cảng biển tại Việt Nam hay không? Và kế hoạch sắp tới là gì?

Tôi nhận thấy lĩnh vực dịch vụ cảng biển của Việt Nam rất tiềm năng và rất mong muốn được hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực này. Chiến lược của chúng tôi trong thời gian tới là tiếp tục đầu tư vào dự án cảng biển tại Singapore để có thể tiếp nhận được nhiều tàu du lịch hơn. Chúng tôi cũng thấy có khá nhiều điểm đến tiềm năng tại Việt Nam trong đó có thể kể đến Vịnh Hạ Long. Và chúng tôi sẽ cố gắng kết nối với các đơn vị của Việt Nam để triển khai dự án này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đình Dũng - Hoa Quỳnh - Nguyễn Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ky-iii-chuyen-gia-hien-ke-120130.html