Ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU

Việc chính thức ký hai Hiệp định quan trọng là EVFTA và EVIPA đã mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên.

Ký kết Hiệp định thương mại tự do và hiệp định bảo hội đầu tư giữa

nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu. (Ảnh:PV)

Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) tại Hà Nội chiều 30/6.

Theo đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết bởi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và bà Cecilia Malstrom, Cao ủy EU về thương mại; Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) được ký kết bởi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo Liên minh châu Âu.

Dịp này, Thủ tướng đã bày tỏ cảm ơn vai trò lãnh đạo, sự ủng hộ của ngài Donal Tusk, ngài Jean-Claude Juncker Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Cecilia Malstrom, Cao ủy EU về thương mại, lãnh đạo Chính phủ, Nghị viện các nước EU và đặc biệt là sự ủng hộ quý báu của Rumani, nước Chủ tịch luân phiên EU, đại diện là ngài Bộ trưởng Stefan Radu Oprea.

Đồng thời, Thủ tướng cũng đánh giá cao các Bộ, ban ngành Trung ương, các cơ quan Chính phủ, cơ quan Quốc hội các cơ quan tư pháp đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đối tác tại EU và các nước thành viên EU trong quá trình đàm phán, thống nhất nội dung và thúc đẩy để hai bên đi đến lễ ký kết. Đây là một mốc son cho quá trình dài về đàm phán và hoàn thành các thủ tục nhiều năm qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Liên minh châu Âu với tầm nhìn hướng Đông đã coi Việt Nam làm đối tác cũng như là quốc gia giàu tiềm năng phát triển năng động hàng đầu tại Đông Nam Á; thực hiện chính sách đối ngoại đa phương, đa dạng hóa quan hệ, với tầm nhìn mạnh mẽ về hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam rất vui mừng hợp tác với Liên minh châu Âu ở phía Tây Bán cầu, một nền văn minh tiên tiến, một khối kinh tế phát triển hiện đại, hùng mạnh hàng đầu thế giới, cũng như mở rộng hợp tác song phương với 28 nước thành viên EU.

Thủ tướng cho biết, năm 2012, Việt Nam và EU đã ký Hiệp định đối tác hợp tác toàn diện PCA là khung hợp tác quan trọng về chính trị, đối ngoại và nay là ký hai Hiệp định về thương mại (EVFTA) và đầu tư (EVIPA).

Đây là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích. Sự liên kết, tổng hòa các Hiệp định quan trọng này sẽ nâng quan hệ Việt Nam và EU lên tầm cao mới mang tính chiến lược.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, các thách thức an ninh phi truyền thống càng lớn, thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, sự hợp tác hai Bên mang ý nghĩa đặc biệt.

Điều này thể hiện tư duy mạnh mẽ, tầm nhìn chiến lược của cả Việt Nam và EU- là hai nền kinh tế mang tính bổ sung cho nhau- cùng hợp tác, cùng có lợi và cùng phát triển hướng về tương lai tươi sáng, đóng góp cho sự phát triển bền vững và cho hòa bình, ổn định, phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đại diện Liên minh châu Âu

và các đại biểu tại Lễ ký kết. (Ảnh:PV)

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc ký các Hiệp định EVFTA, EVIPA mới là bước khởi đầu, hai bên cần nỗ lực hợp tác để quá trình triển khai hợp tác thành công. Việt Nam sẽ ban hành “Chương trình hành động quốc gia” thực hiện hai Hiệp định với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết, triển khai sâu rộng đến các Bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân, gắn với phát huy sự năng động, sáng tạo trong quá trình thực hiện hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển giàu mạnh hùng cường.

Tại lễ ký, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, việc hoàn tất đàm phán và ký kết 2 Hiệp định này sẽ làm tăng cường hơn nữa quan hệ song phương đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, làm sâu sắc hơn mối quan hệ về kinh tế và thương mại nhằm tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng của nhau để mang lại lợi ích cho cả hai bên.

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế.

Với Hiệp định EVIPA, hai bên cam kết sẽ dành đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc với đầu tư của nhà đầu tư của Bên kia, với một số ngoại lệ, cũng như sự đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng. Đồng thời hai bên cam kết bồi thường thiệt hại phù hợp cho nhà đầu tư của bên kia tương tự như nhà đầu tư trong nước hoặc của bên thứ ba trong trường hợp bị thiệt hại do chiến tranh, bạo loạn...

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là một sự kiện quan trọng đối với tất cả chúng ta, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU đã được khởi xướng từ năm 2012, phù hợp với định hướng phát triển vì sự thịnh vượng chung của 02 nền kinh tế, thể hiện sự ghi nhận và coi trọng của EU đối với vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế với tư cách là một nền kinh tế năng động, sẵn sàng cải cách để hội nhập. Đồng thời, các hiệp định được ký kết ngày hôm nay còn mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy kết nối kinh tế giữa cộng đồng kinh tế ASEAN và EU cũng như góp phần phát triển kinh tế toàn cầu.

“Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội nêu trên, Việt Nam cũng đang đứng trước một số thách thức trong quá trình thực thi Hiệp định như: về thể chế, chính sách, cơ chế quản lý; hệ thống kết cấu hạ tầng, trình độ công nghệ và nguồn nhân lực; năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam...” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảnh báo.

Hiệp định EVIPA do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đàm phán thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với 22/28 nước thành viên EU; có các cam kết nhằm đảm bảo an toàn cho vốn và tài sản của nhà đầu tư. Đến nay, các nhà đầu tư EU đã có 2.244 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 24,67 tỷ USD, chưa tính một số dự án lớn khác thông qua quốc gia hoặc vùng lãnh thổ thứ ba./.

Hà Anh

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/kinh-te/ky-ket-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-viet-nam-va-eu-527076.html