Ký kết hợp đồng xác định thời hạn để tránh tâm lý 'viên chức suốt đời'

Phương án 1 quy định tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và thảo luận tại tổ về dự án luật này.

Đáng quan tâm, Dự thảo Luật không tiếp tục quy định đối tượng lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) là công chức. Vì trong thời gian qua, mặc dù đối tượng lãnh đạo, quản lý trong đơn vị SNCL được xác định là công chức nhưng không được tính trong tổng số biên chế công chức, không được hưởng phụ cấp công vụ.

Qua tổng kết cho thấy việc áp dụng 02 chế độ (công chức và viên chức) trong cùng một loại hình tổ chức đơn vị SNCL dẫn đến vướng mắc, không thống nhất trong việc thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng cơ chế quản lý.

Bên cạnh đó, việc tách bạch 02 đối tượng này phù hợp với quan điểm tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chủ trương phân định rõ việc quản lý nhà nước với quản trị đơn vị SNCL theo Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6.

Dự thảo Luật cũng đã quy định chuyển tiếp cho phép sau khi Luật có hiệu lực, những người hiện đang là công chức trong các đơn vị SNCL được tiếp tục thực hiện chế độ chính sách và áp dụng các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức cho đến hết thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ đang đảm nhiệm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án luật (Ảnh: Quốc hội)

Về không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, Dự thảo đưa ra hai phương án và Dự thảo thể hiện theo phương án 1.

Phương án 1: Không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, bởi vì việc quy định đồng thời 2 hình thức kỷ luật “giáng chức” và “cách chức” áp dụng đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dễ dẫn đến tình trạng nể nang, chỉ áp dụng hình thức “giáng chức” thay vì phải áp dụng hình thức “cách chức”.

Hơn nữa, quy định về hình thức kỷ luật giáng chức là không phù hợp với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm. Hình thức “giáng chức” thực chất là bổ nhiệm vào chức vụ thấp hơn, trong khi đó tại vị trí được bổ nhiệm đã xác định đủ số lượng lãnh đạo, quản lý.

Vì vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh, sự nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi vi phạm của công chức lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng lợi dụng quy định để xử lý kỷ luật ở mức độ nhẹ hơn thì dự thảo Luật không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức.

Phương án 2: Giữ hình thức kỷ luật giáng chức như Luật CBCC hiện hành, bởi vì quy định hình thức xử lý kỷ luật “giáng chức” đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao. Việc bỏ đi một hình thức kỷ luật sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng hình thức kỷ luật tương ứng với hành vi vi phạm của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý.

Về thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới, Nghị quyết số 04-NQ/TW Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đề ra chủ trương “thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức nhà nước”; Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII tiếp tục xác định: Thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới (trừ các đơn vị SNCL ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

Chính phủ cũng trình Quốc hội 2 phương án về nội dung này và Dự thảo trình được xây dựng theo phương án 1.

Cụ thể, phương án 1 quy định tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tình trạng “không có vào, có ra” tâm lý “viên chức suốt đời” trong đội ngũ viên chức .

Phương án 2 là giữ như quy định hiện hành, theo đó đối với viên chức được tuyển dụng mới thì sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn để bảo đảm tâm lý ổn định, tránh cơ chế xin - cho khi đến hạn ký lại hợp đồng.

Theo phương án này thì vẫn bảo đảm chủ trương, đường lối của Đảng về thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với trường hợp tuyển dụng mới, đồng thời bổ sung quy định đối với trường hợp đơn vị SNCL ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký kết ngay hợp đồng không xác định thời hạn.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-ket-hop-dong-xac-dinh-thoi-han-de-tranh-tam-ly-vien-chuc-suot-doi-149500.html