Ký kết hợp tác dịch thuật văn bia cổ tiếng Phạn tại di sản Mỹ Sơn

VH- Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (Duy Xuyên, Quảng Nam) cho biết, lễ ký kết Bản ghi nhớ về việc dịch các văn bia tại Khu đền tháp Mỹ Sơn giữa Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (BQL DSVH Mỹ Sơn) và Trung tâm Nghiên cứu văn hóa quốc tế New Delhi, Ấn Độ (TT Nghiên cứu VHQT New Delhi) vừa diễn theo thư mời của Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội.

Ông Phan Hộ, Giám đốc BQL DSVH Mỹ Sơn và GS.TS Amarjiva Lochan, Tổng thư ký TT Nghiên cứu VHQT New Delhi, Ấn Độ tham gia lễ ký kết. Ảnh: VĂN THỌ

Tại lễ ký kết, ông Phan Hộ, Giám đốc BQL DSVH Mỹ Sơn và GS.TS Amarjiva Lochan, Tổng thư ký TT Nghiên cứu VHQT New Delhi, Ấn Độ đã ký kết và trao Bản ghi nhớ với sự chứng kiến của bà Sushma Swaraj, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ và ông Harish Parvathaneni, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam. Nội dung bản ký kết dựa trên các nguyên tắc bảo tồn DSVHTG Mỹ Sơn.

GS.TS Amarjiva Lochan, Tổng thư ký TT Nghiên cứu VHQT New Delhi, Ấn Độ cho biết, đây là dự án mang tính lịch sử trong việc nghiên cứu văn khắc trên bia Chămpa, dạng chữ Brahmi và Phạn ngữ - một ngôn ngữ có nguồn gốc từ Ấn Độ. Theo đó, TT nghiên cứu VHQT New Delhi, Ấn Độ sẽ cử các chuyên gia về tiếng Phạn thực hiện việc dịch các văn bia cổ bằng tiếng Phạn (ngôn ngữ cổ của Ấn Độ) còn lưu giữ ở các công trình kiến trúc của DSVHTG Mỹ Sơn. Trên cơ sở kết quả dịch thuật từ tiếng Phạn, các nội dung văn tự khắc trên các văn bia ở Mỹ Sơn sẽ được chuyển sang tiếng Việt và tiếng Anh để in ấn sách. Trung tâm nghiên cứu VHQT New Delhi, Ấn Độ chi trả các chi phí cho việc in ấn xuất bản sách sau khi bảng dịch sang tiếng Anh và Việt được hoàn thành, chi phí để các chuyên gia trung tâm đến làm việc tại thánh địa Mỹ Sơn.

Dự án dịch và in ấn xuất bản sách về văn bia tại Di sản Mỹ Sơn nằm trong chương trình Lễ kỷ niệm 20 năm di tích Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (4.12.1999 – 4.12.2019).

Được biết, tại DSVHTG Mỹ Sơn hiện còn lưu giữ khoảng 35 văn bia có văn tự tiếng Phạn khắc trên các chất liệu gạch và đá. Điều khó khăn nhất hiện nay trong công tác nghiên cứu, dịch thuật nội dung văn tự bằng tiếng Phạn khắc trên các văn bia là nhiều văn bia đã bị vỡ, các mảnh vỡ bị thất lạc, do đó phải tiến hành một cách khoa học, thận trọng và mất khá nhiều thời gian để có thể hoàn thiện.

KHÁNH CHI

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/lien-hoan-van-nghe-the-thao-cac-xa-phuong-thi-tran-dat-chuan-van-hoa-tieu-bieu-lan-i-nam-2018-4