Kỳ lạ dự án thiết kế tàu ngầm bay của kỹ sư Liên Xô - Kỳ cuối

Sức hấp dẫn của ý tưởng về chiếc tàu ngầm bay không bao giờ thực sự biến mất. Trong những thập kỷ tiếp theo, có nhiều nỗ lực để hồi sinh ý tưởng này.

Kỳ cuối: Sức hấp dẫn của ý tưởng tàu ngầm bay

Năm 1961, nhà phát minh người Mỹ Donald V. Reid ở Ocean Township, New Jersey, đã thu gom nhiều bộ phận máy bay bỏ đi để tạo ra một chiếc tàu ngầm bay mà ông đặt tên là Tàu ngầm bay Reid (RFS-1). Mặc dù nhỏ hơn nhiều so với thiết kế của Ushakov vì có chiều dài chỉ 10 mét, nhưng phương tiện RFS-1của Reid hoạt động theo nguyên tắc tương tự.

Chiếc RFS-1 được thử nghiệm trên sông. Ảnh: diseno-art

Trông như một loại phương tiện trong phim James Bond, chiếc RFS-1 được trang bị động cơ 65 mã lực và cánh quạt gắn trên một cột cao phía sau buồng lái. Khi ở dưới nước, nó được đẩy bằng động cơ điện 1 mã lực. Phương tiện này lặn được sau khi làm ngập thân máy bay và phao đôi của tàu.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi từ bay sang lặn là một quá trình không mấy gọn gàng. Theo đó, phi công phải tháo cánh quạt và bịt kín vỏ động cơ bằng cách sử dụng một tấm vải phủ cao su. Buồng lái mở của máy bay cũng yêu cầu phi công sử dụng thiết bị lặn để thở khi chìm dưới nước.

Vào ngày 9/6/1964, RFS-1 hoạt động lần đầu tiên và lần duy nhất trên sông Shrewsbury. Phương tiện này bay ở độ cao 10 mét rồi lặn xuống, đạt tốc độ 2 hải lý/giờ ở độ sâu 2 mét. Mặc dù trọng lượng lớn của chiếc máy bay này khiến nó chỉ nhảy được những bước nhảy ngắn, ở độ cao thấp, nhưng Reid đã chứng minh rằng tàu ngầm bay là một đề xuất khả thi, truyền cảm hứng cho hàng chục nỗ lực trong tương lai để hoàn thiện ý tưởng này.

Cùng năm với chuyến bay lịch sử của Reid, Tạp chí Kỷ yếu của Viện Hải quân Mỹ đã công bố một nghiên cứu của kỹ sư thủy động lực học Hải quân Eugene Handler có nội dung là kiểm tra tính khả thi của tàu ngầm bay.

Như trong khái niệm ban đầu năm 1937 của Boris Ushakov, chiếc tàu ngầm bay như vậy được thiết kế với ý định ngăn cản kẻ thù neo tàu trong cảng hoặc vùng biển kín, được bảo vệ chặt chẽ như vùng biển Baltic, Biển Đen hoặc Caspi.

Bài báo của Hải quân Liên Xô có đoạn: “Handler viết rằng một chiếc tàu có thể lặn ở độ sâu từ 7 đến 22m, tốc độ lặn từ 5 đến 10 hải lý/giờ trong 4 đến 10 giờ, tốc độ bay 150 đến 225 hải lý giờ trong 2 hoặc 3 giờ và trọng tải từ 226 đến 680 kg. Ông nói rằng một phương tiện nặng từ 5.443 đến 6.803 kg có thể làm được những việc trên. Một chiếc tàu ngầm bay nhỏ có thể thực hiện nhiệm vụ và đưa phi hành đoàn trở lại. Nó có thể bay từ một vị trí thuận lợi đến đích ở độ cao tối thiểu để tránh bị radar phát hiện. Khi hoàn thành nhiệm vụ dưới nước, nó có thể di chuyển như tàu lặn đến một địa điểm thích hợp nhất để cất cánh, bay trên không và trở về căn cứ… Cục Vũ khí Hải quân gần đây đã trao hợp đồng cho công ty Convair và Bộ phận Thuyền điện của công ty General Dynamics để nghiên cứu phân tích và thiết kế các thành phần thiết yếu, các khía cạnh hoạt động của một phương tiện như vậy”.

Trong cùng bài báo, Handler cũng thừa nhận những trở ngại kỹ thuật và thủ tục mà từ lâu đã kìm hãm phát triển tàu ngầm bay. Không thể tránh khỏi, giống như mọi dự án tàu ngầm bay khác, ý tưởng của Handler cũng chỉ dừng trên giấy.

Một trong những lỗ hổng cơ bản của ý tưởng tàu ngầm bay là cần có khoang kín nước cho phi hành đoàn, điều này làm tăng đáng kể trọng lượng của phương tiện và gây khó khăn cho quá trình bay. Tuy nhiên, nếu không cần tới phi hành đoàn, thì vấn đề kỹ thuật cụ thể này đột nhiên trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

JB-2 Loon trong Bảo tàng Không quân Quốc gia Mỹ. Ảnh: Wikipedia

Nỗ lực đầu tiên phóng một máy bay không người lái từ tàu ngầm được thực hiện vào năm 1946, khi một phiên bản tên lửa hành trình V-1 của Đức trong Thế chiến II có tên là JB-2 Loon được phóng thử từ boong tàu USS Cusk. Những thí nghiệm này cuối cùng đã cho ra đời SM-N-8 Regulus, tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Mỹ. Mặc dù là một bước tiến đáng kể, nhưng Regulus về cơ bản vẫn là một vũ khí thiếu sót. Regulus chỉ có thể được tách ra và phóng lên sau khi tàu ngầm đã nổi lên. Điều này khiến các tàu ngầm trang bị Regulus cực kỳ dễ bị phát hiện và tấn công, giống như các tàu ngầm I-400 của Nhật Bản trước đó. Vấn đề này cuối cùng đã được giải quyết nhờ sự phát triển của tên lửa đạn đạo Polaris và Trident và tên lửa hành trình Tomahawk, có thể phóng trong khi tàu ngầm vẫn lặn một cách an toàn.

Năm 1991, Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START) được Mỹ và Liên Xô ký kết khiến Hải quân Mỹ băn khoăn không biết phải làm gì với một nửa số tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo bị cấm theo hiệp ước.

Điều này dẫn đến một loạt các đề xuất về các loại vũ khí phi hạt nhân thay thế. Trong số này có Dự án Cormorant, được DARPA (Lầu Năm Góc) đề xuất lần đầu tiên vào năm 2003. Được chính thức gọi là Máy bay Không người lái Đa năng hay MPUAV, Cormorant là một máy bay không người lái phản lực dài 6 mét được thiết kế để phóng từ ống tên lửa từ tàu ngầm. Được đẩy ra khỏi ống phóng bằng khí nén, Cormorant sẽ trồi lên mặt nước trước khi được một cặp tên lửa đẩy phóng lên không trung. Sau đó, đôi cánh sẽ mở ra, đầu vào và cửa ra của động cơ phản lực sẽ mở ra, và phương tiện sẽ bay đi làm nhiệm vụ trinh sát, trong khoảng cách lên đến 800 km.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Cormorant sẽ quay trở lại và nhảy dù xuống biển, sau đó tàu ngầm sẽ triển khai Phương tiện điều khiển từ xa (ROV) để gắn một dây cáp vào máy bay không người lái, cho phép nó gắn lại vào ống phóng.

Mặc dù hầu như không phải là phương tiện chuyển đổi kỳ lạ trong tưởng tượng của Boris Ushakov và Donald Reid, nhưng Cormorant vẫn giải quyết được vấn đề kéo dài hàng thập kỷ về việc kết hợp tốc độ và khả năng cơ động của máy bay với khả năng tàng hình của tàu ngầm. Thật không may, vào năm 2008, dự án MPUAV đã trở thành nạn nhân của cắt giảm ngân sách và giống như tất cả các dự án tiền nhiệm, Cormorant không bao giờ được chế tạo.

Tuy nhiên, giấc mơ của Ushakov vẫn tiếp tục và ngay sau khi Dự án Cormorant bị hủy bỏ, Trung tâm Tác chiến Bề mặt Hải quân ở Carderock (Maryland) đã đưa ra một đề xuất khác về một chiếc tàu ngầm bay thực thụ. Dài 6 mét với sải cánh 30 mét, phương tiện được thiết kế để chở hai phi hành đoàn và sáu binh sĩ Lực lượng Đặc nhiệm lên đến 1.200 km trên không hoặc sâu 20 km dưới nước. Mặc dù vẫn chưa biết liệu chiếc tàu ngầm bay Carderock đã từng được chế tạo và thử nghiệm hay chưa, nhưng thực tế là phương tiện kiểu James Bond này vẫn tiếp tục thu hút trí tưởng tượng của các nhà thiết kế Hải quân sau gần một thế kỷ.

Thùy Dương/Báo Tin tức (todayifoundout)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/ky-la-du-an-thiet-ke-tau-ngam-bay-cua-ky-su-lien-xo-ky-cuoi-20220916165331141.htm