Kỳ lạ Hà Tĩnh: Cấp đất cho gia đình Mẹ VNAH không có đường vào, cần thì leo qua núi

Gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng ở xã Hòa Lạc (Đức Thọ, Hà Tĩnh) được cấp đất nhưng không có lối vào, ra. Nhiều năm gia đình đã viết đơn gửi các cấp chính quyền và vẫn chỉ được giải quyết... trên giấy

Bà Trần Thị Hương, trú tại thôn Thượng Lĩnh, xã Đức Hòa (nay là xã Hòa Lạc), huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) phản ánh, bố mẹ bà là ông Trần Chín và bà Cù Thị Sáu có 4 người con đi bộ đội, trong đó có 2 liệt sỹ là Trần Xanh, Trần Cao Thanh và 1 người là thương binh. Năm 2014, bà Sáu được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.

 Dãy ki ốt của bà Du, nằm trên đất hành lang ATGT QL8A vừa được cơi nới, bịt kín lối vào đất bà Hương

Dãy ki ốt của bà Du, nằm trên đất hành lang ATGT QL8A vừa được cơi nới, bịt kín lối vào đất bà Hương

Nhằm tri ân những gia đình có công với cách mạng, năm 1991, xã Đức Hòa đã cấp cho ông Trần Chín và bà Cù Thị Sáu một thửa đất số 28, diện tích 180m2, tại thị tứ Đông Hòa (nay là thôn Đông Xá, xã Hòa Lạc).

“Tâm nguyện của bố mẹ tôi trước khi qua đời là dành thửa đất nói trên để làm nơi thờ tự cho hai liệt sỹ, vì khi hy sinh hai anh tôi chưa lập gia đình. Tôi là con gái út, không xuất giá nên ông bà giao cho tôi đứng tên, quản lý”, bà Hương cho biết.

Sau đó, thửa đất nói trên được cấp giấy chứng nhận QSDĐ số S575287 cho bà Trần Thị Hương. Tuy nhiên, cả phía trước và sau đều bị bịt kín, không có đường vào.

Ghi nhận thực tế của PV cho thấy, phía trước toàn bộ thửa đất của bà Hương nằm trên hành lang ATGT QL8A tuy nhiên lại bị chắn bởi một ki ốt mới xây khá kiên cố của bà Trần Thị Du (vợ ông Phan Duy Bình, nguyên chủ tịch UBND xã Đức Hòa cũ).

Phía sau thửa đất của bà Hương tiếp giáp với vách núi cao gần 3m. Hai bên thửa đất cũng đã được các hộ khác xây nhà kiên cố, ổn định nên thửa đất của bà Hương nằm lọt ở giữa không có lối vào, ra.

Một người dân sống bên cạnh cho biết, trước đây, ki ốt của bà Du còn tạm bợ nên có một lối đi nhỏ từ QL8A vào đất của bà Hương. Tuy nhiên gần đây, bà Du cho cơi nới, xây dựng ki ốt kiên cố, chắn hết lối đi này.

Ông Trần Hữu Lương (82 tuổi), anh trai cả của 2 liệt sỹ nói về mảnh đất của gia đình không có lối vào

Trao đổi với PV, ông Lê Tiến Thắng, Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc cho biết, năm 1991, xã cấp đất trái thẩm quyền cho một số hộ gia đình nhưng không mở đường đi cho những hộ dân ở dãy 2. Theo quy hoạch của xã năm 2001, đất của bà Hương thuộc dãy 2, có 1 con đường rộng 3m đi phía sau, chứ không phải đi từ QL8A.

Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc thừa nhận: “Thời điểm đó cấp đất nhưng không có đường. Các vị chủ quan nhìn trên bản đồ rồi làm, để quay mặt lại đi đường phía sau là rất khó khăn”.

PV đặt câu hỏi, tại sao đất bà Du nằm trong hành lang ATGT nhưng xã vẫn để cho gia đình tiến hành cơi nới? ông Thắng lý giải: “Ki-ốt mới sửa nhưng móng thì họ xây lâu rồi, sau này mới xây lên. Khi đó tôi chưa làm chủ tịch”.

Sau 10 năm cấp đất, UBND xã Đức Hòa mới tiến hành đo vẽ hiện trạng rồi “vẽ ra” con đường trên núi để bà Hương leo vào nhà

Phản ánh về việc, con đường phía sau (trên bản vẽ) cao gần 3m so với thửa đất, làm sao người dân ra, vào được? Ông Thắng nói: “Cái đó thì mình chịu, lỗi của thời xưa”.

Nói về hướng giải quyết, Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc khẳng định: “Theo quy hoạch, phía trước vướng đất bà Du, chỉ còn cách giải phóng mặt bằng con đường phía sau cho đảm bảo rồi đề xuất hỗ trợ cho ít xe đất, xi măng để làm bậc thang cho bà Hương lên xuống, chứ không còn cách nào khác”.

Cũng theo ông Thắng, không thể hạ con đường sau núi xuống ngang bằng thửa đất của bà Hương vì như vậy sẽ gây sạt lở và vướng vào đất của hộ dân ở phía sau.

Ông Phan Quốc Cường, Phó Cơ quan Kiểm tra - Thanh tra huyện Đức Thọ cho biết: “Đúng là có một con đường phía sau nhưng hai đầu đã bị chặn. Hơn nữa đường cao quá đầu người, nếu để như thế thì cũng không thể vào được. Việc phản ánh của người dân là hoàn toàn chính xác, yêu cầu đó cũng hoàn toàn chính đáng”.

Cũng theo ông Cường, qua tìm hiểu được biết, trước đây có một lối nhỏ khoảng 1m đi từ QL8A vào phần đất bà Hương. Khi đó hiện trạng ki ốt của bà Du còn nhỏ, lợp tấm fibro xi măng. Sau này, do địa phương không quản lý được, để người dân tự nâng cấp, mở rộng rồi bịt kín luôn.

Ông Cường cương quyết: “Bằng mọi giá phải có đường cho dân đi. Nếu hạ đường xuống ngang bằng thửa đất mà tạo ra vách núi dựng đứng, cần phải kè để chống sạt lở thì vẫn cứ kè”.

Ông Võ Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.3, Cục Quản lý đường bộ II cho biết: “Việc cấp đất, sử dụng đất, xây dựng, san lấp đất hành lang trái phép, Cơ quan Quản lý đường bộ có trách nhiệm phối hợp với địa phương lập biên bản rồi chuyển cho chính quyền địa phương ra quyết định xử phạt. Nếu không chấp hành sẽ cưỡng chế công trình vi phạm, đào bỏ hoàn trả lại nguyên trạng”.

Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm giao UBND xã Hòa Lạc có phương án mở đường đi cho hộ bà Hương.

Ngày 3/1/2020, ông Võ Công Hàm, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ đã có văn bản gửi UBND xã Hòa Lạc yêu cầu xã Hòa Lạc giải quyết đơn của công dân: “Bà Trần Thị Hương khiếu nại việc giải quyết của Chủ tịch UBND xã và yêu cầu UBND xã giải quyết, mở đường đi đối với thửa đất của bà là chính đáng và có cơ sở".

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, trong trường hợp bà Hương có nhu cầu làm nhà ở, đề nghị thông báo đến UBND xã Hòa Lạc và UBND huyện trước 30 ngày (qua Ban tiếp công dân huyện) để Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo UBND xã, các ngành chức năng mở đường và lối ra vào thửa đất cho gia đình thực hiện việc xây dựng.

Đã nhiều năm trôi qua, đến nay con đường vào thửa đất cấp cho gia đình chính sách có 2 liệt sỹ, Mẹ VNAH vẫn đang nằm trên giấy.

Mặc dù các cấp chính quyền đều thừa nhận việc mở đường vào thửa đất điều buộc phải thực hiện, là quyền lợi chính đáng của gia đình, nhưng chưa biết khi nào họ mới giải quyết?

Trần Hoàn - Đặng Sơn

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/ha-tinh-cap-dat-dien-chinh-sach-khong-co-duong-vao-em-cua-2-liet-sy-keu-cuu-253243.html