Kỳ lạ thương lái lén lút thu mua rễ tiêu bị bệnh với giá cao

Thương lái tìm về 'thủ phủ' hồ tiêu (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) lén lút thu mua rễ tiêu bị bệnh với giá cao.

Huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được mệnh danh là thủ phủ hồ tiêu của vùng đất Tây Nguyên. Vào thời hoàng kim, tại huyện Chư Pưh, hồ tiêu được ví như "vàng đen", mặt hàng đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Khi đó, giá hồ tiêu cao ngất ngưởng, đạt 200.000 đồng/kg. Mức giá trên đã giúp nhiều người dân tại huyện Chư Pưh xây được nhà lầu, mua xe hơi sang trọng. Chỉ trong thời gian ngắn, tại huyện Chư Pưh, người dân ồ ạt phá bỏ cà phê để "người người trồng tiêu, nhà nhà trồng tiêu".

Nhưng cũng chính tại nơi ấy, mới đây còn là những cánh rừng tiêu bạt ngàn, xanh ngắt trải dài trong niềm hân hoan của người dân giờ chỉ còn khung cảnh tan hoang, xơ xác đến chạnh lòng.

Sừng sững giữa khoảng không bao la, rộng lớn là hàng trăm, hàng nghìn cọc tiêu trơ rọi, mục ruỗng, xiêu vẹo. Kéo theo đó là những phận đời bị thương. Nhiều gia đình ôm nợ chồng chất vợ chồng, con cái ly tán, bỏ xứ đi làm thuê cũng vì "vàng đen".

Thủ phủ hồ tiêu tan hoang vì tiêu chết hàng loạt.

Trong khi người dân ở "thủ phủ" hồ tiêu đang hoang mang, tuyệt vọng thì thương lái tìm đến thu gom rễ tiêu chết với giá cao. Mặc dù không biết thương lái thu mua rễ tiêu chết nhằm mục đích gì nhưng người dân cứ thế kéo nhau lên rẫy đào bới gốc tiêu đem về bán với hy vọng vớt vát chút vốn.

Trò chuyện với PV, anh Nguyễn Văn Q. (ngụ thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) chia sẻ: “Trong lúc tuyệt vọng, khi hầu hết toàn bộ diện tích hồ tiêu của gia đình bị chết sạch, tôi nghe tin có thương lái tìm về mua rễ tiêu đã bị chết. Do đó, tôi cũng lên rẫy đào gốc tiêu về để bán'.

"Thương lái mua để làm gì thì tôi không biết mà cũng chẳng quan tâm. Bởi, tiêu chết, để trên rẫy một thời gian gốc tiêu cũng mục, hư hỏng. Nay có người mua thì mình đào về bán thôi, vớt vát được đồng nào hay đồng ấy. Có tiền tiền đong gạo ăn hằng ngày là mừng lắm rồi", anh Q. nói thêm.

Trong cái nắng chang chang giữa trưa hè, anh Lên Văn Ph. (ngụ thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) vẫn cặm cụi lấy cuốc san các hố tiêu vừa bị đào trộm nham nhở trong vườn. Anh ngao ngán chia sẻ: "Tôi có công việc đi xa nhà mấy ngày. Khi trở về cả khu vườn chi chít “hố bom”".

"Vườn tiêu nhà tôi đã bị bệnh chết sạch, tôi đành bán trụ. Không ngờ, họ vào đào hố để lấy rễ tiêu, băm nát cả khu vườn. Là một nông dân, tôi thực sự lo lắng khi rễ tiêu bị bệnh nếu bị phát tán đến các vùng khác sẽ lây lan thành dịch", anh nói thêm.

Có mặt tại cơ sở thu mua rễ tiêu của bà Th. (thôn Phú Hà, xã Ia Blứ), PV ghi nhận đã không còn cảnh mua bán. Bà Th. cho biết, mình đã dừng việc thu mua từ mấy ngày trước. Trước đó, có người ở nơi khác đến đưa tiền và đặt vấn đề thu mua rễ hồ tiêu.

"Do là mặt hàng mới, họ giao tiền, tôi mới đứng ra thu mua rễ. Mua được 2 ngày không thấy họ đến liên hệ nữa. Mấy ngày gần đây, thấy báo đài cảnh báo nhiều về việc Trung Quốc thu mua rễ tiêu nên giờ họ có đến mình cũng không làm", bà Th. quả quyết.

Người dân thu gom rễ tiêu chết bán cho thương lái.

Trước sự việc là lùng này, các cơ quan ban ngành của tỉnh Gia Lai đã vào cuộc kiểm tra. Tuy nhiên, các đơn vị trên vẫn chưa tìm ra lý do thương lái thu gom rễ tiêu. Theo kết quả kiểm tra vừa được công bố của sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, việc thu mua rễ tiêu tại huyện Chư Pưh là có nhưng chưa xác định được thương lái mua để làm gì.

Tại "thủ phủ hồ tiêu", thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hộ gia đình ông Đào Ngọc Th. (thôn Hòa Tín, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) cất giữ 500kg gốc, rễ hồ tiêu. Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, ông Th. khai báo mua số gốc và rễ tiêu trên chỉ để làm phân vi sinh.

Tiếp tục kiểm tra tại hộ gia đình ông Nguyễn Trọng S. (thôn Thủy Phú, xã Ia Le, huyện Chư Pưh), cơ quan chức năng phát hiện 300kg rễ tiêu khô. Ông S. khai báo, thu gom rễ tiêu khô giá 30.000 đồng/kg rồi bán lại cho thương lái. Việc họ mua để làm gì thì ông không biết.

Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai đề nghị UBND tỉnh Gia Lai xem xét, chỉ đạo công an tiến hành điều tra, làm rõ mục đích thu gom rễ, gốc hồ tiêu và kịp thời có biện pháp ngăn chặn khi có nguy cơ làm mất an ninh trật tự trên địa bàn, lây lan nguồn sâu, bệnh hại.

Theo cảnh báo của các ngành chức năng, việc sử dụng phế phẩm từ cây tiêu được cho là rất nguy hiểm. Bởi, trong thân, gốc và rễ tiêu nông dân bỏ đi đều có thể tồn dư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mầm mống dịch bệnh.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/ky-la-thuong-lai-len-lut-thu-mua-re-tieu-bi-benh-voi-gia-cao-a376535.html