Kỳ lạ thủy lợi hơn 3.000 tỷ đồng chưa có đất tưới

Trong chuyến công tác tại Tây Nguyên, ngày 16-9, tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng Đoàn công tác có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Gia Lai về tình hình phát triển KT-XH; phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; sắp xếp, đổi mới Cty nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM).

Trong chuyến công tác tại Tây Nguyên, ngày 16-9, tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng Đoàn công tác có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Gia Lai về tình hình phát triển KT-XH; phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; sắp xếp, đổi mới Cty nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc tại tỉnh Gia Lai.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc tại tỉnh Gia Lai.

Báo cáo với Phó Thủ tướng và Đoàn công tác tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng nêu rõ, 8 tháng của năm 2019, tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục có chuyển biến tích cực, quốc phòng - an ninh ổn định, công tác đối ngoại được tăng cường. Thu ngân sách Nhà nước hơn 3.000 tỷ đồng, đạt hơn 67% dự toán T.Ư giao và tăng 0,6% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 325 triệu USD. Toàn tỉnh có 24 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 2.100 tỷ đồng; 77 dự án được lập thủ tục đầu tư với số vốn 27.000 tỷ đồng; 27 nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư 35 dự án điện mặt trời với tổng công suất dự kiến hơn 4.000 MWp; 17 nhà đầu tư khảo sát nghiên cứu đầu tư các dự án điện gió, với tổng công suất dự kiến hơn 3.500 MW.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, toàn tỉnh hiện có 60 xã và 14 làng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận đạt chuẩn NTM. Tỉnh Gia Lai hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ NN&PTNT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Pleiku, TX An Khê hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Sau 15 năm triển khai Nghị quyết số 13 - NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tỉnh Gia Lai đạt nhiều kết quả khả quan và cơ bản thực hiện được mục tiêu đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã. Các hợp tác xã ngày càng tăng về quy mô, mở rộng sản xuất kinh doanh, từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người lao động. Toàn tỉnh hiện có 251 hợp tác xã với hơn 17.500 thành viên, tăng 186 hợp tác xã so với năm 2003, qua đó đã giải quyết việc làm cho hơn 1.800 lao động. Việc thực hiện Nghị quyết số 30 - NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Cty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả khả quan.

Tại buổi làm việc, tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách đặc thù hỗ trợ cho các hợp tác xã vùng Tây Nguyên; sớm hỗ trợ kinh phí để tỉnh triển khai 7 dự án bố trí dân cư vùng thiên tai lũ lụt; xem xét bố trí vốn dự phòng ngân sách T.Ư thực hiện Dự án đường tỉnh 666, từ H. Mang Yang đi Ia Pa chiều dài hơn 60km bị sạt lở, hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng và Dự án đường liên huyện Chư Sê - Chưpưh - Chưprông chiều dài 33km phục vụ cho sự phát triển vành đai kinh tế các địa phương này. Tỉnh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét hỗ trợ khôi phục những diện tích hồ tiêu bị chết do mưa kéo dài khác thường trong năm 2018...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của tỉnh Gia Lai trong việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH, trong đó đáng mừng là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn bình quân chung của cả nước, dịch vụ tăng khá và giữ vững được ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tỉnh Gia Lai cố gắng tập trung quyết liệt các giải pháp để đạt được mục tiêu cao nhất về KT-XH, quốc phòng - an ninh, góp phần hoàn thành chỉ tiêu của Đảng bộ tỉnh, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước. Tỉnh tiếp tục tập trung hiện thực hóa các dự án công nghệ cao cho phát triển nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, chế biến nông, lâm sản theo định hướng tái cơ cấu lại; phát huy các cơ hội, lợi thế du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái; phát triển một số ngành công nghiệp có chọn lọc như chế biến, năng lượng tái tạo; tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, xây dựng thương hiệu các nông sản, sản phẩm theo chương trình mỗi xã một sản phẩm. Trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Gia Lai cần thiết phải tái cơ cấu cây cao su do kém hiệu quả. Tuy nhiên, việc chuyển đổi 12.000ha cao su bị chết, kém hiệu quả mà Gia Lai đang kiến nghị, cần được tiến hành thật chặt chẽ vì đây là vấn đề lớn, cần thiết Chính phủ phải họp bàn để có phương án. Đối với việc sắp xếp đổi mới các Cty nông lâm nghiệp nhà nước do tỉnh quản lý, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục rà soát để sử dụng có hiệu quả đất đai.

Riêng đối với công trình thủy lợi Ia Mơr được đầu tư xây dựng tại khu vực xã biên giới Ia Mơr (H. Chư Prông), Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý khi đây là công trình đầu tư đến 3.000 tỷ đồng nhưng hiện nay chưa có đất để tưới là điều không hợp lý. “Về công trình thủy lợi Ia Mơr, giao cho Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với tỉnh báo cáo chi tiết việc này; phối hợp với Bộ TN&MT, các bộ ngành có liên quan để báo cáo Thủ tướng, thường trực Chính phủ. Cũng phải họp để có quyết sách, chứ từng bộ một cũng không giải quyết được. Phải có cuộc họp chuyên đề về vấn đề này. Tôi cũng không hiểu ngày xưa các đồng chí làm, đánh giá tác động thế nào mà làm xong công trình rồi mà không có gì để tưới thì không biết làm thủy lợi kiểu gì. Làm thủy lợi để tưới mà không biết tưới cái gì thì kỳ lạ thật”.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục bám sát, thực hiện tốt các nghị quyết của T.Ư, đặc biệt là Nghị quyết 04 gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tấm gương, tư tưởng, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nghị quyết 18, 19 về sắp xếp lại hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, công khai, minh bạch tốt hơn nữa, cải thiện năng lực cạnh tranh hiệu quả quản trị hành chính công, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, đổi mới, sáng tạo và nâng cao hiệu lực quản lý ngân sách, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công...

Về những kiến nghị khác của tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng ghi nhận và đề nghị các Bộ ngành tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét.

* Trước đó chiều 15-9, tại tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với cán bộ, nhân viên và người lao động của Binh đoàn 15, Binh đoàn 16 và Cty Cà-phê 15. Cùng tham dự có Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn.

MINH TÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_212739_ky-la-thuy-loi-hon-3000-ty-dong-chua-co-dat-tuoi.aspx