Kỷ luật lãnh đạo đường sắt: 'Phạt cho có', từ chức là hiện tượng lạ

Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa mới quyết định kỷ luật tập thể HĐTV và nhiều lãnh đạo của tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cùng với lãnh đạo cục Đường sắt vì liên quan đến các vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, những người này chỉ bị kỷ luật ở mức phê bình nghiêm khắc khiến cho dư luận đặt ra nhiều hoài nghi về hình thức kỷ luật 'phạt cho có lệ' này.

Dĩ hòa vi quý

Cụ thể, Bộ trưởng bộ GTVT đã phê bình nghiêm khắc đối với tập thể Hội đồng Thành viên (HĐTV) VNR; Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh; Tổng Giám đốc VNR Vũ Tá Tùng. Ngoài ra, giao HĐTV VNR thực hiện phê bình nghiêm khắc đối với ban điều hành của VNR và có hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng giám đốc đơn vị này.

Cùng với đó, Bộ trưởng bộ GTVT phê bình nghiêm khắc tập thể lãnh đạo cục Đường sắt, Cục trưởng Vũ Quang Khôi do không hoàn thành trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động GTVT đường sắt; trách nhiệm trong công tác chỉ đạo đối với lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra của cục.

 Hiện trường vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra tại Thanh Hóa.

Hiện trường vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra tại Thanh Hóa.

Ngoài việc kỷ luật này, Bộ trưởng bộ GTVT yêu cầu VNR triển khai ngay các giải pháp để khắc phục yếu tố chủ quan gây mất an toàn giao thông đường sắt; rà soát lại các quy trình tác nghiệp quản lý an toàn, đặc biệt với các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, tuyệt đối không được xảy ra các vụ tai nạn tương tự.

Cục Đường sắt chủ trì, phối hợp với VNR đánh giá lại quy trình quản lý an toàn sau khi sắp xếp, cổ phần hóa một số đơn vị; đánh giá, củng cố hoạt động của Thanh tra Cục; kiện toàn lực lượng thanh tra đường sắt. Cục Đăng kiểm rà soát, tăng cường năng lực cho các cơ sở, trung tâm đăng kiểm để nâng cao chất lượng đăng kiểm phương tiện trên toàn quốc..

Liên quan tới việc này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông đô thị cho biết: “Bộ trưởng bộ GTVT chỉ phê bình nghiêm khắc tập thể, lãnh đạo VNR và Cục trưởng cục Đường sắt là chưa đủ tính răn đe. Việc phê bình nghiêm khắc là hình thức kỷ luật quá nhẹ nhàng chưa nói lên được điều gì”.

Nói về việc kỷ luật này, TS. Thủy cho rằng: “Việc liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc khiến nhiều người thương vong và hư hại về tài sản nhưng Bộ trưởng bộ GTVT lại không có một hình thức kỷ luật mạnh để làm gương. Mặc dù, ngành đường sắt lạc hậu, nhưng không vì thế mà ta không có những cơ chế phù hợp trong quản lý. Vì vậy dần dần người dân mất đi thiện cảm và tỏ ra thiếu lòng tin với ngành đường sắt. Đây cũng là những khuyết điểm mà những người lãnh đạo phải lưu ý trong công tác quản lý.

“Trước những hậu quả trên, những người đứng đầu ngành Đường sắt có thể phải bị giáng chức. Cái gì đúng, hợp lý thì phải làm chứ không thể ca mãi bài ca “dĩ hòa vĩ quý” trong khi biết bao nhiêu người thiệt mạng, thương nhau nhưng để dân khổ là không nên. Đó là một thiếu sót mà bộ GTVT cần phải thẳng thắn nhìn nhận lại cách thức quản lý như thế nào.

Do kỷ luật không cương quyết nên sẽ dẫn đến tình trạng “nhờn luật”. Cứ xảy ra sai phạm nhưng ai cũng có 1 tâm lý chung là mình sẽ không bị sao cả thì ngành đường sắt sẽ khó phát triển. Trên thực tế, để xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng thì ngành đường sắt phải chịu trách nhiệm rất nặng chứ không thể đổ lỗi cho ai được. Đã quản lý bắt buộc phải có chế tài kiểm tra và răn đe”, TS. Thủy chia sẻ.

Sợ trách nhiệm

Trao đổi với PV, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng- Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội cho biết: “Không chỉ riêng trong hoạt động ngành đường sắt mà một số ngành khác, tâm lý sợ trách nhiệm đã tồn tại rất lâu. Khi xảy ra một vấn đề người ta thường tìm lí do nào đó để giải thích, bao biện. Chính vì vậy, văn hóa từ chức vẫn còn khá mới ở nước ta. Tuy nhiên, tâm lý dù ăn sâu đến đâu cũng không thể đồng nghĩa với việc bất biến. Thẳng thắn nhìn nhận ở nước ta chưa có tiền lệ, bởi người ta vẫn có cảm giác ai đó từ chức là hiện tượng lạ, không bình thường. Điều này cũng cho thấy “văn hóa từ chức” đối với một số cán bộ trong trường hợp cần thiết hay nói thẳng ra là cán bộ có vi phạm vẫn là điều gì đó xa vời”.

Mặc dù trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải giao cho bộ Nội vụ chủ trì biên soạn Nghị định về vấn đề từ chức làm cơ sở để các lãnh đạo từ chức khi cần thiết, tuy nhiên, vẫn phải phân biệt rõ ràng những cá nhân bị xử lý, tìm cách để tháo chạy bằng việc thôi chức không phải là văn hóa. Đó là trốn tránh trách nhiệm, tránh bị xử lý.

“Trong vấn đề đường sắt cần phải lưu ý có những lỗi thuộc về ngành đường sắt, nhưng có những lỗi thuộc về cơ chế chính sách do phát triển đường sắt ở nước ta quá kém, không quan tâm đầu tư đến đường sắt. Chính vì người ta không tự giác nên mới phải có những quy định, chủ chương chính sách. Bên cạnh đó thì các biện pháp hỗ trợ khác như xử lý nghiêm, xử lý trách nhiệm dần người ta sẽ nhìn nhận vấn đề tốt nhất là nên từ chức”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR cho biết, việc kỷ luật lãnh đạo VNR thuộc thẩm quyền của bộ GTVT quyết định và đã được phân cấp, đơn vị tôn trọng quyết định của bộ GTVT. Đối với việc kỷ luật cán bộ của VNR đơn vị đang tiến hành thực hiện.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng- Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội.

Đường sắt chưa được quan tâm đúng mức

Đề cập tới vấn đề ngành đường sắt lạc hậu, TS. Thủy cho hay, đường sắt của chúng ta đang trong giai đoạn trì trệ vì nó quá lạc hậu. Cái quan trọng nhất là việc đường sắt phải giao cắt với toàn bộ mạng lưới đường bộ cùng trên dưới 6000 đường ngang. Vì vậy, việc kiểm soát đường ngang khi mỗi ngày có hàng nghìn ô tô đi qua đường sắt là rất khó.

Trong khi đó, việc nâng cấp hệ thống đường sắt thì chúng ta chưa làm và không được đầu tư theo đúng yêu cầu của nó. Chúng tôi đã từng đề nghị rất nhiều lần với ngành đường sắt phải nâng cấp và thực hiện cách đây hơn chục năm về trước, tuy nhiên đến hiện tại vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Theo TS. Thủy, ở nhiều nước, nếu người dân có nhu cầu đi từ 150 - 200km trở lên thì họ sẽ chọn đường sắt, rất ít đi bằng ô tô, đồng thời hệ thống đường sắt đó có đường riêng hoặc ở trên cao, có rào chắn hai bên nên rất hiếm xảy ra tai nạn. Chính vì vậy có thể khẳng định nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn thảm khốc là một phần do những chiến lược phát triển giao thông ở nước ta bị thiên lệch trong khi bản thân hệ thống đường sắt không được nâng cấp và cải tạo dẫn đến quá lạc hậu.

Cùng quan điểm trên, Chủ tịch HĐTV VNR Vũ Anh Minh chia sẻ, theo khảo sát, tai nạn đường sắt tại các đường ngang chủ yếu do 2 yếu tố: Ý thức người dân và sự giám sát của địa phương. Nếu giải quyết được các vấn đề này sẽ giảm được từ 70% - 80% tai nạn đường sắt. Đi qua các đường ngang tự phát, mỗi người dân chỉ cần dừng lại 10 giây quan sát thì câu chuyện đã khác. Nhiều trường hợp người dân chủ quan, cố tình vượt qua đường sắt.

Còn về quản lý của địa phương, điều này cần thực hiện trong thời gian dài, không chỉ trong một nhiệm kỳ này, của cá nhân này. Rõ ràng, việc mở các lối đi tự phát của người dân là nguy hiểm, vì tại đây không có gác chắn, người trực... Do đó, địa phương cần tăng cường phối hợp với VNR, cục Đường sắt để giảm bớt các đường ngang trái phép nguy hiểm này...

Hải Yến – Đỗ Chang - Hiếu Anh

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/ky-luat-lanh-dao-duong-sat-phat-cho-co-tu-chuc-moi-la-la-a380655.html