Kỷ lục không ai mong đợi ở Anh

Sau hơn 360 năm ghi chép chi tiết về khí hậu, các nhà khoa học Anh cho biết họ lần đầu chứng kiến mức nhiệt kỷ lục lên tới hơn 40 độ C ở nước này.

Nếu có bất kỳ nơi nào đang phản ánh thực tế đáng sợ nhất của biến đổi khí hậu, thì đó là nước Anh, nơi mức nhiệt đã đạt trên 40 độ C trong ngày 19/7 (giờ địa phương), Washington Post mở đầu bài báo về mức nhiệt kỷ lục ở Anh.

Sân bay London Heathrow nằm trong số 6 địa điểm đạt tới 40 độ C vào ngày 17/9, phá vỡ kỷ lục nhiệt độ mọi thời đại của Anh trước đó là 38,7 độ C, được ghi nhận vào năm 2019. Coningsby, cách London khoảng 208 km về phía bắc, ghi nhận mức nhiệt cao nhất là 40,3 độ C.

Cảnh sát giúp một lính gác bên ngoài Cung điện Buckingham, Anh, giải nhiệt, ngày 18/7. Ảnh: Reuters.

Cơ quan Khí tượng Anh báo cáo ít nhất 34 điểm trên khắp đất nước hôm 19/7 phá vỡ các mức nhiệt kỷ lục trước đó.

Đây được xem là mức nhiệt chưa từng được ghi nhận trong suốt 150 năm nước này bắt đầu ghi chép nhiệt độ bằng các công cụ hiện đại, hay xa hơn nữa là trong suốt 363 năm kể từ khi bắt đầu quan sát và ghi chép chi tiết về các hiện tượng thời tiết kể từ năm 1659.

Kết quả khó tin

Đối với các nhà khoa học khí hậu Anh, 40 độ C là con số mà họ từng dự đoán trong các mô hình nghiên cứu thời tiết của mình, nhưng họ không thể ngờ điều này lại đến sớm như vậy.

Hannah Cloke, một nhà nghiên cứu về các hiểm họa tự nhiên tại Đại học Reading, nói với Washington Post rằng bà và nhiều nhà nghiên cứu từng nghĩ "các mô hình đã sai" khi dự báo về mức nhiệt lên tới 40 độ C ở Anh, nhưng những gì xảy ra đã chứng minh điều ngược lại.

Ở Houston, Islamabad hay New Delhi, người ta có thể không ngạc nhiên nếu những nơi này chứng kiến mức nhiệt trên. Tuy nhiên, London, một thành phố ở vĩ độ cao, với khí hậu ôn hòa, kể từ những ghi chép thời La Mã cũng chưa bao giờ trải qua nhiệt độ này.

Chắc chắn không có người Anh nào từng cảm nhận được nhiệt độ này ngay chính trên đất nước của họ chứ không phải ở một thành phố nhiệt đới nào khác.

Quốc gia này không được xây dựng để chịu được cái nóng như vậy. Nhà cửa, nơi làm việc, đường sá, đường ray, bệnh viện và cơ sở hạ tầng của nó được xây dựng cho thời tiết ôn đới.

Người dân ra biển tránh nóng ở Brighton, Anh, ngày 19/7. Ảnh: Reuters.

Nước Anh có một số hồ sơ thời tiết phong phú nhất trên thế giới, được ghi lại thông qua nhật ký, quan sát và các công cụ từ thời kỳ Khai sáng, bao gồm các bản ghi hàng ngày được lưu trữ từ những năm 1770, và các mức nhiệt tối đa và tối thiểu hàng tháng có từ những năm 1660.

Cho đến trước ngày 19/7, nhiệt độ chính thức cao nhất là 38,7 độ C được ghi nhận tại Vườn Bách thảo Cambridge vào ngày 25/7/2019. Hầu như tất cả mức nhiệt cao nhất đều được ghi nhận trong những năm gần đây.

“Chúng tôi hoàn toàn chắc chắn khi nói rằng chúng tôi chưa từng ghi nhận một ngày 40 độ C nào từ giữa thập niên 1850”, Mark McCarthy, quản lý của Trung tâm Thông tin Khí hậu Quốc gia thuộc Cơ quan Khí tượng Anh (Met), nói với Washington Post.

Myles Allen, giáo sư khoa học địa lý tại Đại học Oxford, đồng ý và khẳng định từ những năm 1850 trở đi, chưa từng có ngày nào ở Anh có nhiệt độ 40 độ C.

Alexander Farnsworth, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Bristol, thậm chí đưa ra cột mốc còn xa hơn. “Không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy Anh đã ghi nhận mức nhiệt vượt 40 độ C trong 6.000 năm qua”, ông nói.

Lịch sử ghi chép khí hậu ở Anh

Đi sâu vào thời tiền sử, trước khi có dữ liệu được đo bằng thiết bị hiện đại, các nhà khoa học phải dựa vào những dấu hiệu gián tiếp cho họ biết nhiệt độ trung bình trong thời gian dài, chẳng hạn như quan sát hồ và trầm tích biển, lõi băng, san hô, băng hà, vi sinh vật trong các bãi lầy, vân gỗ, v.v. để ước định khí hậu trong quá khứ.

Trong suốt 2.000 năm qua, thời tiết đã trở nên ấm hơn ở Anh trong Thời kỳ Ấm Trung cổ (Medieval Warm Period), tức từ năm 750 đến 1350, nhưng vẫn không nóng như cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, hầu hết nhà khoa học cho biết.

Lính cứu hỏa đang cố dập một đám cháy gần Zennor, Cornwall, Anh, ngày 19/7. Ảnh: Reuters.

Cuốn sách Domesday thời trung cổ, được hoàn thành vào năm 1086 là một loại điều tra dân số, đã thống kê 45 vườn nho ở Anh, chứng tỏ thời tiết ở những khu vực này đủ ấm để trồng nho, một truyền thống được người La Mã cổ đại mang đến nước này.

Sau đó là Kỷ Tiểu Băng hà, từ năm 1300 đến năm 1850, khi Bắc bán cầu trở lạnh một lần nữa. Sự nóng lên và nguội đi này không phải do con người phát thải khí nhà kính như ngày nay, mà do sự xoay vần của Trái Đất so với Mặt Trời.

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu đã báo cáo vào năm 2021 rằng nhìn chung, Trái Đất đang ấm hơn so với 125.000 năm trước.

Một số chuyên gia nghiên cứu về khí hậu cổ sinh nói rằng mức nhiệt ở Anh trong thế kỷ XXI có thể đã không xảy ra kể từ 15 triệu năm trước, khi chưa có con người.

Giáo sư Allen cho biết một điều đáng chú ý là các mô hình khí hậu đã trở nên chính xác hơn, cả trong việc dự báo tương lai và xác định khí hậu trong quá khứ.

Các nhà nghiên cứu tại Met đã báo cáo rằng trong “khí hậu tự nhiên” của thế giới tiền công nghiệp, cứ 7.000 năm thì có thể có một ngày nước Anh phải đối mặt với nhiệt độ 40 độ C. Ngày nay, khả năng đó đang là mỗi 100-300 năm một lần, và vẫn đang tăng lên.

Theo các mô hình nghiên cứu, một ngày 40 độ C có thể xảy ra 15 năm một lần cho đến năm 2100 nếu các quốc gia đáp ứng cam kết giảm phát thải carbon của họ, hoặc 3-4 năm một lần nếu con người tiếp tục thải ra nhiều khí nhà kính như hiện nay.

Đường băng bị chảy nhựa vì nắng nóng kỷ lục ở Anh Sân bay Luton, Anh, hôm 18/7 đã phải dừng hoạt động trong vài giờ để sửa chữa một đoạn đường băng bị chảy nhựa do nắng nóng kỷ lục, lên tới trên 37 độ C.

Hồng Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ky-luc-khong-ai-mong-doi-o-anh-post1337514.html