Kỷ lục mới: Cho vay đầu tư chứng khoán hơn 140.000 tỷ, nhiều công ty vẫn 'căng cứng' margin

Trong lịch sử chưa bao giờ các công ty chứng khoán lại có một mùa bội thu nhờ cho vay đầu tư chứng khoán như 6 tháng đầu năm 2021…

Cho vay đầu tư chứng khoán lập kỷ lục mới.

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các công ty chứng khoán đã có báo cáo tài chính kinh doanh quý 2/2021. Bên cạnh thông tin kinh doanh tích cực cũng hé lộ về khoản margin đồ sộ đang cung cấp ra thị trường.

Theo thống kê của VnEconomy, hơn 30 công ty chứng khoán trên thị trường tính đến 20/7/2021 đã cho nhà đầu tư vay giao dịch ký quỹ hơn 120.000 tỷ đồng, tăng 20% so với thời điểm cuối quý 1/2021. Đây được xem là mức kỷ lục cho vay margin của chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh thanh khoản mỗi phiên được tính theo giá trị tỷ đô. Quý liền kề trước đó, dư nợ margin ở hơn 30 công ty chứng khoán này là hơn 100.000 tỷ đồng.

Và nếu tính gồm cả khoản cho người bán ứng tiền trước thì tổng con số cho vay đầu tư chứng khoán lên đến hơn 140.000 tỷ đồng, tăng 27% so với thời điểm cuối quý 1.

Đã có sự thay đổi lớn trong vị trí những công ty chứng khoán cho vay margin lớn nhất. Tính đến cuối quý 2/2021, SSI chính thức vượt Mirae Asset, cho vay kỷ lục lên đến 15.539 tỷ đồng, đây cũng là mức kỷ lục hoạt động cho vay ký quỹ của SSI. Kết quả là doanh thu từ cho vay ký quỹ và phải thu của SSI ghi nhận 338 tỷ đồng, cao gấp 2,1 lần so với quý 2/2020.

Mirae Asset ở vị trí thứ hai với khoản cho vay margin 13.335 tỷ đồng, lãi thu về 297 tỷ đồng, tăng 45%, trong khi đó công ty này lại lỗ lớn ở nghiệp vụ tự doanh. Vị trí thứ 3 là HSC với khoản margin lên đến 9.169 tỷ đồng.

Nhiều đơn vị khác cũng cho vay margin đạt mức kỷ lục so với thời điểm trước đó như VPS cho vay 7.832 tỷ đồng; VnDirect với 8.553 tỷ đồng; TCBS cho vay 8.137 tỷ đồng… Nhìn chung, hầu hết các công ty chứng khoán đều cho vay margin tăng mạnh so với cuối quý 1/2021 và so với cùng kỳ năm 2020.

Theo quy định tại Điều 9, quyết định số 87 hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán của Ủy ban chứng khoán Nhà nước: Tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán, tức là không được vượt quá 2 lần.

Trong khi cuối quý 1/2021, nhiều công ty xuất hiện vượt trần hoặc trong tình trạng áp sát mức trần giới hạn thì đến cuối quý 2/2021, tình trạng này đã cải thiện đáng kể nhờ một số công ty chứng khoán phát hành cổ phiếu tăng vốn thành công. Chẳng hạn như SSI, MBS,…đã bổ sung nguồn lực đáng kể, đáp ứng nhu cầu giao dịch nhà đầu tư, giúp thanh khoản giao dịch mỗi phiên đạt giá trị tỷ đô trong thời gian vừa qua.

Tuy vậy, vẫn có những công ty căng cứng margin như Mirae Asset với tỷ lệ cho vay/vốn chủ sở hữu 1,89 lần, HSC với tỷ lệ 1,78 lần, HSC tỷ lệ 1,9 lần…

Tại tọa đàm thị trường chứng khoán và dự báo diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, phần cho vay margin tương đối nhiều. Ông Sơn khuyến nghị với bối cảnh hiện nay còn có những biến động dịch bệnh chưa lường trước được, vì vậy các công ty chứng khoán phải cẩn trọng để làm sao giữ cho thị trường hoạt động bền vững.

“6 tháng tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ quyết liệt kiểm tra các công ty chứng khoán để đảm bảo cung cấp dịch vụ đúng quy định pháp luật, vừa bảo vệ công ty chứng khoán, nhà đầu tư và thị trường “, ông Sơn nói và nhấn mạnh Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản gửi các công ty chứng khoán yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật về tất cả các dịch vụ liên quan.

An Nhiên -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ky-luc-moi-cho-vay-dau-tu-chung-khoan-hon-140-000-ty-nhieu-cong-ty-van-cang-cung-margin.htm