Kỷ lục nguồn tiền giao dịch cổ phiếu Techcombank: 'Game' nào đó?

Giao dịch tại cổ phiếu TCB của Techcombank đang tạo quãng kỷ lục nguồn tiền trong hơn hai năm niêm yết.

Kết phiên cuối tuần qua (30/10), một lần nữa hiện tượng “dội bom” đợt khớp lệnh đóng cửa (ATC) tại TCB lại xuất hiện: lượng hàng cực lớn dồn bán, đè hẳn giá xuống tạo mức thấp nhất trong phiên. Gần 29 triệu đơn vị TCB trao tay phiên này.

Một lần nữa, vì những phiên gần đây tại cổ phiếu này có hiện tượng đè bán rất lớn, hàng triệu đơn vị ở đợt ATC, mà qua đó đạp đổ hết thành quả tăng hoặc phục hồi trước đó, hoặc thể hiện ở so sánh giá đóng cửa thường thấp nhất và thấp hơn nhiều so với giá bình quân phiên.

Nhưng, đáng chú ý hơn cả, quy mô giao dịch tại TCB thực sự bùng nổ.

KỶ LỤC CỦA LỊCH SỬ NIÊM YẾT

TCB của Techcombank chào sàn HOSE ngày 4/6/2018. Sau thời gian quy định, cổ phiếu này nhanh chóng lọt vào rổ VN30, nhóm vốn hóa và thanh khoản hàng đầu.

Trước khi có hiện tượng bùng nổ giao dịch nói trên, tại cổ phiếu này cũng từng có quãng đột biến khối lượng, nguồn tiền lớn “tham chiến”. Đó là quãng từ đầu tháng 12/2018, kéo dài khoảng ba tuần. Cao điểm khi đó từng có phiên giá trị giao dịch đạt tới hơn 1.539 tỷ đồng, nhiều phiên trong khoảng 500 - 700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chủ yếu trong quãng bùng nổ hồi tháng 12/2018 là giao dịch thỏa thuận, đi cùng với thị giá TCB khá cao với trên 28.000 đồng/cổ phiếu.

Còn hiện tại, dấu mốc của kỷ lục giao dịch tại đây đánh dấu từ phiên 14/10 vừa qua, với những khác biệt.

Phiên 14/10, TCB tạo hiện tượng đầy bất ngờ trên HOSE: giá kịch trần biên độ, quy mô giao dịch lên tới 74,98 triệu đơn vị, ứng với kỷ lục giá trị chuyển nhượng hơn 1.703 tỷ đồng. Chỉ riêng TCB cũng đã đủ tạo choáng ngợp về nguồn tiền “tham chiến” trên sàn, dù nhiều tháng qua nhà đầu tư đã quen về tầm cỡ của dòng tiền giao dịch nói chung ở ba sàn.

Nếu như quãng đột biến hồi tháng 12/2018, quy mô có đóng góp lớn từ giao dịch thỏa thuận và không ảnh hưởng trực tiếp đến biến động giá khớp lệnh mỗi phiên, thì nay quy mô khớp lệnh trực tiếp bùng nổ. Ngay phiên kỷ lục 14/10 vừa qua, trong gần 75 triệu đơn vị chuyển nhượng thì có tới hơn 48 triệu đơn vị trao tay qua khớp lệnh.

Từ đó đến nay, TCB đã có 13 phiên liên tiếp quy mô giao dịch đột biến, với hàng nghìn tỷ đồng tham gia giao dịch; khối lượng lên tới quanh 30 triệu đơn vị/phiên, chủ yếu qua khớp lệnh.

Diễn biến giao dịch của TCB ba tháng gần đây - Nguồn: VCBS

Diễn biến giao dịch của TCB ba tháng gần đây - Nguồn: VCBS

“THAY MÁU” CỔ ĐÔNG HAY MỘT “GAME” NÀO ĐÓ?

Với 13 phiên liên tiếp nói trên, TCB đang vượt qua CTG, rồi cả HPG về quy mô giao dịch. Với quãng này, đây là cổ phiếu thanh khoản hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Với các nhà đầu tư tổ chức, thanh khoản là một trong những tiêu chí được để ý. Nhưng khi quãng giao dịch kỷ lục đó tách khỏi diễn biến chung của quá trình niêm yết, khả năng có “thay máu” cổ đông sẽ được chú ý hơn.

Tại thời điểm chào sàn tháng 6/2018, Techcombank có 1,16 tỷ cổ phiếu niêm yết. Một tháng sau đó, sau 7 năm dồn lại, ngân hàng này thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 200%, tức 1 cổ phiếu cũ được nhận thêm 2 cổ phiếu mới. Tổng khối lượng niêm yết theo đó chia tách và lên 3,5 tỷ cổ phiếu cho đến nay.

So với quy mô 3,5 tỷ cổ phiếu, tổng khối lượng giao dịch quãng vừa qua chỉ vào khoảng hơn 10%. Dù không quá lớn so với quy mô niêm yết, nhưng khối lượng đột biến qua từng phiên nói trên được các nhà đầu tư cá nhân nhìn đến như một “cuộc thay máu” cổ đông nào đó, hoặc đơn giản là một cổ phiếu đang tạo dòng tiền lớn, cực lớn tham gia, hay có một “game bí ẩn” trong tương lai?

Trước quãng diễn biến này, đã có một số ý tưởng nhìn đến một tương lai sẽ có cổ phiếu ngân hàng của Việt Nam niêm yết trên thị trường quốc tế. Chính phủ cũng định hướng mục tiêu này.

Nhìn lại hệ thống, Techcombank đang là ứng viên số 1 về các chỉ số cơ bản. Đây là ngân hàng có các chỉ số sinh lời hàng đầu, có các chỉ tiêu an toàn (CAR, nợ xấu) tốt nhất theo Basel II, và đặc biệt là đã theo chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS 9 - chuẩn mực đang là thử thách lớn với nhiều ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, có trở ngại lớn, không chỉ với Techcombank mà với các ngân hàng Việt Nam nói chung, là giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, hiện phần lớn đã lấp đầy, khóa bớt hoặc “room” còn lại thấp, khi nhìn về hướng niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế.

Techcombank đang nối dài chuỗi 20 quý liên tiếp đạt kết quả kinh doanh ấn tượng

CHỈ CÓ MỘT ĐIỀU ĐƯỢC KHẲNG ĐỊNH

Trở lại với hiện tượng nói trên, TCB lại tạo khác biệt so với một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng từng bùng nổ vừa qua. Khác biệt khi bùng nổ về lượng không đi cùng với giá.

Năm nay thị trường đã được chứng kiến sự bùng nổ từng lên tới khoảng 70 triệu đơn vị/phiên tại SHB; hay gần đây 20-30 triệu đơn vị/phiên tại LPB. Cả SHB và LPB đều đồng thuận giữa giá và lượng, giá cổ phiếu tăng đột biến.

Tại TCB, khác biệt khi giá cổ phiếu lại không bật theo quy mô nguồn tiền lớn nhập cuộc nói trên; thậm chí tính từ đỉnh của quãng giao dịch này, từ 24.800 đồng/cổ phiếu, giá TCB hiện đã giảm khoảng 14%.

Khác biệt trên khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn. Điều này có thể thấy ở hàng loạt câu hỏi đặt ra trên các diễn đàn, hay ở các nhóm nhà đầu tư tương tác thông tin… Và hầu hết không hoặc chưa có câu trả lời nào thuyết phục.

Hiện chỉ có một điều được khẳng định: TCB đang là cổ phiếu của ngân hàng thương mại có thể nói tốt nhất trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam. Khẳng định này dựa trên cơ sở các chỉ số tài chính và hiệu quả hoạt động, cũng như mô hình và nền tảng Techcombank đã thiếp lập được.

Kỳ báo cáo tài chính quý III/2020 vừa diễn ra cho thấy ngân hàng này tiếp tục vượt trội ở nhiều chỉ số quan trọng.

Trước hết, Techcombank đang sở hữu chuỗi 20 quý liên tiếp tăng trưởng về doanh thu; lợi nhuận giữ vững vị trí thứ 2 hệ thống về con số giá trị tuyệt đối, nhưng mang tầm khu vực về các chỉ số sinh lời ROA, ROE.

Ở các chỉ số cơ bản, một chỉ tiêu cạnh tranh quyết liệt giữa các ngân hàng thương mại hiện đại, thể hiện sự năng động và hội tụ khách hàng tốt là tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA), tại Techcombank liên tiếp bứt phá rất mạnh, như kỳ vừa qua tăng tới 22,2% so với cuối 2019 và đạt tới 38,6% - có lẽ là một kỷ lục khó phá của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay.

Trong bối cảnh rủi ro bộc lộ, nợ xấu tăng lên thì cuối quý III/2020 Techcombank lại sở hữu một tỷ lệ an toàn vốn (CAR) rất cao, theo Basel II, lên tới 16,7%, hơn gấp đôi mức quy định; tỷ lệ nợ xấu lại giảm mạnh từ 1,8% cùng kỳ 2019 xuống chỉ còn 0,6%, trong khi tỷ lệ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu tăng mạnh từ 77,1% cùng kỳ 2019 lên 148%, đồng nghĩa với lợi nhuận tiềm năng hoàn nhập trong tương lai...

Tuy nhiên, như trên, sở hữu các chỉ số cơ bản và kết quả kinh doanh ấn tượng nhưng giá cổ phiếu TCB lại đi ngược trong quãng bùng nổ khối lượng giao dịch hiện nay có thể là băn khoăn nhất định đối với nhà đầu tư.

Trước đó, sau khi thực hiện chia tách trả cổ tức, giá cổ phiếu TCB cũng từng kéo dài suy giảm trong khi hoạt động kinh doanh liên tục tạo đà tăng trưởng tốt, BizLIVE từng đặt câu hỏi “vì sao?” tới lãnh đạo cấp cao của Techcombank.

Câu trả lời khi đó là: có thể ngân hàng còn chưa hiệu quả trong công tác quan hệ nhà đầu tư, chưa làm rõ được những giá trị và thế mạnh của mình tới cổ đông và nhà đầu tư.

Nhưng có thể thấy, suốt nhiều năm qua, Techcombank là ngân hàng đầu tiên và cũng là một trong số ít nhà băng hiện nay duy trì đều đặn hoạt động tiếp xúc với cổ đông và nhà đầu tư một cách chuyên nghiệp và chặt chẽ.

Kết thúc mỗi quỹ, Techcombank đều tổ chức các hội nghị lớn, với sự tham gia đông đảo giới phân tích, cổ đông và nhà đầu tư. Hầu hết các lãnh đạo khối, phòng ban Techcombank đều có mặt để “động đâu trả lời đó”; mỗi lãnh đạo tự trả lời, tương tác với cổ đông và nhà đầu tư chi tiết từng con số, từng câu hỏi ở lĩnh vực mình phụ trách. Và ít thấy có câu hỏi nào đó bị né tránh hoặc bỏ qua.

MINH ĐỨC

Nguồn BizLIVE: http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/tai-chinh/ky-luc-nguon-tien-giao-dich-co-phieu-techcombank-game-nao-do-3554337.html