Đào tạo ngắn hạn cần gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung đánh giá cao ý nghĩa chương trình ký kết cung cấp nhân lực qua đào tạo của trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp với số lượng 21.500 lao động giai đoạn 2020-2025.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tặng hoa chúc mừng Trường Cao đẳng cơ khí nông nghiệp. Ảnh: Tuấn Linh

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tặng hoa chúc mừng Trường Cao đẳng cơ khí nông nghiệp. Ảnh: Tuấn Linh

Nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa trường nghề và các doanh nghiệp để chuẩn bị nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, chiều 29/10, tại Vĩnh Phúc, trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp và cung ứng 21.500 nhân lực tay nghề cao giai đoạn 2020-2025. Đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tới dự buổi Lễ.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung đánh giá cao ý nghĩa của chương trình ký kết cung cấp nhân lực qua đào tạo với số lượng 21.500 lao động giai đoạn 2020-2025 của trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp, qua đó góp phần trang bị kỹ năng, năng suất lao động cho học sinh sinh viên, chuẩn bị cho nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao phục vụ đất nước.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, nâng cao kỹ năng của lao động là chìa khóa để đưa Việt Nam tới thịnh vượng. Trong đó, nâng cao chất lượng GDNN là nhân tố quyết định đến lực lượng lao động có kỹ năng phù hợp; thu hút sự tham gia, đồng hành của doanh nghiệp là giải pháp đột phá. Đây chính là chủ đề của Diễn đàn quốc gia nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ chủ trì trong tháng tới.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Một nghiên cứu gần đây cho thấy, trong 10-15 năm tới khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI); khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của họ. Nhưng nếu các quốc gia tập trung phát triển kỹ năng của người lao động, lấy con người làm trung tâm có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP lên tới 2%. Thậm chí Kỹ năng còn được coi là đơn vị tiền tệ mới của thị trường lao động toàn cầu”.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBVHGD Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng các doanh nghiệp khai trương khu vực trưng bày Logo tôn vinh doanh nghiệp phối hợp đào tạo với nhà trường. Ảnh: Tuấn Linh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chỉ ra những thách thức trong Cách mạng công nghiệp 4.0: đó là thế giới vẫn cần những lao động có trình độ kỹ năng nghề cao để đổi mới sáng tạo, lập trình và vận hành thiết bị. Khi mà sự thiếu hụt lao động kỹ năng đang là thách thức lớn toàn cầu thì lại chính là cơ hội cho các bạn trẻ, những người đang có sức khỏe, nhiệt huyết, có ước mơ, hoài bão để vươn lên làm chủ công nghệ, làm chủ cuộc sống và đóng góp cho sự phát triển của thế giới.

Thanh niên Việt Nam muốn vượt qua thách thức, tranh thủ thời cơ để khẳng định bản thân, để giúp đỡ gia đình và xã hội, để không bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh hội nhập quốc tế thì phải có kiến thức và kỹ năng nghề giỏi, phải làm chủ công nghệ. Và vì vậy, các bạn phải có đam mê nghề nghiệp, phải học tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng nghề giỏi trong các cơ sở đào tạo có chất lượng.

Với kỹ năng nghề giỏi, các bạn sẽ có cơ hội việc làm và thu nhập tốt; được bạn bè, đồng nghiệp và xã hội tôn vinh. Chính các bạn vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là đòn bẩy để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, qua đó tạo ra năng suất lao động vượt trội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp với các doanh nghiệp. Ảnh: TL

Để trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, sớm vươn lên trở thành cơ sở đào tạo chất lượng cao hàng đầu của cả nước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị :

Đối với nhà trường, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý khâu tổ chức thực hiện tới đây cần đặc biệt tập trung tuyên truyền, xây dựng phương án tuyển sinh theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, các bộ và các địa phương; phối hợp ngay với từng doanh nghiệp rà soát, chỉnh sửa lại các chương trình đào tạo, vừa đáp ứng chuẩn đầu ra, vừa cập nhật, bám sát yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là những yêu cầu của Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Đồng thời tiếp tục đổi mới phương thức dạy học; quá trình đào tạo có sự tham gia của giảng dạy của doanh nghiệp; người học phải được thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ nhà giáo, nhà giáo phải thường xuyên được thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; đổi mới kiểm tra, đánh giá có sự tham gia của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tham quan các xưởng thực hành của Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp. Ảnh: TL

Đối với các doanh nghiệp, Bộ trưởng đánh giá sự vào cuộc chủ động của các doanh nghiệp thông qua lễ ký kết này, song để việc hợp tác thực chất và hiệu quả, để có 21.500 các em học sinh sinh viên có tay nghề, có kỹ năng làm việc cao sau khi tốt nghiệp, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường từ khâu tuyển sinh, xây dựng chương trình, đến tổ chức đào tạo (tham gia giảng dạy; bố trí kế hoạch để người học thực hành, thực tập tại doanh nghiệp …), đến tham gia đánh giá, kết thúc quá trình đào tạo và tiếp nhận người học sau tốt nghiệp.

Bộ trưởng chia sẻ, tại CHLB Đức, Pháp, New Zealand, Austrailia, Rumainia, quá trình giáo dục nghề nghiệp doanh nghiệp phải tự tổ chức đào tạo. Nhưng ở Việt Nam, Nhà nước lại đang đào tạo cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp phải nhìn nhận đây là cơ hội và việc hợp tác với nhà trường để bỏ vốn ban đầu để đầu tư cho cộng đồng. Về lâu dài, người thụ hưởng chính là doanh nghiệp.

Để hướng tới mục tiêu 70% đào tạo thực hành và 30% học lý thuyết theo mô hình đào tạo kép của CHLB Đức, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần phải phải thực hiện song song 2 “nhà trường”. Một nhà trường với các giáo viên và giảng đường, phòng thực hành như hiện nay. Hai là mỗi doanh nghiệp phải là một trường nghề. Nếu thực hiện được mục tiêu này, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam mới trở thành đào tạo kép và kỹ năng lao động Việt Nam sẽ là một nguồn nhân lực tốt, không đứng ngoài nhu cầu của doanh nghiệp.

Minh Tuấn - Linh Chi - Hoàng Trung

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/ky-nang-don-vi-tien-te-moi-cua-thi-truong-lao-dong-toan-cau-n16358.html