Kỹ năng nghe, đọc tiếng Anh của học sinh còn yếu, ai phải chịu trách nhiệm?

Kết quả khảo sát năng lực tiếng Anh của học sinh lớp 9, 11 tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy kỹ năng nghe, đọc của phần lớn học sinh lớp 9, 11 còn rất hạn chế, nhưng giáo viên không bất ngờ.

Khả năng học tiếng Anh của học sinh còn hạn chế. Minh họa: pexels

Kỹ năng nghe, đọc của học sinh còn rất hạn chế

Vừa qua, hơn 110.000 học sinh lớp 9 và lớp 11 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành khảo sát năng lực tiếng Anh.

Việc khảo sát năng lực tiếng Anh được thực hiện ở kỹ năng nghe và nói. Theo đó, Theo đó, học sinh khối 11 khảo sát bằng đề FCE (tương đương cấp độ B2). Kết quả có sự phân hóa giữa kỹ năng nghe và nói.

Hơn 70% học sinh khối 11 có kỹ năng nghe chỉ đạt A1, A2. Chưa đến 20% học sinh đạt B2 đến C1.

Trong khi đó, kết quả kỹ năng đọc thấp hơn kỹ năng nghe. Trong đó, gần 80% học sinh chỉ đạt A1, A2; dưới 5% học sinh đạt B2, không có học sinh đạt C1.

Học sinh khối 9 khảo sát năng lực ngoại ngữ bằng đề PET (tương đương cấp độ B1).

Ở kỹ năng nghe, hơn 75% học sinh lớp 9 đạt trình độ Pre A1 hoặc A1. Hơn 20% học sinh đạt trình độ A2 đến B1 và gần 5% đạt trình độ B2.

Ở kỹ năng đọc, hơn 75% học sinh đạt ở trình độ Pre A1 và A1. Dưới 25% học sinh có kỹ năng đọc đạt trình độ A2, B1 và không có học sinh nào đạt trình độ đọc của B2.

Kết quả khảo sát các kỹ năng của học sinh khối 9 có sự chênh nhau rõ rệt giữa khu vực, quận, huyện tại TP.HCM.

Cụ thể, học sinh khu vực quận 1 có kết quả kỹ năng đọc cao nhất trong cả TP với gần 50% học sinh đạt trình độ A1, hơn 35% học sinh đạt trình độ A2 và gần 15% học sinh đạt trình độ B1.

Thống kê cho thấy, kỹ năng nghe, đọc của phần lớn học sinh lớp 9, 11 còn rất hạn chế.

Giáo viên không bất ngờ về kỹ năng nghe, đọc của học sinh

Chia sẻ về việc kỹ năng nghe, đọc của phần lớn học sinh lớp 9, 11 tại Thành phố Hồ Chí Minh còn rất hạn chế, nhiều giáo viên bậc trung học ở địa phương này cho biết "không bất ngờ với kết quả khảo sát".

Thầy cô giáo cho biết, việc dạy và học môn Tiếng Anh ở Việt Nam còn tồn đọng nhiều vấn đề, nhất là trong những cơ sở giáo dục phổ thông, điều này đã được nhiều chuyên gia và đội ngũ nhà giáo cảnh báo từ lâu.

Chẳng hạn, vào thời điểm năm 2022, phát biểu trong một hội thảo quốc tế tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, PGS.TS Naeema Begum Hann của Trường Giáo dục Đại học Leeds Beckett (Anh), nói rằng việc thiếu cơ hội thực hành ngoài giờ, học sinh với năng lực chênh lệch sắp chung một lớp và đặc biệt là tài liệu giảng dạy của thầy cô giáo ở Việt Nam đang được biên soạn "quá tham vọng" dẫn đến các em phải cố gắng viết về những khái niệm trừu tượng, coi trọng ngữ pháp trong khi chưa sẵn sàng về mặt ngôn ngữ.

Còn thầy giáo Phan Anh, giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc dạy và học ngoại ngữ nói chung và môn Tiếng Anh nói riêng ở Thành phố này còn nhiều bất cập.

Thứ nhất, trình độ giữa các giáo viên chênh lệch nhau rất nhiều. Cách đây khoảng 10 năm, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh có khảo sát năng lực FCE (tương đương cấp độ B2 khung châu Âu) cho giáo viên bậc trung học cơ sở. Rất nhiều giáo viên làm bài không đạt yêu cầu, mỗi quận huyện chỉ có một vài giáo viên lấy được chứng chỉ.

Sở dĩ năng lực giáo viên chênh lệch nhau là vì thầy cô giáo được đào tạo ở nhiều cơ sở giáo dục khác nhau. Giáo viên tốt nghiệp đại học sư phạm ở những trường tốp đầu thường có trình độ khá giỏi. Ngược lại, người tốt nghiệp ngoài đại học sư phạm thường có năng lực yếu hơn.

Bởi vì, ngành sư phạm và ngoài sư phạm có khi điểm chuẩn trúng tuyển chênh nhau cả 10 điểm. Ví dụ, điểm chuẩn ngành sư phạm Tiếng Anh một trường đại học ở phía Nam hàng năm dao động khoảng từ 24-25 điểm. Trong khi đó, thí sinh đạt điểm trung bình học bạ trung học phổ thông khoảng 5,5 thì có thể đã trúng tuyển ngành Ngôn ngữ Anh ở một số trường đại học tư thục.

Thầy giáo Phan Anh kể rằng, thầy đã từng được mời làm giám khảo chấm giáo viên dạy giỏi môn Tiếng Anh – chủ yếu đánh giá về về phương pháp giảng dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh. Điều lạ lùng là, không ít trò nói giỏi hơn thầy, còn thầy thì phát âm không chuẩn.

Thầy giáo Phan Anh hỏi chuyện một giáo viên bản ngữ thì được biết, nhiều giáo viên dạy môn Tiếng Anh chỉ dừng lại ở việc giao tiếp thông thường, còn khi đi sâu vào một chủ đề thì rất ít thầy cô giáo nói được. Giáo viên bản ngữ này nhận xét, hạn chế lớn nhất của thầy cô giáo Việt Nam dạy môn Tiếng Anh là phát âm không chính xác.

Thứ hai, về phía học sinh, các em học Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và 2018 còn nặng về ngữ pháp, thiếu môi trường giao tiếp với người bản ngữ nên rất hạn chế về nghe nói.

Các kì thi lớn như thi tuyển sinh 9 vào 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông đều vắng bóng nội dung nghe, nói. Học sinh chủ yếu làm bài thi trắc nghiệm nên việc dạy, học ở nhà trường cũng theo hình thức này.

Đáng nói, hầu hết các nhà trường từ tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh đều tổ chức cho học sinh học tiếng Anh với giáo viên "bản ngữ" ngay trong trường.

Các nhà trường chẳng khác nào trung tâm dạy ngoại ngữ, hiệu trưởng không khác gì giám đốc trung tâm. Hiệu trưởng thay mặt phụ huynh liên kết với các công ty giáo dục cung cấp giáo viên "bản ngữ" về dạy nhưng chất lượng vẫn còn bỏ ngỏ.

Giáo viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau chứ không phải "bản ngữ" như nhiều trường quảng cáo, chỉ có phụ huynh là nhầm tưởng. Trong khi đó, lớp học thường có sĩ số lên đến 40-50 em, thậm chí có lớp 55 em, học với giáo viên "bản ngữ" khoảng 40 phút. Tính trung bình, mỗi học sinh có chưa đầy 1 phút giao tiếp với giáo viên "bản ngữ" thì các em nói điều gì.

Cần biết thêm, học sinh thường học 2 tiết một tuần với giáo viên "bản ngữ" (1 tháng 8 tiết) nhưng mức học phí phụ huynh phải đóng dao động khoảng từ 200-300 đồng mỗi tháng – là số tiền rất lớn so với đồng lương của giáo Viên việt Nam.

Còn kết quả nhận được là năng lực nghe, đọc tiếng Anh của học sinh lớp 9, 11 tại Thành phố Hồ Chí Minh rất hạn chế. Vậy ai phải chịu trách nhiệm? Không lẽ hiệu trưởng các nhà trường phổ thông và cơ quan quản lí giáo dục (Sở/Phòng Giáo dục và Đào tạo) địa phương "vô can"?

Không biết có ai phải chịu trách nhiệm trách nhiệm với kết quả khảo sát năng lực tiếng Anh hay không. Nhưng, hầu hết học sinh bậc phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm đều oằn lưng học tiếng Anh với giáo viên "bản ngữ".

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/ky-nang-nghe-doc-tieng-anh-cua-hoc-sinh-con-yeu-ai-phai-chiu-trach-nhiem-179240418190618192.htm