Kỹ năng phòng, chống và cứu nạn đuối nước

Thời gian qua, nhiều vụ đuối nước xảy ra thương tâm. Hè đến, nguy cơ đuối nước tăng cao, nhất là đối với trẻ em vào kỳ nghỉ hè. Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh Bắc Giang) đã có khuyến cáo, thông tin về các kỹ năng phòng chống và cứu người bị nạn.

Lớp dạy bơi cho học sinh, trẻ em tại Trường Tiểu học Chu Điện (Lục Nam).

Lớp dạy bơi cho học sinh, trẻ em tại Trường Tiểu học Chu Điện (Lục Nam).

Đại úy Nguyễn Tuấn Vinh, Đội phó Đội Công tác phòng cháy (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) thông tin, vào dịp hè (tháng 6, 7 hằng năm), đơn vị thường nhận được nhiều tin báo về các vụ đuối nước, nạn nhân chủ yếu là trẻ em, thanh thiếu niên. Mới đây, đơn vị tổ chức tìm kiếm nam thanh niên dù bơi giỏi nhưng vẫn bị đuối nước tại hồ điều hòa thị trấn Vôi (Lạng Giang).

Để phòng ngừa đuối nước, người dân có thể cho con em tham gia các lớp học bơi do nhà trường, trung tâm thể thao tổ chức. Khi trẻ tắm tại bể bơi, biển, chơi gần sông, suối, ao, hồ cần có người lớn giám sát; lấp các hố, giếng nước không cần thiết.

Khi phát hiện người đuối nước hãy hô hoán và dùng cây sào, phao, dây... đưa cho nạn nhân để họ bám và kéo vào bờ. Tuyệt đối không nhảy xuống nước cứu người khi không biết bơi, thiếu kỹ năng cứu đuối nước.

Minh họa các tình huống cứu người gặp nạn đuối nước.

Tùy vào tình hình thực tế và năng lực của mỗi cá nhân mà có phương pháp, biện pháp cứu người bị đuối nước sao cho phù hợp. Để bảo đảm vừa cứu được người bị nạn và vừa an toàn cho người ứng cứu, có thể chia ra một số trường hợp:

Người tham gia cứu nạn không biết bơi hoặc biết bơi nhưng không đủ khả năng trực tiếp cứu người bị nạn cần nhanh chóng quan sát xung quanh, tìm những vật có khả năng cứu người như cành cây, can nhựa, phao cứu sinh, dây thừng hoặc các vật thể nổi khác. Sau đó đưa (hoặc quăng) các vật dụng đó đến vị trí người bị nạn để họ bám, víu rồi kéo dần người bị nạn vào bờ.

Khi người cứu nạn biết bơi nhưng chưa có kỹ năng cứu đuối nước thì có thể sử dụng phao tròn (phao có dây kéo càng tốt) hoặc các vật thể nổi khác để bơi ra gần nạn nhân. Nếu nạn nhân còn tỉnh táo thì ra ký hiệu bám vào phao rồi sau đó vừa bơi vừa kéo phao đưa nạn nhân vào bờ.

Nếu nạn nhân đã đuối sức thì tiếp cận nạn nhân từ phía sau, đưa phao (hoặc vật thể nổi) ra phía trước mặt nạn nhân, dùng 2 tay luồn dưới hai nách nạn nhân từ sau ra trước và bám vào phao đã đặt phía trước, giữ cho đầu nạn nhân nổi. Sau đó bơi ngửa đưa nạn nhân vào bờ.

Trong trường hợp không có phao hoặc các vật thể nổi, người cứu nạn có thể sử dụng một sợi dây thừng buộc quanh eo mình, để dư một đoạn có độ dài nhất định để nạn nhân bám vào; đầu dây còn lại sẽ được cố định vào một điểm chắc chắn trên bờ hoặc do một người trên bờ giữ đầu dây. Lưu ý, nếu nạn nhân đang vùng vẫy mạnh thì người cứu nạn tuyệt đối không được trực tiếp ôm hoặc để nạn nhân bám vào người mình. Vì lúc đó nạn nhân đang bị hoảng loạn có thể sẽ ôm, siết chặt gây nguy hiểm cho cả người cứu.

Với trường hợp người cứu nạn biết bơi và có kỹ năng cứu đuối nước, người cứu nạn bơi tiếp cận từ phía sau, dùng 2 tay xốc vào nách rồi bơi ngửa đưa nạn nhân vào bờ.

Khi nạn nhân gần chìm, tùy vào tình hình thực tế, người cứu nạn có thể nắm cổ áo, nắm tóc nạn nhân từ phía sau và sử dụng kiểu bơi ếch nghiêng để kéo nạn nhân vào bờ. Tất cả các trường hợp phải giữ cho mặt nạn nhân luôn ngửa và nổi trên mặt nước.

Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/405704/ky-nang-phong-chong-va-cuu-nan-duoi-nuoc.html