Kỹ năng phòng ngừa thương vong trong học đường khi xảy cháy

Trước thềm năm học mới 2019, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội tăng cường tuyên truyền, tập huấn nâng cao kỹ năng PCCC, CHCN cho các trường học trên địa bàn thành phố. Qua đó, hạn chế tối đa thương vong cũng như thiệt hại về tài sản do cháy gây ra.

Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, có những vụ tai nạn cháy, nổ xuất phát từ những vật dụng rất đơn giản, nhưng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Cảnh báo thương vong học đường

Dịp chuẩn bị khai trường, các trường học thường dùng bóng bay bơm khí hydro để thả, nhưng họ lại quên đó là khí có thể phát cháy gây bỏng cho các em học sinh. Đã có nhiều trường hợp, trùm bóng treo trang trí cho sân khấu để biểu diễn văn nghệ khai giảng và pháo phụt để chào mừng, đã trở thành nỗi kinh hoàng cho các thầy cô và học sinh. Hai thứ này kết hợp đã gây cháy khí, bùng lên thành cột lửa đe dọa đến buổi khai trường.

 Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tập huấn kỹ năng PCCC cho học sinh

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tập huấn kỹ năng PCCC cho học sinh

trên địa bàn Hà Nội

Vụ tai nạn trong phòng thí nghiệm xảy ra ngày 14-2-2017, tại trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội khiến nữ sinh bị bỏng nặng, là bài học trong trong công tác quản lý học sinh đối với công tác PCCC.

Theo báo cáo của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội: Nguy cơ cháy nổ trong nhà trường là rất lớn. Hiện tại, có tới trên 50% số trường học trên địa bàn Hà Nội có bếp ăn để tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, đây cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cháy, nổ.

Vấn đề cơ sở hạ tầng xuống cấp cũng là mối lo ngại xảy cháy. Hiện nay, nhiều trường học được xây dựng đã lâu, đường điện bị hư hỏng, chắp nối, trong khi trường lại được trang bị nhiều thiết bị như phòng máy tính, phòng thực hành, phòng thí nghiệm, lắp máy điều hòa... nên nguy cơ sử dụng điện quá tải, gây cháy, nổ hoàn toàn có thể xảy ra.

Các trường học thường không có bể nước phục vụ chữa cháy, phương tiện PCCC không được quan tâm, bảo dưỡng thường xuyên, không có nhiều người biết sử dụng trang thiết bị chữa cháy. Thêm vào đó, có không ít trường học, nhất là các trường ở nội thành, thường nằm xen kẽ trong khu vực dân cư, đường vào trường nhỏ, khó khăn cho việc tiếp cận, hoặc thoát hiểm nếu xảy ra cháy nổ.

Cần tuân thủ quy định PCCC

Từ những tiềm ẩn và nguy cơ cháy, nổ cũng như tai nạn thương tích cho các em học sinh tại các trường học, Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng CAQ Cầu Giấy khuyến cáo: "Những tồn tại về PCCC tại các nhà trường do vấn đề xây dựng từ lâu khó khắc phục, thì cần phải có biện pháp khác để đảm bảo an toàn cho môi trường sư phạm. Theo đó, cần trang bị đầy đủ các phương tiện PCCC, trang bị kỹ năng PCCC cho nhà trường và học sinh. Các thầy, cô giáo phải thành thục các kỹ năng cơ bản về cứu nạn, thoát nạn, chữa cháy, để xử lý khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra".

“Nhiều lần tập huấn, tuyên truyền tại nhà trường cho thấy, kỹ năng đối với công tác PCCC ở các trường còn rất hạn chế, đặc biệt đối với các học sinh dù đã học cấp THPT, nhưng khi đưa bình chữa cháy không biết làm thế nào để dập lửa” - một cán bộ PCCC phụ trách địa bàn quận Ba Đình chia sẻ.

Để làm tốt công tác PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội yêu cầu các nhà trường cần thực hiện đầy đủ quy định về thẩm duyệt, thiết kế PCCC, kiểm tra trong quá trình thi công các hạng mục PCCC, nghiệm thu về PCCC, đến quá trình sử dụng. Trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy tại chỗ đảm bảo về chất lượng và số lượng, luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tổ chức tốt lực lượng PCCC cơ sở cơ động, thường trực sẵn sàng chiến đấu. Đối với các trường từ bậc phổ thông cơ sở trở lên, đã có thể bố trí học sinh tham gia vào đội PCCC cơ sở của nhà trường.

Lực lượng Cảnh sát PCCC tập huấn chữa cháy, cứu nạn cho đội ngũ giáo viên

Tất cả các trường học phải có nội quy PCCC, phương án chữa cháy, thoát nạn cho trẻ em và học sinh khi có cháy xảy ra. Phương án PCCC phải được tổ chức học tập, diễn tập, rút kinh nghiệm. Các trường học có nhà nhiều tầng, nên bố trí học sinh lớn ở tầng trên, học sinh nhỏ ở tầng dưới, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh thoát nạn khi có sự cố về cháy và có bảng chỉ dẫn trên đường thoát nạn, hay trên lối và đường thoát nạn.

Các phòng thí nghiệm phải được bố trí riêng biệt, ngăn cách với các phòng học, phòng ngủ, phòng ăn, phòng sinh hoạt của học sinh bằng tường không cháy. Cấm sử dụng điện tùy tiện. Các thiết bị tiêu thụ điện như bếp điện, lò sưởi, bàn là, bóng điện… chỉ được sử dụng trong phạm vi cho phép, đã được tính toán khi thiết kế.

Ánh Nguyệt

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/ky-nang-phong-ngua-thuong-vong-trong-hoc-duong-khi-xay-chay/820856.antd