Kỹ năng sử dụng mạng xã hội để bảo vệ bản thân và gia đình

Theo thống kê của Google, tại Việt Nam, gần 80% người dân sử dụng mạng xã hội với thời lượng sử dụng trung bình là 3 giờ đồng hồ/ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết sử dụng mạng xã hội một cách đúng nhất để bảo vệ cho chính bản thân và gia đình.

Thời gian qua, hàng loạt các vụ lừa đảo trên không gian mạng hoặc các vấn đề bạo lực học đường đa phần cũng xuất phát từ mạng xã hội, khi những mâu thuẫn xảy ra qua những câu chữ bình luận thiếu kiểm soát và thiếu tôn trọng nhau.

Lộ lọt thông tin khi khoe con trên không gian mạng

Tội phạm công nghệ hiện nay ở khắp mọi nơi và ai cũng có thể trở thành đối tượng bị lừa. Đối tượng mà tội phạm công nghệ tấn công thường là những người thích khoe con, gia đình giàu có. Mặc dù pháp luật đã quy định việc đăng hình ảnh của trẻ phải có sự đồng ý của chủ thể, tuy nhiên tình trạng đăng hình của trẻ lên mạng xã hội vẫn diễn ra tràn lan. Thực tế trên đã tạo ra cơ hội để tội phạm nghiên cứu và chuẩn bị cho phương án tấn công mục tiêu bởi những món tiền rất lớn mà chúng có thể chiếm đoạt.

Chỉ cần phụ huynh trước khi đi công tác chụp hình đưa lên mạng xã hội để tạm biệt con, nói bố mẹ đi công tác thì đó sẽ là một nguy cơ lớn để tội phạm nắm bắt thông tin. (Ảnh minh họa)

Thực tế, hiện nay, không khó để tìm ra những đoạn phim, hình ảnh về thành tích học tập, các hoạt động của con trẻ tham gia, thói quen sinh hoạt của trẻ… trên các trang mạng xã hội do chính cha mẹ đăng tải. Trong đó, nhiều hình ảnh chứa đầy đủ các thông tin cá nhân như tên, ngày sinh, sở thích, lớp, trường học, giáo viên.

Là cha của 2 con gái 6 tuổi và 10 tuổi, anh Trần Lâm (sinh năm 1987, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ: “Trước đây, vì muốn lưu giữ lại những khoảnh khắc trưởng thành của con, vợ chồng tôi vẫn thường xuyên ghi lại những hình ảnh của con trong cuộc sống để đăng tải lên mạng. Gần đây, khi theo dõi tin tức về những vụ việc lộ thông tin cá nhân của phụ huynh và học sinh, gia đình đã hạn chế việc đăng tải ảnh con hơn”.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena nhận định, xét về địa lý, tội phạm công nghệ cao không có giới hạn. Cuộc gọi giả mạo có thể không xuất phát trong nước mà từ nước ngoài. Khi tội phạm nghiên cứu về một gia đình bất kỳ, tội phạm sẽ phân tích được trong một năm gia đình đó sinh hoạt ra sao, có người giúp việc hay không, có ông bà nội, ngoại canh chừng trẻ hay không từ đó sẽ lựa chọn phương án tấn công nhờ những thông tin mà gia đình đó cung cấp lên mạng xã hội.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Về góc độ chuyên môn liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, ông Thắng cho biết, có nhiều phần mềm ăn cắp dữ liệu, phần mền thu thập thông tin được cài cắm vào các chương trình game online. Nếu bất cẩn, ai cũng có thể bị những phần mềm gián điệp này theo dõi và đánh cắp các dữ liệu, thông tin tài khoản, thông tin riêng tư.

“Có những tổ chức thu thập dữ liệu lưu trữ, vài năm sau mới sử dụng dữ liệu đó để bán và thu lợi nhuận. Vì vậy, ai có ý định chơi cài đặt game online nào đó và thiết bị điện tử của bản thân, cần dùng công cụ kiểm tra để chắc chắn rằng game đó không có kèm phần mềm mã độc, gián điệp, hạn chế tối đã bị đánh cắp dữ liệu cá nhân”, ông Thắng nhấn mạnh.

Hậu quả nguy hiểm từ bạo lực mạng

Ngoài vấn đề lộ lọt thông tin do bị đánh cắp dữ liệu từ tội phạm công nghệ, hiện nay, tình trạng học sinh, nhất là độ tuổi từ lớp 6 trở lên sử dụng mạng xã hội một cách “vô tội vạ, không kiểm soát”, gây nên những hậu quả rất nguy hiểm.

Theo thống kê của Bộ Thông tin - Truyền thông và các cơ quan chức năng, hiện nay số tài khoản sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là hơn 100 triệu, trong đó một người có thể nhiều tài khoản. Tốc độ tăng trưởng khoảng 10-15% mỗi năm, tức vào năm 2025 là gần 120 triệu tài khoản.

Liên quan đến vấn đề bạo lực mạng, ông Thắng cho rằng, mạng xã hội ngoài dùng để liên lạc còn có nhiều công dụng khác. Tuy nhiên, khó tránh phải cạm bẫy từ mạng xã hội, nhất là đối với trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên. Khi các bạn chưa biết sử dụng mạng xã hội đúng cách sẽ không lường trước được rủi rõ, dẫn đến các hành vi tiêu cực; thậm chí có những vụ việc mâu thuẫn, đánh nhau để lại hậu quả đáng tiếc mà nguyên do chỉ vì hiềm khích trên không gian mạng.

Theo ông Thắng, Luật An ninh mạng, an toàn thông tin cần phải có chương trình giáo dục để nâng cao nhận thức của học sinh từ đó phòng tránh hiệu quả các rủi ro.

Hàng loạt các hội nhóm không lành mạnh được lập ra trên các nền tảng mạng xã hội gây ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của trẻ khi sử dụng mạng xã hội mà không được sự kiểm soát của phụ huynh. (Ảnh chụp màn hình)

“Trên không gian mạng hiện nay, có những nhóm giang hồ mạng từ 15-25 tuổi, những thành viên đó đa số là học sinh cấp 2, cấp 3 tham gia. Khi gia nhập vào những nhóm giang hồ mạng thì các bạn sẽ sa lầy vào nó dẫn đến nhiều hành vi không thể kiểm soát được”, ông Thắng cho hay.

Thời gian trước, bộ phận an ninh mạng chưa có nhiều hoạt động giám sát nhưng từ năm 2020 trở lại đây, các nhóm “giang hồ mạng” đã bị kiểm tra rất nhiều. Đối với các bạn trên 18 tuổi sẽ bị phạt theo luật an ninh mạng, theo luật hành chính, nhưng những lần tiếp theo sẽ chuyển từ phạt hành chính sang hình sự.

Nhìn chung, theo các chuyên gia tâm lý, việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều sẽ phản tác dụng và để lại những hệ lụy đáng tiếc. Sử dụng mạng xã hội mất kiểm soát về thời gian và hành vi, ngôn ngữ có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, giảm lượng tương tác trực tiếp và hạn chế tham gia các hoạt động xã hội. Mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội cần thực sự nghiêm túc, cần xem không gian mạng như môi trường trực tiếp bên ngoài, mối quan hệ trên mạng xã hội cần được tôn trọng nhau để tránh xảy ra những mâu thuẫn đáng tiếc.

“Mỗi ngày, cần có thời gian sử dụng mạng xã hội nhất định và phù hợp với thời gian sinh hoạt, công việc của bản thân để tránh sa lầy vào mạng xã hổi ảo mà quên đi cuộc sống thực bên ngoài”, các chuyên gia tâm lý lưu ý.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Quản trị và An ninh mạng Athena

Tất cả những hành vi trên không gian mạng đều có người biết và theo dõi, ghi lại và những thông tin các bạn đưa lên mạng sẽ tồn tại rất lâu dài. Chúng ta cần chủ động đưa thông tin tích cực thì mới tạo sự tích cực cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, khi đưa thông tin lên mạng xã hội, thông tin đó sẽ không bị xóa mà được lưu trữ; vô tình tạo nên những hệ quả xấu. Những thông tin tiêu cực, không đúng đắn ấy sẽ được giữ lại và có thể ảnh hưởng đến trực tiếp người đăng tải trong quá trình xin việc, người tuyển dụng có thể xem lại những thông tin đã đăng, hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội của ứng viên để tìm hiểu về tính cách, khả năng và đánh giá về các ứng xử của các ứng viên.

Chính những hành động, thông tin tiêu cực có thể tạo sự bất lợi cho chính bản thân người đăng tải.

Lâm Ngọc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ky-nang-su-dung-mang-xa-hoi-de-bao-ve-ban-than-va-gia-dinh-168097.html