Kỷ nguyên Elizabeth đệ nhị kết thúc giữa lúc kinh tế Anh hỗn loạn

Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời khiến bức tranh kinh tế nước thêm phần u ám trong bối cảnh quốc gia sương mù đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, theo phân tích của CNN.

Nhằm giải quyết hàng loạt thách thức mà đất nước đang phải đối mặt như tình trạng lạm phát tăng cao, sự mất giá của đồng bảng Anh và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ, vào hôm 8/9, Thủ tướng Liz Truss và chính phủ Anh, chỉ 2 ngày sau khi nhậm chức, đã công bố một kế hoạch táo bạo nhằm giải cứu nền kinh tế nước này.

Tuy nhiên, việc Nữ hoàng Elizabeth II đột ngột qua đời, chỉ vài giờ sau khi kế hoạch trên được công bố, đã làm đảo lộn mọi thứ. Sau sự ra đi của vị nguyên thủ quốc gia, Thủ tướng Truss đã công bố thời kỳ để tang trên toàn quốc cho đến ngày diễn ra lễ tang chính thức của nữ hoàng.

Trong thời gian này, một số cửa hàng và các địa điểm thi đấu thể thao sẽ bị đóng cửa để tỏ lòng kính trọng đối với Nữ hoàng Elizabeth II. Tuy nhiên, phần lớn các hoạt động khác tại Anh vẫn sẽ diễn ra bình thường.

Các giải đấu thể thao tại Anh sẽ bị tạm dừng trong thời gian diễn ra lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth II. Ảnh: AFP.

Thị trường chứng khoán tại London đã mở cửa vào sáng 9/9 với phần lớn cổ phiếu đều tăng điểm, tương ứng với đà tăng tại các thị trường khác ở châu Âu và châu Á.

Sở Giao dịch Chứng khoán London cho biết các hoạt động giao dịch chứng khoán vẫn diễn ra bình thường trong thời gian quốc tang và sẽ chỉ đóng cửa vào ngày diễn ra lễ tang chính thức của Nữ hoàng Elizabeth II - hiện chưa được công bố.

Chuỗi cửa hàng Selfridges, một trong những chuỗi cửa hàng bách hóa lâu đời nhất tại Anh, đã đóng cửa những chi nhánh tại các thành phố London, Manchester, Birmingham, nhưng cho biết sẽ mở cửa lại các chi nhánh này vào ngày 11/9.

Trong khi đó, các liên đoàn lao động trong lĩnh vực công nghiệp tại Anh đã tuyên bố tạm dừng các hoạt động biểu tình.

Liên đoàn Công nhân Viễn thông cũng tuyên bố tạm dừng cuộc đình công của hơn 115.000 người lao động ngành bưu chính, dự kiến bắt đầu từ ngày 9/9.

Các liên đoàn vận tải và đường sắt cũng dừng các cuộc biểu tình dự kiến diễn ra trong những ngày tới và vào cuối tháng 9.

Trong khi Viện hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh đã hủy bỏ các sự kiện chuẩn bị cho lễ trao giải Emmy vào cuối tuần này, nhà hát Tây London vẫn tiếp tục mở cửa.

Trả lời phỏng vấn CNN, ông Holger Schmieding, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế tại ngân hàng tư nhân Berenberg dự đoán những tác động tới nền kinh tế nước Anh sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời sẽ tương đối nhỏ.

"Việc các cuộc đình công của các nhân viên vận tải và đường sắt tạm thời bị hủy bỏ đã làm giảm các tác động tới nền kinh tế trong thời gian diễn ra quốc tang. Sự tăng trưởng trong doanh thu từ ngành du lịch trong thời gian này cũng giúp hạn chế các tác động tới nền kinh tế", ông Schmieding nhận định.

Làm chậm nỗ lực giải cứu nền kinh tế?

Thông tin Nữ hoàng Elizabeth II qua đời đến chỉ vài giờ sau khi tân Thủ tướng Truss cùng chính phủ của bà công bố các biện pháp nhằm áp giá trần hóa đơn năng lượng của người dân Anh kể từ tháng 10. Các biện pháp trên sẽ giúp đỡ cho hàng triệu người dân và hàng nghìn doanh nghiệp đang gặp khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao.

Tuy nhiên, theo ước tính của các nhà phân tích tại ngân hàng Berenberg, gói cứu trợ trên của chính phủ sẽ tiêu tốn khoảng 172 tỷ USD và được tài trợ chủ yếu thông qua hình thức vay nợ công. Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng dự kiến công bố chi phí dành cho các chương trình cứu trợ trên vào cuối tháng 9.

Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, chính phủ Anh giờ đây sẽ buộc phải hướng phần lớn sự chú ý của mình trong những ngày tới vào việc tổ chức lễ tang cho nữ hoàng và tổ chức lễ đăng cơ cho Vua Charles III. Hoạt động của Quốc hội Anh sẽ bị tạm dừng trong một vài ngày tới.

"Việc thông qua ngân sách khẩn cấp nhiều khả năng sẽ bị tạm dừng", Danni Hewson, một nhà phân tích tại hãng đầu tư AJ Bell trả lời phỏng vấn CNN Business.

Cách Ngân hàng Trung ương Anh đối phó với tình trạng gia tăng nợ công cũng là một yếu tố then chốt.

Trong bối cảnh các nhà đầu tư đang tỏ ra lo lắng về tình hình tài chính của chính phủ Anh, Ngân hàng Trung ương Anh dự định tổ chức một cuộc họp vào hôm 8/9, nơi cơ quan này được dự đoán sẽ tăng mức lãi suất.

Tuy nhiên, sau sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II, Ngân hàng Trung ương Anh đã thông báo sẽ dời cuộc họp sang ngày 22/9.

Ngân hàng Trung ương Anh đã buộc phải rời cuộc họp tăng lãi suất sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời. Ảnh: Reuters.

Trả lời báo chí, người phát ngôn của Thủ tướng Truss cho biết các biện pháp hạn chế giá năng lượng vẫn sẽ được áp dụng kể từ ngày 1/10.

Sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 37 năm vào tuần trước, giá trị đồng bảng Anh vào 9/9 đã tăng lên mức 1,26 USD đổi một bảng Anh. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế vĩ mô tại ngân hàng đầu tư Socíeté Générale Kit Juckes, giá trị của đồng bảng Anh sẽ tiếp tục giảm cho đến khi tình hình kinh tế tại nước này có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.

"Có nhiều khả năng Vua Charles III sẽ là vị quân vương Anh đầu tiên phải trả hơn một bảng Anh cho mỗi USD, hoặc hơn một bảng Anh cho một euro, hoặc thậm chí là cả hai trường hợp trên", ông Juckes nhận định. Ông cũng cho biết giá trị đồng bảng Anh nhiều khả năng sẽ không thấp hơn đồng USD trong năm nay.

Ngân hàng Trung ương Anh cho biết các tờ tiền có in hình Nữ hoàng Elizabeth II vẫn sẽ tiếp tục được phép lưu hành. Ảnh: Alamy.

Ngân hàng Trung ương Anh cho biết những tờ bảng Anh có in hình Nữ hoàng Elizabeth II vẫn sẽ được phép lưu hành. Ngân hàng này cho biết sẽ sớm in các tờ tiền mới có in hình Vua Charles III sau khi kết thúc quốc tang của Nữ hoàng Elizabeth II.

Đám đông bên ngoài Điện Buckingham sau khi nữ hoàng băng hà Hàng trăm người dân Anh tập trung bên ngoài Điện Buckingham trong bầu không khí im lặng sau khi hoàng gia Anh thông báo về sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II.

An Bình

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ky-nguyen-elizabeth-de-nhi-ket-thuc-giua-luc-kinh-te-anh-hon-loan-post1353971.html