Kỷ nguyên không gian: Tại sao Mỹ cần chiến lược quốc phòng mới?

Cuộc cạnh tranh không gian giữa các siêu cường đang trở nên năng động hơn và chính sách của Mỹ trong lĩnh vực này cũng trở nên linh hoạt hơn bao giờ hết.

Theo National Interest, chiến lược Không gian quốc phòng của chính phủ Mỹ liên quan đến sự cạnh tranh trong không gian đã ra đời cách đây một tháng trong đó xác định Nga và Trung Quốc là hai quốc gia đối thủ trong bối cảnh hiện tại.

Ảnh minh họa. Nguồn: National Interest

Vào ngày 17-6, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo xác định Nga và Trung Quốc là các thách thức trong chiến lược lớn nhất của Mỹ trên mặt trận phòng thủ không gian. Chiến lược mới đặt ra yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ cần làm việc với một số cơ quan khác trong chính phủ cũng như các công ty tư nhân tiến hành hoạt động thương mại trong không gian, đồng thời đòi hỏi sự hợp tác giữa Washignton với các đồng minh và đối tác.

Đến hiện tại, Lầu Năm Góc đang có kế hoạch thay thế bằng một tài liệu chỉ đạo sửa đổi liên quan đến chiến lược quốc phòng nhằm phù hợp xu hướng phát triển và khám phá không gian.

Gần đây, một số tài liệu cho biết, cuộc cạnh tranh không gian giữa các siêu cường đang trở nên năng động hơn và chính sách của Mỹ trong lĩnh vực này cũng trở nên linh hoạt hơn bao giờ hết. Theo National lnterest, đã đến lúc Washington nên xem xét lại, bắt nhịp với thực tế chiến lược không gian mới để hình thành chiến lược Không gian quốc phòng trong tương lai.

Gần đây, các hoạt động trong chính sách Mỹ đặt ưu tiên nghiên cứu về không gian đã tạo nên các đột phá mới. Chỉ từ tháng Tư, Nhà Trắng đã ban hành sắc lệnh hành pháp về tài nguyên không gian trong Hiệp định Artemis của NASA (bộ quy tắc về không gian) và công bố chiến lược không gian toàn quốc, mang tên Kỷ nguyên mới trong phát triển và khám phá không gian. Hiệp ước Artemis được xem là nỗ lực mới nhất của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, quy tụ sự góp mặt của các đồng minh trong kế hoạch của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) để đưa con người quay lại mặt trăng, xây dựng trạm không gian trong thời gian tới. Các sáng kiến tương tự này đánh dấu sự thay đổi cơ bản trong chính sách của Mỹ về cách tiếp cận mới trong chiến lược không gian toàn quốc.

Quan trọng hơn, chiến lược quốc gia mới vạch ra định hướng mở rộng từ quỹ đạo Trái đất lên Mặt trăng, trong đó tập trung vào sử dụng tài nguyên (còn được gọi là khai thác không gian). Chiến lược quốc gia thúc đẩy vai trò ngày càng quan trọng của Lực lượng Không gian Mỹ để tiến tới phát triển và khám phá không gian. Washington sẽ có tầm nhìn xa hơn nữa về các định hướng thông qua nỗ lực phát triển không gian, đảm bảo các đồng minh cũng như đối tác có khả năng tiếp cận và sử dụng không gian mà không bị kiểm soát. Các hoạt động trên không gian như vận chuyển, năng lượng, thông tin liên lạc và nhận thức miền không gian sẽ được định hướng trong thời gian tới.

Các thay đổi chính sách về không gian của Mỹ đang tập trung vào sức mạnh không gian quân sự mà không phải chỉ đơn thuần năng lực khám phá. Lực lượng Không gian Mỹ đã vạch ra tham vọng thiết lập vùng kinh tế tại không gian cislunar (khoảng không gian nằm giữa Trái đất và Mặt trăng), trong đó nhấn mạnh đến an ninh và hiện diện quân sự ổn định.

Thống nhất với Nhà Trắng về tư duy phát triển công nghệ lưỡng dụng trong chiến lược không gian, báo cáo gợi ý rằng Lực lượng không gian Mỹ nên xác định vai trò bảo vệ hành tinh, thúc đẩy năng lực khai thác tiểu hành tinh và vận tải trong không gian. Báo cáo cũng vạch ra 6 khía cạnh tập trung và 40 khuyến nghị xác định vai trò lãnh đạo đi đầu của Mỹ trong lĩnh vực không gian.

Washington cũng đặt ra các thay đổi trong chính sách mới ở khía cạnh không gian quốc phòng nhằm bắt nhịp xu hướng trong tương lai và định hình lại hoạt động của lực lượng không gian trong xu hướng mới và kỷ nguyên mới.

Trước đó, Trung Quốc cũng từng cân nhắc việc khai thác thương mại ngoài vũ trụ và hình thành vùng kinh tế tại không gian cislunar trong năm 2050.

Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã có thành công nhất định trong việc gặt hái các lợi ích từ nghiên cứu không gian, chẳng hạn như các thí nghiệm Mặt trăng hay du hành không gian.

Theo CNA, Mỹ gần đây đã tổ chức thành công chuyến bay lên trạm vũ trụ quốc tế sau gần một thập kỷ. Hiện tại, quân đội Mỹ đang chuẩn bị đối phó với các xung đột mà có thể tiếp tục kéo dài trong không gian, đe dọa các tài sản trên quỹ đạo mà các chiến binh chiến tranh dựa vào đó để liên lạc, điều hướng và tình báo. Mục đích của chiến lược là đảm bảo miền vũ trụ an toàn, ổn định và có thể tiếp cận các hoạt động của Mỹ cũng như đồng minh trong 10 năm tới thông qua sức mạnh quân sự Mỹ.

"Chiến lược không gian quốc phòng là bước tiếp theo đảm bảo ưu thế về không gian và đảm bảo an toàn cho quốc gia", Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nhấn mạnh trong tuyên bố. "Chúng tôi mong muốn một miền không gian an toàn, ổn định và có thể tiếp cận đảm bảo an ninh, thịnh vượng và thành tựu khoa học của nước Mỹ. Chiến lược này xác định cách Mỹ tiếp cận theo từng giai đoạn trong không gian trong vòng 10 năm tới".

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/ky-nguyen-khong-gian-tai-sao-my-can-chien-luoc-quoc-phong-moi-20200831170652545.htm