Kỷ niệm 100 ngày sinh cố nhạc sĩ Xuân Oanh: Tấm gương sáng về đối ngoại nhân dân

Cố nhạc sĩ Xuân Oanh là một tấm gương sáng, tiêu biểu về sự hiểu biết, kinh nghiệm, tài trí và nghệ thuật, đặc biệt trong việc vận động, thuyết phục bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam.

Ngày 8/9, tại Hà Nội, Ủy ban Hòa bình Việt Nam phối hợp với Hội Việt-Mỹ tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam (nay là Ủy ban Hòa bình Việt Nam).

Đại diện gia đình tặng Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu cuốn sách “Đỗ Xuân Oanh: Cánh chim Oanh của mùa Xuân Cách mạng”. (Ảnh: Huyền Trang)

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu nhấn mạnh đây là dịp để tưởng nhớ và tri ân một con người đa tài, người nghệ sĩ tài hoa, nhà hoạt động đối ngoại nhân dân xuất sắc, một đồng chí lãnh đạo tài giỏi và đáng kính của Ủy ban Hòa bình Việt Nam...

Ông nói: "Cố nhạc sĩ Xuân Oanh đã đi xa nhưng hình ảnh về ông luôn thân thuộc và gần gũi với chúng ta. Cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn sống mãi với thời gian”.

Ông Uông Chu Lưu khẳng định, cố nhạc sĩ Xuân Oanh là một tấm gương sáng, tiêu biểu về sự hiểu biết, kinh nghiệm, tài trí và nghệ thuật, đặc biệt trong việc vận động, thuyết phục bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam.

Ông đã từng nói: “Ngoại giao nhân dân giống như người nghệ sĩ làm xiếc trên dây, phải luôn bám thật chặt vào sợi dây thì tha hồ nhào lộn, rời khỏi sợi dây là chết”. Dây ở đây là đường lối, chủ trương của Đảng, còn thể hiện đường lối ấy hấp dẫn hay không phụ thuộc vào người “nghệ sĩ”.

Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam cho biết ngay từ khi còn trẻ, Đỗ Xuân Oanh là một người nhiệt huyết, sôi nổi, có tinh thần yêu nước và giác ngộ Cách mạng rất sớm. Ông đã một lòng đi theo Đảng, cống hiến trọn đời mình cho Tổ quốc và nhân dân.

Là người hoạt động trên nhiều lĩnh vực và trong lĩnh vực nào, ông cũng thành công và để lại nhiều dấu ấn khó quên. Ông là một nghệ sĩ tài hoa với nhiều tác phẩm âm nhạc và hội họa nổi tiếng như bản hùng ca Cách mạng 19 tháng 8, ca khúc Bầu trời lại trong xanh

Chúng ta còn biết đến ông là một dịch giả, một nhà báo nổi bật làm công tác tuyên truyền ở Báo Cứu quốc trong suốt 9 năm ở chiến khu Việt Bắc, là một trong hai phát thanh viên đầu tiên bằng tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam và là người được đọc Bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử ra nước ngoài bằng tiếng Anh.

Tưởng nhớ và tri ân cố nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu cho rằng những thế hệ mai sau cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của cha ông, nỗ lực đóng góp hiệu quả hơn nữa cho sự nghiệp bảo vệ hòa bình, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới, để đối ngoại nhân dân xứng đáng là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện và hiện đại của nước nhà.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu cùng được xem những thước phim tài liệu sống động về cố nhạc sĩ Xuân Oanh. Nhiều người đã xúc động bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tài năng và những cống hiến to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc

Dịp này, cuốn sách Đỗ Xuân Oanh: Cánh chim Oanh của mùa Xuân Cách mạng cũng chính thức được ra mắt, tập hợp những tư liệu quý về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của ông cùng một số bài viết của nhạc sĩ, đồng nghiệp và bạn bè ở trong và ngoài nước...

Các đại biểu tham dự cuộc gặp mặt chụp ảnh chung. (Ảnh: Huyền Trang)

Nhạc sĩ Xuân Oanh (1923-2010) là một trong những người tham gia thành lập Ủy ban bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam theo chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ để vận động, kêu gọi, tranh thủ sự đoàn kết và ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới, nhất là nhân dân Mỹ và nhân dân Pháp trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Ông là người tham gia thành viên của Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam giai đoạn 1968-1972, tham dự nhiều hội nghị hòa bình quốc tế. Ông đã gặp gỡ, giao lưu, nói chuyện với nhiều nhà hoạt động hòa bình, văn hóa, nghệ thuật và bạn bè quốc tế.

Bằng sự hiểu biết sâu rộng về lịch sử. văn hóa của các nước và Việt Nam, với phong cách đối thoại, nói chuyện thân mật, chân tình, giản dị và truyền cảm hứng của ông đã thuyết phục và cảm hóa được nhiều đối tác, bạn bè quốc tế, trong đó có nhiều phi công Mỹ là tù binh phản đối chiến tranh và ủng hộ Việt Nam.

Hà Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ky-niem-100-ngay-sinh-co-nhac-si-xuan-oanh-tam-guong-sang-ve-doi-ngoai-nhan-dan-241324.html