Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5: Mong manh áo vải hồn muôn trượng

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Người là hiện thân của một nhân cách vĩ đại, suốt đời phấn đấu hy sinh vì mục tiêu 'độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân', sống một cuộc sống gần dân, giản dị, tiết kiệm, thậm chí kham khổ, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận xét: Bác là người giản dị mà lão thực.

Một đời thanh bạch chẳng vàng son

Sau khi Thủ đô giải phóng, ngày 19/12/1954, Bác về Phủ Chủ tịch, Người không ở tòa nhà của Toàn quyền Đông Dương cũ mà ở trong căn nhà của người thợ điện, gọi là nhà 54. Bác nói với các đồng chí phục vụ: Bác muốn làm một căn nhà sàn bên bờ ao trong Phủ Chủ tịch để ở và làm việc cho thoáng. Người muốn giữ nếp sinh hoạt đã quen trong những năm kháng chiến chống Pháp, cũng như giữ gìn tình cảm với nhân dân Chiến khu Việt Bắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ dự Hội nghị tổng kết công tác cải cách ruộng đất đợt 2 của đoàn Bắc Giang và đồng bào xã Trung Nghĩa (sau cải cách ruộng đất chia thành 2 xã: Mai Trung và Xuân Cẩm), huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (ngày 8/2/1955). Ảnh tư liệu.

Bác dặn làm nhà bằng gỗ thường, để dành gỗ tốt nhóm 1 làm tà vẹt đường sắt và trường học… Ngày 17/5/1958, Bác chuyển sang ở nhà sàn nhưng hằng ngày vẫn về nhà 54 tắm rửa, ăn cơm, tiếp khách. Trong phòng Bác ở trên nhà sàn chỉ có chiếc giường cá nhân, trải chiếu mộc, chăn gối đơn sơ và chiếc đài để Bác nghe tin tức. Khu nhà sàn luôn văng vẳng tiếng đài. Bác bảo: Để cho có tiếng người.

Nhà sàn làm xong, Bác cho trồng hàng rào dâm bụt xung quanh. Khi cây còn nhỏ, hằng ngày ra vào, Bác nhảy qua để rèn luyện sức khỏe, khi cây đã lớn, không nhảy qua được Bác mới thôi.

Tôi đã được nghe cụ Nguyễn Công Ích, chiến sĩ cận vệ của Bác Hồ, cũng là người thường xuyên cắt tóc cho Bác kể: Cắt tóc xong, bao giờ Bác cũng tự gội đầu. Người đứng lom khom, cúi đầu cho anh em bảo vệ múc từng gáo nước dội nhè nhẹ cho Bác vò đầu vò tóc. Bác cũng thường tự giặt quần áo. Bộ quần áo lụa mỏng dùng đã nhiều năm, mỗi khi giặt xong, Người không vắt xoắn lại, sợ mau rách, mà chỉ rũ nhẹ rồi phơi.

Phong cách ứng xử nhẹ nhàng, hóm hỉnh mà sâu sắc

Nhiều lần trò chuyện với nhà thơ Việt Phương, thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi ông còn sống, tôi được nghe ông kể nhiều chuyện đời thường của Bác Hồ, có vài chuyện mà tôi rất nhớ.

Ngày ấy, Văn phòng Thủ tướng nằm trong khuôn viên Phủ Chủ tịch. Một lần, Bác có việc gấp cần trao đổi với Thủ tướng. Nhận điện Bác gọi, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lấy xe đạp của chiến sĩ bảo vệ, đạp sang nhà sàn. Vốn là một “cua rơ” có hạng nên Thủ tướng đạp xe khá nhanh, không biết có đồng chí bảo vệ chạy theo sau. Sang đến nơi, Bác đã chờ sẵn ở sân. Bác bảo Thủ tướng: “Sao chú Tô không đèo chú bảo vệ cùng sang”. Lời nhắc nhở ấy, với Thủ tướng là bài học sâu sắc về sự quan tâm đến mọi người, rộng ra là quan tâm đến nhân dân.

Du khách về thăm quê Bác ở Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).

Có lần, nhà thơ Việt Phương “khoe” với Bác bài thơ mới làm, trong đó ông so sánh những thói xấu của con người với loài vật… Nghe xong, Bác cười bảo: “Chú chỉ được cái nói xấu loài vật”. Lời nhận xét hóm hỉnh của Bác khiến nhà thơ nhận ra một điều, tình yêu thương của Bác không chỉ dành đến con người mà còn đến cả loài vật trong thiên nhiên.

Ngày 24/1/1955, (mùng Một Tết Ất Mùi), Bác về thăm và chúc Tết cán bộ, công nhân Việt Nam và chuyên gia Trung Quốc đang xây dựng cầu Phủ Lạng Thương (nay là cầu Bắc Giang, thuộc TP Bắc Giang). Nghe Đội trưởng Đội cầu Nguyễn Tường Lân báo cáo thành tích chung của công trường xong, Bác đi thăm cầu. Đến giữa cầu Bác dừng lại nói chuyện với cán bộ, công nhân: “Hôm nay, Bác chỉ xem nửa cầu thôi. Bao giờ hoàn thành, Bác sẽ đi thăm cả cầu. Các chú có đồng ý như vậy không?”. Lời Bác khiến cả công trường náo nức, thi đua quyết tâm xây cầu nhanh hơn, tốt hơn, bảo đảm kỹ thuật hơn để lại sớm được đón Bác về thăm.

Bác Hồ với nhân dân Bắc Giang

Tháng 5/1946, trước khi lên đường sang làm thượng khách của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm thị xã Phủ Lạng Thương (TP Bắc Giang ngày nay).

Ngày 17/11/1946, Bác lại về thăm Bắc Giang trong lúc nhân dân đang phấn đấu thực hiện những nhiệm vụ lớn: Chống giặc đói, diệt giặc dốt, sẵn sàng chống giặc ngoại xâm. Người đi thăm Nhà thương Bắc Giang, Trường Cán bộ Chu Văn Tấn; Trường Trung học Hoàng Hoa Thám và Ủy ban Hành chính tỉnh...

Ngày 8/2/1955 (16 tháng Giêng Ất Mùi), Bác về thăm nhân dân thôn Cẩm Xuyên (xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa). Người thăm hỏi hộ nông dân được chia quả thực, dự và nói chuyện tại Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 diễn ra ở soi Vải, thôn Cẩm Xuyên. Tại hội nghị, Bác nghiêm khắc phê bình: “Trong đợt 2, một số cán bộ còn phạm khuyết điểm…”.

Ngày 6/4/1961, Người về thăm, nói chuyện với nhân dân xã Tân An, huyện Yên Dũng, đi thăm làng chiến đấu Long Trì.

Ngày 17/10/1963, sau khi hợp nhất hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, vào dịp Đại hội Đảng bộ toàn tỉnh Hà Bắc lần thứ nhất tổ chức tại thị xã (nay là TP) Bắc Giang, Bác và đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thăm nhân dân trong tỉnh, dự và chỉ đạo Đại hội.

Ngày 9/2/1967 (mùng 1 Tết Đinh Mùi), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Bắc vui mừng phấn khởi được Bác đến thăm, chúc Tết.

Ngày 11/3/1948, Bác gửi thư cho đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII (nay là các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh), đóng tại chùa Tứ Giáp, thôn Chùa Nguộn, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên. Trong thư có 6 nội dung nói về “Tư cách người Công an cách mệnh”: “Đối với tự mình: Phải cần kiệm liêm chính; Đối với đồng sự: Phải thân ái giúp đỡ; Đối với Chính phủ: Phải tuyệt đối trung thành; Đối với nhân dân: Phải kính trọng lễ phép; Đối với công việc: Phải tận tụy; Đối với địch: Phải cương quyết khôn khéo”. Bắc Giang vinh dự là nơi khởi nguồn phong trào thực hiện “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”.

Có tài liệu cho biết, trong 10 năm (1955 - 1965), Bác đã có 700 lần xuống cơ sở, tính trung bình mỗi năm Bác đi xuống cơ sở hơn 60 lượt. Không một đất nước nào mà có đến hàng triệu lượt người dân đã được trực tiếp gặp, trực tiếp nghe lãnh tụ của mình nói chuyện.

Hiện nay, cả nước có gần 700 di tích và nhà lưu niệm ở 35 tỉnh, thành phố, ghi dấu cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguyễn Năng Lực

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/tam-guong-dao-duc-hcm/404814/ky-niem-133-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-19-5-mong-manh-ao-vai-hon-muon-truong.html