Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Để thành công trong lãnh đạo, cần kiến tạo và duy trì sự đoàn kết

Một điểm nổi bật trong hai tác phẩm Tuyên ngôn độc lập và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự nhất quán về tư tưởng đề cao sự đoàn kết để có thể hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, phụng sự đất nước.

TS. Nguyễn Văn Đáng. (Ảnh: TGCC)

TS. Nguyễn Văn Đáng. (Ảnh: TGCC)

Bối cảnh đất nước hiện nay đang đặt ra nhu cầu nhận thức mới về những yếu tố tác động, cơ chế và biện pháp kiến tạo, duy trì sự đoàn kết trong Đảng, trong xã hội.

Lãnh đạo kiến tạo đoàn kết

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà chính trị kiệt xuất, được thừa nhận rộng rãi là một vị “lãnh tụ” trong lịch sử hiện đại của nước ta. Vị thế khác biệt của Bác được tạo nên từ nhiều yếu tố như: năng lực và phẩm chất cá nhân, những tư tưởng chính trị - xã hội phù hợp, có sức lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ, cùng những cống hiến trong các hoạt động cách mạng.

Dưới góc nhìn hành động, lãnh đạo là quá trình tác động đến người khác, thu hút sự ủng hộ để cùng thực hiện sự thay đổi tích cực nào đó cho tổ chức, cộng đồng. Dưới góc nhìn vai trò, lãnh đạo là khả năng gây ảnh hưởng, tức là cá nhân sẽ không thể thực hiện vai trò lãnh đạo nếu không gây được ảnh hưởng đến người khác. Vì thế, với bất kỳ nhà lãnh đạo nào, thách thức đầu tiên là phải đề ra được tầm nhìn lãnh đạo và tầm nhìn đó được chia sẻ bởi những người ủng hộ.

Thách thức thứ hai với nhà lãnh đạo là phải kiến tạo được sự gắn kết giữa các lực lượng ủng hộ, duy trì được sự cam kết ủng hộ các mục tiêu lãnh đạo. Nói cách khác, bên cạnh khả năng quy tụ sự ủng hộ, đoàn kết giữa các lực lượng ủng hộ, sự trung thành, gắn kết của những người ủng hộ với các mục tiêu sẽ là những yếu tố quyết định khả năng thành công của mỗi cá nhân trong vai trò lãnh đạo.

Có thể nói, một trong những di sản lãnh đạo nổi bật nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đã kiến tạo được sự đoàn kết trong Đảng, quy tụ được sự ủng hộ bền vững từ các lực lượng xã hội cho các mục tiêu chung của dân tộc Việt Nam. Trong suốt cuộc đời, Bác Hồ luôn nêu rõ quan điểm và cũng là tầm nhìn lãnh đạo: “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Khẩu hiệu có sức lay động, lan tỏa mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, phong trào cách mạng có sự phát triển nhanh chóng.

Để duy trì sự gắn kết, đoàn kết giữa các lực lượng xã hội, Người luôn trân trọng và ghi nhận vị trí, vai trò và khả năng đóng góp của mọi cá nhân, cũng như các lực lượng xã hội khác nhau cho phong trào cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà Bác Hồ là một nhà lãnh đạo chủ chốt, đại diện của các lực lượng xã hội khác nhau không chỉ tham gia chính phủ lâm thời, mà còn cùng lên chiến khu để thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ nhằm hiện thực hóa các mục tiêu cách mạng.

Nhờ xác định được tầm nhìn lãnh đạo thuyết phục và khả năng quy tụ sự ủng hộ, duy trì sự đoàn kết, Bác Hồ có được vị thế và ảnh hưởng vượt trội trong phong trào cách mạng ở nước ta giai đoạn giữa thế kỷ XX. Điều này phần nào được thể hiện qua những cách gọi rất giản dị nhưng đầy trân trọng như “cụ Hồ”.

Một đặc điểm nổi bật, nhất quán trong tư tưởng cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là quan điểm: đoàn kết tạo nên sức mạnh. Muốn thành công trong lãnh đạo thì phải kiến tạo và duy trì được sự đoàn kết. Điều này được thể hiện rõ trong cả hai tác phẩm Tuyên ngôn độc lậpDi chúc khi Bác Hồ đã chỉ ra đoàn kết là một truyền thống bền vững, yếu tố tạo nên sức mạnh cho dân tộc Việt Nam trong các thời kỳ lịch sử khác nhau.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. (Ảnh tư liệu)

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. (Ảnh tư liệu)

Thành công bởi đoàn kết

Trong Di chúc, Bác Hồ đã nhận định: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Quả vậy, nhìn lại lịch sử của đất nước và dân tộc Việt Nam có thể thấy một đặc điểm xuyên suốt các giai đoạn phát triển là chúng ta thường xuyên phải đối diện với hai mối đe dọa mang tính tập thể: đó là họa ngoại xâm và nạn thiên tai.

Có thể nói, chính những đặc điểm lịch sử và tự nhiên nêu trên đã hun đúc ý thức đoàn kết trong tâm trí mọi người dân Việt Nam qua nhiều thế hệ. Bởi một logic đơn giản: nếu không gắn bó, thiếu đoàn kết thì cộng đồng người Việt Nam sẽ không thể vượt qua những thách thức nan giải, những mối đe dọa đối với sự tồn vong của cả một dân tộc, một đất nước.

Cũng có nghĩa, chúng ta có thể khẳng định một sự thật hiển nhiên rằng, một trong những yếu tố then chốt giúp đất nước Việt Nam có được hình hài như ngày hôm nay, dân tộc Việt Nam có được vị thế như hiện nay chính là sự đoàn kết. Được tích lũy và hun đúc qua nhiều thế hệ, đoàn kết đã trở thành một phẩm chất tự giác, có thể trỗi dậy để giúp người Việt Nam gia tăng được sức mạnh cho các nỗ lực chung.

Nắm bắt được một nét đặc trưng trong cốt cách của dân tộc, chính Bác Hồ đã sớm nhìn ra những nguy cơ bắt nguồn từ âm mưu chia rẽ dân tộc, chia tách đất nước của các thế lực ngoại bang. Trong Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ đã chỉ rõ ý đồ thâm độc của thực dân Pháp: “Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết”.

Dứt khoát không để nguy cơ nêu trên trở thành hiện thực, Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!... Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Những diễn biến lịch sử ở nước ta từ sau ngày bản Tuyên ngôn độc lập được công bố đã khẳng định và chứng minh sự đúng đắn trong quan điểm và tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ có sự đoàn kết, nhất trí trên dưới một lòng thì nhân dân Việt Nam mới có thể từng bước giành được những thắng lợi vẻ vang trong quá trình đấu tranh cách mạng, giành lại nền độc lập và thống nhất cho đất nước, cho dân tộc.

Cũng hơn ai hết, Bác Hồ là người nhận thức rõ tầm quan trọng của đoàn kết đối với năng lực lãnh đạo và sức mạnh của Đảng. Trong Di chúc, Bác chỉ ra: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Nhận thức của Người về tầm quan trọng đặc biệt của sự đoàn kết trong tổ chức Đảng còn thể hiện qua nhận định trước những diễn biến tiêu cực trong quan hệ giữa các Đảng cộng sản trên thế giới tại thời điểm viết di chúc. Bác Hồ bày tỏ sự đau lòng trước “sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em” và mong muốn “khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em”.

Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của sự đoàn kết trong Đảng, Bác Hồ còn ví “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Điều này có nghĩa, nếu trong Đảng thiếu sự đoàn kết thì năng lực và sức mạnh của Đảng sẽ bị suy giảm nghiêm trọng, cũng giống như con người bị thiếu đi một bộ phận then chốt của cơ thể, trở thành người tàn phế.

Bên cạnh tiếp tục sự nghiệp cách mạng để thống nhất đất nước, Di chúc của Bác Hồ cũng đã nêu ra những nhiệm vụ mới: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Để thực hiện được các nhiệm vụ mới này, theo Bác Hồ thì chúng ta không thể thiếu sự đoàn kết: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Di chúc Bác Hồ. (Nguồn: hochiminh.vn)

Di chúc Bác Hồ. (Nguồn: hochiminh.vn)

Đoàn kết để phụng sự

Có thể thấy, khi Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập thì dân tộc Việt Nam vẫn đang bị thống trị bởi các thế lực ngoại bang. Còn khi Bác viết Di chúc thì đất nước vẫn đang bị chia cắt, chưa được thống nhất. Cũng vì thế, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước đã trở thành đặc trưng bối cảnh không chỉ thúc đẩy nhu cầu về sự đoàn kết mà còn có thể gia tăng sức thuyết phục cho tư tưởng của Bác Hồ về sự đoàn kết trong Đảng, cũng như trong xã hội.

Tuy nhiên, bối cảnh đất nước ta hiện nay đang gợi ra ba đặc điểm mới có thể ảnh hưởng đến sự đoàn kết.

Thứ nhất, Đảng đảm nhiệm cả hai vai trò “lãnh đạo và cầm quyền”. “Đảng ta là một Đảng cầm quyền” là một thực tế đã được Bác Hồ chỉ ra trong Di chúc. Có nghĩa là, Đảng không còn chỉ là một tổ chức chính trị mà đã có thêm chính quyền để thực hiện các mục tiêu lãnh đạo. Các đảng viên không chỉ là những nhà cách mạng mà còn có thể đảm nhiệm các chức vị trong hệ thống chính quyền.

Thứ hai, Việt Nam hiện nay đang phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự công nhận và bảo vệ các lợi ích cá nhân, nhóm là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời có thể khuyến khích sự vị kỷ, ích kỷ trong mỗi cá nhân.

Thứ ba, tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng sẽ gia tăng sự tiếp xúc với các tư tưởng mới, từ đó thúc đẩy sự hình thành nhiều quan điểm khác nhau trước các vấn đề chung của đất nước.

Sự tổng hòa của cả ba đặc trưng bối cảnh nêu trên đang tạo ra sự đa dạng về lợi ích, tư tưởng và xã hội ở nước ta hiện nay. Khác với sự đồng nhất cao về cả ba yếu tố nêu trên trong các giai đoạn đấu tranh cách mạng trước đây, chính sự đa dạng hiện nay đang trở thành một thách thức mới đối với sự đoàn kết, cả trong phạm vi tổ chức Đảng cũng như trên quy mô cộng đồng.

Ngay từ khi cả dân tộc vẫn đang đoàn kết chặt chẽ và dồn mọi nguồn lực cho nhiệm vụ thống nhất đất nước, Bác Hồ đã nhìn ra những nguy cơ tiềm ẩn cho sự xa rời lợi ích chung, gây mất đoàn kết. Mặc dù không trực tiếp viết ra nhưng những lo lắng của Bác phần nào thể hiện qua những lời căn dặn trong Di chúc: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Thực tế đất nước trong những thập niên đầu thế kỷ XXI cho thấy những mối quan tâm, lo lắng của Bác Hồ về các nguy cơ khi Đảng cầm quyền là hoàn toàn có cơ sở. Số lượng cán bộ các cấp bị xử lý, thậm chí bị truy tố trước pháp luật trong những năm gần đây gợi ra rằng đã có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã thiếu ý thức trách nhiệm, xa rời bổn phận phục vụ nhân dân và phụng sự đất nước.

Hệ lụy thấy rõ từ sự gia tăng số lượng cán bộ tiêu cực không chỉ ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, có thể gây ra sự mất đoàn kết trong Đảng cũng như sự gắn kết giữa Đảng với nhân dân, mà nghiêm trọng hơn cả là nguy cơ thất bại của các mục tiêu lãnh đạo phát triển đất nước. Chính vì thế, bối cảnh hiện nay đang đặt ra nhu cầu về nhận thức mới, tư duy mới về đoàn kết để có thể vận dụng và phát huy giá trị tư tưởng đúng đắn của Bác Hồ.

Chúng ta cần nhận thức rằng, kiến tạo sự đoàn kết trong bối cảnh hòa bình, đảng cầm quyền, kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với thời kỳ đấu tranh để giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Rõ ràng, Đảng cộng sản Việt Nam đang đứng trước thách thức không chỉ phải đề ra được tầm nhìn lãnh đạo truyền cảm hứng, quy tụ sự ủng hộ rộng rãi, mà cả áp lực về cơ chế, biện pháp kiến tạo và duy trì sự đoàn kết trong bối cảnh mới.

TS. Nguyễn Văn Đáng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ky-niem-134-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-de-thanh-cong-trong-lanh-dao-can-kien-tao-va-duy-tri-su-doan-ket-271574.html