Kỷ niệm 29 năm 'Ngày Biên phòng toàn dân' và 59 năm Ngày truyền thống Bộ đội biên phòng

Ngày 22-02-1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 16/HĐBT lấy ngày 03-3 hàng năm là 'Ngày Biên phòng'; Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 3 (tháng 6 năm 2003) đã thông qua Luật Biên giới quốc gia trong đó quy định ngày 03-3 hàng năm là 'Ngày Biên phòng toàn dân'. Gần 30 năm thực hiện 'Ngày Biên phòng toàn dân', các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã có nhiều cố gắng xây dựng khu vực biên giới phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh; phòng tuyến nhân dân bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới ngày càng vững mạnh.

Thủ tướng chỉ thị sơ kết thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 42/CT-TTg về việc tổ chức sơ kết thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” giai đoạn 2009 - 2019.

Chỉ thị nêu rõ: Qua gần 30 năm triển khai thực hiện chủ trương “Ngày Biên phòng toàn dân”, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã có nhiều cố gắng xây dựng khu vực biên giới phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh; phòng tuyến nhân dân bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới ngày càng vững mạnh. Các cuộc vận động hướng về biên giới, hải đảo được triển khai rộng khắp trong cả nước, huy động được nguồn lực to lớn giúp đỡ các xã vùng biên giới, ven biển, hải đảo, các đồn, trạm biên phòng, động viên kịp thời cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc ở biên giới, hải đảo khắc phục khó khăn thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong mọi tình huống. Ngày 03-3 hàng năm đã trở thành ngày Hội động viên đồng bào các dân tộc ở biên giới, hải đảo và nhân dân cả nước tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới vững mạnh với tinh thần “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”.

Để tăng cường xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển với các nước; tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành chỉ đạo tổ chức sơ kết thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” giai đoạn 2009 - 2019 nhằm đánh giá những việc đã làm được và những việc chưa làm được; làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó xác định rõ nội dung, chương trình, biện pháp thực hiện trong những năm tiếp theo.

Bảo vệ vững chắc vùng biên giới biển

Thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” giai đoạn 2009 - 2019, thế trận biên phòng của tỉnh Bạc Liêu ngày càng được củng cố toàn diện, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, bảo vệ vững chắc vùng biên giới biển ở địa phương.

Nhiều năm qua, Ngày Biên phòng toàn dân hàng năm đã trở thành Ngày hội động viên toàn dân tham gia, sát cánh cùng Bộ đội Biên phòng xây dựng và bảo vệ biên giới vững mạnh. Địa phương đã huy động được nguồn lực lớn giúp đỡ các xã vùng ven biển của tỉnh khắc phục khó khăn về hạ tầng giao thông và tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế.

Tiêu biểu như phong trào “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, chiến dịch “Hãy làm sạch biển” và chương trình “Nâng bước em tới trường”. Hiệu quả của các phong trào, hoạt động trên góp phần thắt chặt mối quan hệ máu thịt quân với dân khu vực biên phòng. Thế trận Biên phòng toàn dân ngày càng được củng cố vững chắc với phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong bảo vệ an ninh biên giới quốc gia.

Đại tá Lưu Hoàng Hà, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bạc Liêu cho biết, việc thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân còn tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa các Đồn Biên phòng với chính quyền, nhân dân địa phương nơi lực lượng đóng quân. Thế trận biên phòng toàn dân được củng cố ở việc những người lính mang quân hàm xanh luôn là lực lượng nòng cốt cho các hoạt động, phong trào của địa phương, cơ sở. Bên cạnh đó, thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân vùng biên giới biển, ngư dân góp phần giữ vững an ninh, trật tự vùng biên giới biển.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, nhờ thực hiện tốt Ngày Biên phòng toàn dân, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và tổ chức đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch bảo vệ vững chắc vùng biên giới biển. Trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và ứng phó khi có tình huống xảy ra, Bộ đội Biên phòng Bạc Liêu thực sự là chỗ dựa vững chắc cho chính quyền, nhân dân, nhất là người dân vùng biên giới biển.

Bạc Liêu là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng Sông Cửu Long, có chiều dài bờ biển hơn 56km, với 10 xã, phường, thị trấn ven biển. Đây là địa bàn khu vực biên giới biển do Bộ đội Biên phòng tỉnh Bạc Liêu phụ trách quản lý. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, thực sự là lá chắn thép cho vùng biên giới biển, Bộ đội Biên phòng Bạc Liêu xác định, thế trận biên phòng toàn dân là vũ khí sắc bén, quan trọng. Ngày Biên phòng toàn dân là phương thức hiệu quả trong huy động sức mạnh toàn dân vào việc bảo vệ vững chắc vùng biên giới biển.

Điểm sáng thực hiện phong trào “Thi đua Quyết thắng”

Phong trào “Thi đua Quyết thắng” được cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả, tạo khí thế sôi nổi, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Thượng tá Vương Quang Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị cho biết: Đồn có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới dài gần 4 km và tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc.

Xác định là địa bàn trọng điểm về giao thương giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, trong thời gian tới cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng của khẩu Quốc tế Hữu Nghị xác định tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại biên phòng, công tác tuần tra song phương với nhiều hoạt động như gặp gỡ, hội đàm, trao đổi thông tin, phối hợp trong công tác quản lý biên giới; tổ chức các hoạt động giao lưu, chúc mừng nhân các dịp lễ, Tết của hai bên, qua đó góp phần tăng cường tình đoàn kết, không ngừng củng cố, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển.

Xác định địa bàn quản lý luôn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp của các loại tội phạm như xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, hàng cấm, hàng giả… Ban Chỉ huy Đồn tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, chiến sỹ thường xuyên làm tốt công tác nắm tình hình, tuần tra kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn nhằm bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới do Đồn phụ trách.

Với mục tiêu thi đua "Xây dựng đơn vị mẫu mực trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia", năm qua đơn vị đã xây dựng, bổ sung đầy đủ các loại văn kiện tác chiến, luyện tập các phương án chiến đấu bảo vệ đồn, trạm theo kế hoạch. Đồn thường xuyên tổ chức tuần tra, quan sát, bảo vệ biên giới; phối hợp với cấp ủy, chính quyền phát động phong trào quần chúng tham gia tố giác tội phạm; tuyên truyền, vận động các hộ gia đình có đất canh tác giáp biên ký kết, phối hợp với Bộ đội Biên phòng quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc.

Thực hiện mô hình “Một cửa, một điểm dừng” tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, đơn vị tổ chức tập huấn cho cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ nắm chắc quy trình, thủ tục các đối tượng thuộc diện cấm xuất, cấm nhập; sử dụng thành thạo các loại trang thiết bị kỹ thuật được trang bị. Cán bộ, chiến sỹ có tác phong làm việc nhanh nhẹn, hoạt bát, thái độ làm việc vui vẻ, hòa nhã, lịch sự; đảm bảo chặt chẽ về thủ tục pháp lý, không gây phiền hà cho khách, thông thoáng về cơ chế và không để lọt tội phạm.

Với tinh thần “Nhanh nhẹn, hoạt bát trong thực hiện nhiệm vụ; niềm nở, kính trọng nhân dân; lịch thiệp với khách quốc tế; thân thiện với doanh nghiệp; kiên quyết với tội phạm”, trong 2 tháng đầu năm 2018, đơn vị đã làm thủ tục xuất nhập cảnh cho trên 316 nghìn lượt người, tuyên truyền người dân qua lại khu vực biên giới, cửa khẩu, chấp hành nghiêm mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thực hiện phương châm “ba bám, bốn cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám nhân dân; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào), cán bộ, chiến sỹ của Đồn luôn tích cực làm dân vận, tham gia xây dựng cơ sở, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị, xã hội vận động, giúp đỡ nhân dân.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, đơn vị tổ chức thăm hỏi, tặng 54 suất quà, trị giá 16 triệu đồng cho gia đình chính sách, hộ nghèo, bí thư chi bộ, trưởng khu trên địa bàn và hộ gia đình có đất canh tác giáp biên giới, phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc.

Qua thực hiện phong trào thi đua, 7 năm liền (2011 - 2017), Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”.

Bộ đội Biên phòng- Người bạn chí tình của ngư dân

Quản lý địa bàn rộng với lượng tàu thuyền đánh cá các loại của ngư dân lên đến hàng nghìn chiếc, Thượng tá Trần Văn Ba, Đồn trưởng Đồn biên phòng Hội An, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam chia sẻ: Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển đảo, Bộ đội Biên phòng Quảng Nam luôn là chỗ dựa vững chắc để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Không riêng đồn biên phòng Hội An, để thực hiện chức trách của mình, cán bộ, chiến sĩ biên phòng tuyến biển Quảng Nam thường xuyên tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành tốt luật pháp Việt Nam và quốc tế để đảm bảo việc làm ăn trên biển luôn bình thường, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.

Là thuyền trưởng tàu đánh cá có công suất trên 900 CV, thường xuyên tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ biên phòng mỗi khi xuất bến hay khi gặp sự cố trên biển, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu QNa 90659TS Trần Tấn Sinh, xã Tam Giang, huyện Núi Thành tâm sự: Chúng tôi được các cơ quan chức năng như Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư, Hải quân thường xuyên giúp đỡ nên rất yên tâm. Mỗi khi gặp sự cố trên biển, chúng tôi liên lạc với các Trạm trực canh ven bờ của Bộ đội Biên phòng để được hướng dẫn hỗ trợ một cách kịp thời và có hiệu quả. Khi gặp bão tố giữa muôn trùng sóng nước, nếu không có sự hướng dẫn của các Trạm trực canh ven bờ của Bộ đội Biên phòng thì ngư dân sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đưa phương tiện tìm đến nơi trú ẩn an toàn. Nhờ có sự giúp đỡ kịp thời của Bộ đội Biên phòng nên trong mỗi cơn bão trên biển, ngư dân tìm được nơi trú ẩn an toàn cả về tính mạng lẫn tài sản.

Ngư dân Huỳnh Văn Khôi, thuyền trưởng tàu cá QNa 95122 TS kiêm Tổ trưởng tổ đoàn kết trên biển thuộc xã Tam Quang, huyện Núi Thành chia sẻ: chúng tôi được các cơ quan chức năng như Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư, Hải quân thường xuyên giúp đỡ nên rất yên tâm. Khi tàu thuyền bị sự cố máy móc hay bị tàu nước ngoài uy hiếp, ngư dân liên lạc với Bộ đội Biên phòng, được lực lượng liên lạc với các cơ quan chức năng để kịp thời giúp đỡ. Hiện tại ngư dân huyện Núi Thành có 2.310 chiếc tàu thuyền các loại, trong đó có 355 tàu cá công suất từ 90 CV đến dưới 400 CV; 206 chiếc có công suất từ 400CV đến 1.100 CV chuyên hành nghề dài ngày ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa truyền thống. Khai thác hải sản xa bờ đã thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Trong quá trình làm ăn dài ngày trên biển, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước về nhiên liệu, về chi phí bảo hiểm con người và phương tiện, lực lượng Bộ đội Biên phòng là những người bạn chí tình, luôn đồng hành và có mặt kịp thời trong những lúc ngư dân gặp khó khăn trên biển.

Nhờ có sự giúp đỡ có hiệu quả của Nhà nước về nguồn vốn cộng với sự đồng hành hỗ trợ của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, nghề đánh bắt thủy hải sản xa bờ của tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Núi Thành nói riêng không ngừng phát triển. Hơn 2 năm qua, ngư dân tỉnh Quảng Nam đã đóng mới và hạ thủy trên 70 chiếc tàu có công suất từ 820 CV đến 1.100 CV để bổ sung vào đội tàu đánh bắt xa bờ. Bên cạnh việc đóng mới tàu có công suất lớn, để tăng cường khả năng bám biển dài ngày, tỉnh Quảng Nam đã thành lập nghiệp đoàn nghề cá và tổ đội đoàn kết đánh bắt trên biển ở tất cả các xã ven biển. Những tổ đội đoàn kết thuộc các nghiệp đoàn nghề cá của ngư dân luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ lực lượng Bộ đội Biên phòng trong việc trao đổi kinh nghiệm, kịp thời hỗ trợ nhau khi gặp khó khăn, giúp ngư dân yên tâm hơn khi ra khơi.

Giúp đỡ ngư dân phát triển mô hình tổ đội tàu thuyền đoàn kết trên biển nhằm tương trợ lẫn nhau trong quá trình hành nghề, kịp thời hỗ trợ và giúp đỡ khi ngư dân gặp nạn và thường xuyên tuyên truyền về chính sách pháp luật của Nhà nước cho ngư dân trong quá trình làm ăn trên biển là nhiệm vụ thường xuyên của Bộ đội Biên phòng Quảng Nam. Với những việc làm của mình, Bộ đội Biên phòng Quảng Nam luôn luôn là những người bạn chí tình của ngư dân.

Chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo vùng biên

Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai có hiệu quả chương trình "Nâng bước em đến trường" giúp hàng trăm em hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến trường, chắp cánh ước mơ cho các em. Hành trình tìm chữ của các em từ vùng núi xa xôi cho đến vùng biển luôn có điểm tựa vững chắc nơi người lính Cụ Hồ.

Chương trình "Nâng bước em đến trường” nhận đỡ đầu những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn do Bộ đội Biên phòng Việt Nam phát động từ năm 2014. Thực hiện chương trình này, Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế đã phát động trong toàn thể cán bộ, chiến sỹ và chọn Đoàn Thanh niên làm lực lượng nòng cốt. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã phát động chương trình đến các đơn vị, cá nhân để nhận đỡ đầu. Thủ trưởng Bộ Chỉ huy, các đơn vị trực thuộc nhận đỡ đầu ít nhất hai em có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó vươn lên trong học tập, hỗ trợ mỗi cháu 500.000 đồng/tháng. Các đồn Biên phòng tuyến núi nhận đỡ đầu thêm ít nhất một học sinh của nước bạn Lào.

Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, huyện A Lưới là đơn vị đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình "Nâng bước em đến trường". Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn nhiều khó khăn. Nhiều em học sinh không có điều kiện đến trường hoặc có nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng. Để nối dài con đường đến trường của các em, đơn vị đã triển khai thực hiện Chương trình "Nâng bước em đến trường". Nhiều chiến sỹ trẻ tự nguyện nhận đỡ đầu và trích từ đồng lương ít ỏi của mình hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Thiếu úy Võ Văn Vinh, cán bộ Đội vận động quần chúng đã nhận đỡ đầu cháu Viên Xuân Hôm, học sinh lớp 4/1, Trường Tiểu học A Đớt. Hoàn cảnh gia đình cháu Hôm rất khó khăn, bố bị mất sức lao động, gia đình 6 miệng ăn do một tay mẹ cháu Hôm gánh vác. Biết được hoàn cảnh của Hôm, Thiếu úy Vinh đã mạnh dạn đề xuất với đơn vị được giúp đỡ, kém cặp cháu Hôm trong học tập và hỗ trợ 500.000 đồng/tháng. Ngoài việc giúp đỡ cháu, Thiếu úy Võ Văn Vinh còn vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện để giúp đỡ đồng bào còn khó khăn nơi biên giới. Đến nay, anh đã vận động, trao tận tay bà con và các em học sinh khoảng 40.000 bộ quần áo, 2.000 cuốn vở, hàng trăm dụng cụ học tập cho học sinh...

Những việc làm thiết thực của anh Vinh đã dấy lên phong trào thi đua nhận giúp đỡ các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn trong mỗi cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt. Hiện nay, đơn vị đã nhận đỡ đầu thường xuyên cho 12 cháu, mỗi cháu 500.000 đồng/tháng, từ nguồn đóng góp của các cán bộ, chiến sỹ.

Không chỉ giúp đỡ những học sinh nghèo trong tỉnh, Chương trình "Nâng bước em đến trường" của Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế còn tiếp sức cho các em học sinh khó khăn nước bạn Lào ở các thôn, bản sát biên giới có điều kiện tới trường. Nghĩa cử cao đẹp này đã vun đắp thêm tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt, gắn bó keo sơn giữa nhân dân hai nước Việt - Lào. Tiêu biểu, Đồn Biên phòng Nhâm đang đỡ đầu cho ba học sinh ở bản Sê Sáp, huyện Ka Lừm, tỉnh Sê Kông, nước bạn Lào. Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt nhận đỡ đầu ba cháu thuộc gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Ka Lô, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, trợ giúp mỗi cháu 500.000 đồng/tháng.

Đồng hành cùng Chương trình "Nâng bước em đến trường" của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã nhận đỡ đầu 10 cháu học sinh ở địa bàn biên giới tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong đó có 7 cháu học sinh thuộc huyện A Lưới và 3 cháu của nước bạn Lào.

Cùng với nhiệm vụ đảm bảo chủ quyền an ninh vùng biên giới, những chiến sỹ mang quân hàm xanh chung tay ươm những ước mơ xanh, ước mơ đến lớp của những trẻ em nghèo đã trở thành hiện thực. Chương trình "Nâng bước em đến trường" không chỉ tạo động lực cho các em vươn lên trong học tập, giúp người dân quan tâm hơn đến sự học của con em, mà còn thắt chặt, gắn bó tình cảm quân dân ở vùng biên giới./.

Thanh Hòa tổng hợp

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/an-ninh-quoc-phong/2018/49688/ky-niem-29-nam-ngay-bien-phong-toan-dan-va-59-nam.aspx