Kỷ niệm 30 năm ngày tái lập: Thừa Thiên - Huế đón Huân chương Độc Lập Hạng Nhất

Sáng ngày 17/8, tại Thành phố Huế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày tái lập và đón nhận Huân chương Độc Lập Hạng Nhất.

Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương Độc Lập Hạng Nhất cho lãnh đạo Thừa Thiên - Huế.

Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương Độc Lập Hạng Nhất cho lãnh đạo Thừa Thiên - Huế.

Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Thuận và thành phố Đà Nẵng tham dự.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã biểu dương công lao thành tích của quân, dân Thừa Thiên - Huế, đặc biệt là sau 30 năm kể từ ngày tái lập tỉnh đã vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng quê hương Thừa Thiên - Huế đạt nhiều thành tựu đáng tự hào.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong đấu tranh cách mạng, nhân dân Thừa Thiên - Huế với tinh thần “Tấn công-nổi dậy-anh dũng-kiên cường” đã lập nên một Thừa Thiên - Huế anh hung thì ngày nay tinh thần đó phải được thể hiện ở sự đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo để xây dựng xây dựng quê hương Thừa Thiên - Huế giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng-an ninh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới Thừa Thiên - Huế cần tiếp tục đổi mới tư duy, đề cao tính sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành; khai thác phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, chú trọng tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế tri thức; phát triển mạnh các thành phần kinh tế, quan tâm phát triển kinh tế tư nhân thật sự trở thành động lực quan trọng tạo đột phá trong phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh, đặc biệt là trong nghành kinh tế mũi nhọn mà Thừa Thiên - Huế có lợi thế;

Tiếp tục xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành đô thị di sản văn hóa sinh thái, cảnh quan , thân thiện môi trường theo Kết luân 48 và Thông báo số 175 của Bộ Chính trị; đồng thời làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn tôn tạo bảo vệ phát huy di sản cố đô Huế,mà trọng tâm trước mắt là di dời các hộ dân ở khu vực I Kinh thành Huế…

Quang cảnh buổi lễ.

Từ một địa phương nghèo khó và liên tiếp hứng chịu nhiều hậu quả thiên tai, đặc biệt là trận lũ lịch sử năm 1999, nhưng sau 30 năm bền bỉ phấn đấu, ngày nay hạ tầng kinh tế-xã hội Thừa Thiên - Huế không ngừng được cải thiện.

Đặc biệt là hệ thống giao thông góp phần chấm dứt sự chia cắt giữa các vùng; đã hình thành các Trung tâm: văn hóa du lịch đặc sắc của cả nước, y tế chuyên sâu, khoa học-công nghệ, giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

So với năm 2019 đến nay quy mô nền kinh tế Thừa Thiên - Huế tăng 7,2 lần, tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2018 dạt 40,8 triệu đồng, gấp 81,6 lần so với năm 1990. Thu ngân sách năm 2018 đạt gần 7.800 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 5,3%.

Thành tựu sau 30 năm tái lập tỉnh đã tạo cơ hội để Thừa Thiên - Huế hội nhập và phát triển.

Hữu Thu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chinh-tri/ky-niem-30-nam-ngay-tai-lap-thua-thien-hue-don-huan-chuong-doc-lap-hang-nhat-tintuc444990