Kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot (7-1): Tô thắm tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia

45 năm trước, đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot (7-1-1979 - 7-1-2024) - chiến thắng này ghi dấu ấn về mối quan hệ đặc biệt, tình đoàn kết chiến đấu của quân dân 2 nước mãi không phai mờ.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 88 nghe các cựu chiến binh H.Cẩm Mỹ kể chuyện truyền thống về Đoàn 125. Ảnh: N.Hà

Đặc biệt, với các cựu chiến binh (CCB) từng một thời tận tâm “giúp bạn như giúp mình” thì Khu Di tích Đoàn 125, ấp Suối Râm, xã Long Giao, H.Cẩm Mỹ (nay là KP.Suối Râm, TT.Long Giao, H.Cẩm Mỹ) - địa điểm thành lập lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia những ngày này trở thành nơi ôn lại kỷ niệm khó quên của một thời vào sinh, ra tử.

* Biểu tượng của tình đoàn kết

Theo các tài liệu lịch sử, 45 năm trước, theo yêu cầu của lực lượng cách mạng Campuchia, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam giao cho Quân khu 7 thành lập một đơn vị làm nhiệm vụ giúp đỡ những người bạn Campuchia sang Việt Nam lánh nạn. Tháng 9-1977, Tư lệnh Quân khu 7 ra quyết định thành lập khung tiếp nhận cán bộ, chiến sĩ Campuchia, có nhiệm vụ đón tiếp, giúp đỡ bạn về nơi ăn, chỗ ở; đồng thời, giúp bạn tổ chức, quản lý, huấn luyện những cán bộ, chiến sĩ và người yêu nước Campuchia trở thành LLVT cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia.

Theo Chủ tịch Hội CCB H.Cẩm Mỹ Đào Ngọc Sơn - người trực tiếp tuyển quân và hỗ trợ huấn luyện cho Đoàn 125, trên cơ sở được chuyên gia Việt Nam giúp, ngày 12-5-1978, LLVT cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia được thành lập tại KP.Suối Râm do ông Hun Sen, cựu Thủ tướng Campuchia làm chỉ huy.

“Đây là đơn vị tiền thân của Quân đội cách mạng Campuchia, đánh dấu sự phát triển mới của LLVT cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia; đáp ứng yêu cầu tất yếu của lịch sử, mang tính bước ngoặt quyết định thắng lợi cuộc đấu tranh của nhân dân Campuchia” - ông Sơn nhấn mạnh.

Cùng các lực lượng chức năng, Đoàn 125 đã phát triển thành quân đội hùng mạnh, lật đổ chính quyền Pol Pot, giải phóng nhân dân và đất nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã có 49 chiến sĩ của Đoàn 125 hy sinh.

Đến cuối năm 2023, thông qua mối quan hệ hữu nghị hai bên và thể theo tâm nguyện của bạn, hài cốt các chiến sĩ Campuchia tại Khu Di tích Đoàn 125 đã được hồi hương về nước…

Tội ác diệt chủng được phơi bày

Để giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh đất nước, suốt nhiều năm liền, Việt Nam đã chịu sự lên án, vu khống của một số quốc gia, tổ chức quốc tế và một số tổ chức của người Khmer.

Ngày 16-11-2018, Tòa án đặc biệt tại Tòa án Campuchia (ECCC) dưới sự hỗ trợ của quốc tế thông qua LHQ đã tuyên án chung thân đối với 2 cựu lãnh đạo Pol Pot là Nuon Chea và Khieu Samphan trong vụ án 002/02, bao gồm tội danh “diệt chủng” người Chăm theo đạo Hồi và người Việt.

Phát biểu sau phán quyết này, ông Neth Pheaktra, Người phát ngôn tòa sơ thẩm của ECCC cho biết: “Phán quyết ngày 16-11-2018 sẽ là một sự kiện lịch sử đối với ECCC, cho Campuchia, cho thế giới và cho cả công lý quốc tế”. Như vậy là phải 40 năm sau khi chế độ Campuchia Dân chủ sụp đổ, Tòa án quốc tế xét xử những tên cầm đầu Pol Pot mới được tiến hành, và bản cáo trạng mới được công bố. Tội ác diệt chủng, chống lại loài người của tập đoàn Pol Pot đã bị phơi bày trên những căn cứ pháp lý, những kẻ đầu sỏ gây ra tội ác đã bị kết án.

Hồng Phúc

* Giáo dục truyền thống cách mạng

Trung tá Đỗ Ngọc Tú, Phó chính ủy Trung đoàn 88 cho biết, là đơn vị được giao quản lý, chăm sóc Khu Di tích Đoàn 125, nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ đơn vị rất vinh dự khi được sống ngay trên vị trí có di tích lịch sử. Đây chính là phương pháp giáo dục truyền thống tốt nhất, trực quan, sinh động nhất ngay tại nơi rèn luyện, huấn luyện, nhất là với chiến sĩ mới.

Vào tháng 1-2012, dưới sự chủ trì của nguyên Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Khu Di tích lịch sử địa điểm thành lập Đoàn 125 được khánh thành và Bộ VH-TTDL Việt Nam đã cấp bằng công nhận là Khu Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.

Trong chuyến thăm Khu Di tích Đoàn 125 năm 2015, cố vấn của cựu Thủ tướng Campuchia Hunsen, ông Keo Ba Phnum đã xúc động chia sẻ: “Việc Chính phủ Việt Nam thành lập Khu Di tích 125 để ghi nhớ những chiến sĩ, những người con của dân tộc Campuchia đã hy sinh trên đất nước Việt Nam như chính những người thân yêu của mình, thể hiện truyền thống đoàn kết, tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia không gì có thể so sánh”.

Nhà lưu niệm Khu Di tích Đoàn 125 hiện trưng bày, lưu giữ nhiều hiện vật, hình ảnh liên quan đến quá trình hình thành, phát triển của LLVT cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia. Mỗi năm, khu di tích đón hàng trăm đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm viếng, dâng hương. Đây cũng là nơi để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của tỉnh Đồng Nai cũng như của hai nước, góp phần không ngừng củng cố và gắn kết mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai dân tộc.

Chiến sĩ Bàn Hữu Nam, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 88 cho hay: “Tôi thật vinh dự khi là chiến sĩ của đơn vị được chăm sóc khu di tích đặc biệt; qua đây, chúng tôi luôn được giáo dục truyền thống ngay tại đây. Vì thế, mỗi chiến sĩ phải có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ để khu di tích tiếp tục trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay, mai sau; tiếp tục củng cố tình hữu nghị hai nước ngày càng tốt đẹp”.

Nguyệt Hà

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202401/ky-niem-45-nam-ngay-chien-thang-che-do-diet-chung-pol-pot-7-1-to-tham-tinh-doan-ket-huu-nghi-viet-nam-campuchia-c094536/