Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4): Dũng cảm trong thời chiến, gương sáng trong thời bình

Đây là phẩm chất đáng quý của cựu chiến binh (CCB) Lâm Cảnh Cần (ngụ ấp Võ Dõng 2, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất). Thời gian qua, ông Cần luôn nêu cao phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tích cực góp sức xây dựng quê hương Đồng Nai ngày càng phát triển và trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Ông Lâm Cảnh Cần (trái) chia sẻ về những câu chuyện thời chiến tranh khốc liệt cho các hội viên Hội Cựu chiến binh xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất). Ảnh: A.Nhơn

Nhớ mãi ký ức hào hùng

Một ngày giữa tháng 4-2024, chúng tôi theo chân đoàn cán bộ Hội CCB xã Gia Kiệm đến thăm gia đình ông Lâm Cảnh Cần. Điều tạo ấn tượng đầu tiên cho chúng tôi là ông Cần còn trẻ, khỏe hơn rất nhiều so với tuổi 75 của ông.

Ông Cần chia sẻ: “Trong thời kháng chiến chống Mỹ, tôi đã bị thương đến 7 lần với tỷ lệ thương tật 21% và hiện vẫn còn mảnh bom đạn nằm trong cơ thể. Thế nhưng, tôi vẫn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, vượt khó, lạc quan. Tôi luôn quan tâm đến chế độ ăn uống, dinh dưỡng cho đảm bảo; đồng thời, thường xuyên rèn luyện sức khỏe bằng việc chăm chỉ lao động, làm rẫy, chăm sóc vườn hoa và tập thể dục đều đặn mỗi ngày”.

Ông Lâm Cảnh Cần kể, ông sinh ra và lớn lên ở huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông đã tình nguyện đăng ký đi bộ đội vào tháng 3-1967 tại đơn vị Tiểu đoàn 8 (thuộc Trung đoàn 66, Sư đoàn 304). Sau khi được huấn luyện 6 tháng tại Thanh Hóa, đơn vị của ông được điều đi chiến đấu tại các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng… Ông đã tham gia nhiều trận chiến khốc liệt và nhiều đồng đội của ông đã lần lượt hy sinh ở các chiến trường này.

Chủ tịch Hội CCB xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) ĐỖ THẾ PHONG nhận xét, ông Lâm Cảnh Cần là tấm gương sáng vượt khó vươn lên trong cuộc sống, giúp ích cho đời. Ngoài làm kinh tế giỏi và nuôi dạy các con ăn học thành tài, ông Cần còn tích cực tham gia công tác hội, thường xuyên thăm hỏi, động viên những gia đình thương binh, liệt sĩ và giúp đỡ cho những hộ nghèo khó trên địa bàn. Ngoài ra, gia đình ông còn nhiệt tình tham gia các chương trình xây dựng nông thôn mới do địa phương phát động.

“Trong một lần tham gia trận đánh ở tỉnh Quảng Nam, tôi đã bị thương rất nặng, một mảnh đạn ghim sâu vào gần phổi, máu chảy rất nhiều, khiến tôi khó thở và nhiều lần ngất xỉu. Tôi được các đồng đội đưa đi cấp cứu kịp thời và được đội ngũ y, bác sĩ tận tình cứu chữa nên vượt qua cơn nguy kịch. Sau 6 tháng chữa lành vết thương, tôi tình nguyện sát cánh cùng đồng đội để tiếp tục tham gia các trận chiến” - ông Cần cho biết.

Sau khi nhiều tỉnh khu vực miền Trung lần lượt được giải phóng, Trung đoàn 66 nhận lệnh hành quân “miền Nam thẳng tiến”. Nhiệm vụ của đơn vị ông Cần là đánh thọc sâu vào tận Sài Gòn chứ không tham gia các trận đánh ở các địa phương khác. Do vậy, khi Trung đoàn 66 vào địa phận Đồng Nai đã được lực lượng các đơn vị khác hỗ trợ dẫn đường nhằm bảo toàn lực lượng tiến thẳng vào Sài Gòn.

Đến trưa 30-4-1975, các tiểu đoàn của Trung đoàn 66 lần lượt đánh chiếm các khu vực quan trọng của Sài Gòn như: Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, Tổng nha Cảnh sát, Quân cảng… góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Niềm vui lúc bấy giờ của tôi là hướng về quê nhà và mong sớm trở về để gặp vợ con. Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam sau đó đã ra lời kêu gọi các chiến sĩ bộ đội (những người đã kết nạp Đảng và có trình độ kiến thức) tiếp tục ở lại để tăng cường cho các địa phương miền Nam. Tôi được phân công làm nhiệm vụ tại Đồng Nai… Qua thời gian sinh sống và làm việc, nhận thấy Đồng Nai là vùng đất đáng sống nên tôi quyết định đưa vợ và các con vào đây ở ổn định cho đến nay” - ông Cần chia sẻ.

Nỗ lực đóng góp cho địa phương

Theo ông Cần, thời gian đầu về nhận nhiệm vụ tại Đồng Nai, ông được phân công vào lực lượng quân quản để hàng ngày đi tuần tra, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn huyện Thống Nhất. Ngoài giờ làm việc tại cơ quan, ông còn phải xuống địa bàn để làm công tác dân vận, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân.

Khi tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cơ bản ổn định, ông Cần được lãnh đạo tạo điều kiện cho đi học các lớp chuyên sâu về nghiệp vụ chuyên môn để về phục vụ tại địa phương. Ông được phân công nhiệm vụ ở nhiều vị trí như: Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Thống Nhất phụ trách mảng tuyên truyền và kiêm Trưởng Đài Truyền thanh huyện; Trưởng phòng Tôn giáo - dân tộc huyện; Bí thư xã Quang Trung; Chủ tịch UBND xã Quang Trung; Chủ tịch UBND xã Gia Tân 1…

Ở mỗi cương vị, ông đều nỗ lực làm việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt. trong thời gian làm Chủ tịch UBND xã Quang Trung và xã Gia Tân 1, ông luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn, nhất là những hộ nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Lâm Cảnh Cần tâm sự, chiến tranh đã lùi xa hơn mấy mươi năm và các vùng đất, dấu vết xưa giờ đã nhiều thay đổi, một số đồng đội của ông hy sinh ở chiến trường năm xưa ngoài miền Trung vẫn chưa được tìm thấy. Vì vậy, nguyện vọng của ông là ngày nào còn sức khỏe thì ngày đó vẫn nỗ lực đi tìm đồng đội.

Không chỉ giỏi việc nước, ông Cần còn chu toàn việc nhà. Ngoài giờ làm việc, ông còn làm ruộng vườn, phụ giúp gia đình. Đến khi về hưu vào năm 2010, ông đã dành toàn tâm, toàn lực vào đầu tư phát triển kinh tế gia đình như: trồng chôm chôm, chăn nuôi… Ông sử dụng tiền kiếm được từ chăn nuôi, trồng trọt để mua thêm đất, mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ làm ăn hiệu quả, kinh tế gia đình ông ngày càng trở nên khấm khá và có điều kiện lo cho các con ăn học đàng hoàng.

Ông Lâm Cảnh Cần chăm sóc vườn hoa nhằm tạo niềm vui cuộc sống.

Vợ chồng ông Cần có 5 người con (2 trai và 3 gái), tất cả đều ăn học thành đạt và có cuộc sống tốt. Trong đó, một người con của ông đang chuẩn bị nhận bằng tiến sĩ và hiện làm bác sĩ chuyên khoa 2 của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.

“Tôi đã trưởng thành từ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi quay về đời thường và công tác tại địa phương, tôi luôn giữ được phẩm chất vượt khó của Bộ đội Cụ Hồ. Tôi đã dùng chính sức lực của mình để đóng góp cho địa phương và tạo dựng cuộc sống gia đình, chăm lo con cái đầy đủ… Tôi rất hài lòng với cuộc sống hiện tại và tiếp tục sống vui, sống khỏe bên gia đình” - ông Cần tâm sự.

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202404/ky-niem-49-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-30-4-dung-cam-trong-thoi-chien-guong-sang-trong-thoi-binh-34268f9/