Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh, 30/10 (1963 - 2018): Đột phá trong phát triển nhân lực

Tỉnh Quảng Ninh là địa phương nằm trong tam giác tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Do đó, nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt quan trọng cho sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững kinh tế - xã hội của địa phương. Ngày 9/6/2014, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU, trong đó xác định: 'Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một khâu đột phá quyết định nhằm thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ 'nâu' sang 'xanh' để đến năm 2015, Quảng Ninh cơ bản thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại và đến năm 2020 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp'.

Tháng 9/2014, tỉnh đã thông qua Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây được coi là một đột phá trong phát triển nhân lực của tỉnh. Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đển năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã đạt được những kết quả nổi bật.

Tỉnh Quảng Ninh tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức cơ quan tổ chức- nội vụ cấp huyện năm 2018. Ảnh: Trúc Linh

Trong đó, thực hiện Đề án 293 về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tỉnh đã tổ chức 183 lớp đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước cho 8.721 lượt cán bộ, công chức, viên chức với tổng số tiền khoảng 104 tỷ đồng. Qua đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn được quan tâm, trang bị những kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, văn hóa công sở, ý thức trách nhiệm, đạo đức, lối sống, tác phong công nghiệp và một số kỹ năng lãnh đạo, quản lý.

Đặc biệt, năm 2018, tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và phân bổ kinh phí thực hiện đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh năm 2018 theo hướng tập trung, thống nhất, gắn kết giữa Đề án đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên với 154 lớp, 10.220 học viên là cán bộ, công chức, viên chức, tổng kinh phí 55,9 tỷ đồng; đã tổ chức 20 lớp cho 1.105 học viên. Đồng thời, tỉnh cũng tiếp tục hoàn thiện Đề án thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 660 cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 80,87% (520/643 trường); tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 91,18%. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành là 20.517 người, trong đó, 99,1% cán bộ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo (48,26% đạt trên chuẩn). Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Nhờ đó, chất lượng và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng dạy trong hệ thống giáo dục được cải thiện. Tỉnh đã triển khai dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến trong ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2014-2018 nhằm nâng cao chất lượng dạy và học; tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được tỉnh quan tâm đầu tư từ ngân sách và nguồn huy động xã hội hóa.

Giờ học của sinh viên Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Hạ Long. Ảnh: Lan Anh

Tỉnh đã thành lập Đại học Hạ Long là trường đại học đa ngành thuộc tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh đã đầu tư xây dựng giai đoạn I với tổng kinh phí 480 tỷ đồng. Hiện nay, giai đoạn II của trường cũng đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2018-2020 với tổng mức đầu tư dự kiến là 600 tỷ đồng. Quy mô ngành đào tạo và quy mô tuyển sinh của trường ngày càng phát triển. Năm học 2017-2018 trường đã mở được 5 chuyên ngành đào tạo đại học và tuyển sinh đầu vào hệ đại học 600 sinh viên. Đồng thời, thu hút được 8 tiến sĩ về công tác tại Đại học Hạ Long với tổng kinh phí hỗ trợ thu hút là 31,7 tỷ đồng.

Trên cơ sở kế thừa chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Đại học Hạ Long giai đoạn 2015-2017, nhằm tiếp tục mục tiêu xây dựng Trường Đại học Hạ Long trở thành một trong những cơ sở giáo dục đại học có uy tín trong nước, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, HĐND tỉnh đã ban hành quy định về việc kéo dài và điều chỉnh chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại trường giai đoạn 2018-2020 (Nghị quyết số 93/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 của HĐND tỉnh và Quyết định số 07/2018/QĐ-UBND ngày 30/3/2018 của UBND tỉnh).

Quảng Ninh cũng phát huy hiệu quả vai trò của Hội đồng phát triển nhân lực tỉnh giai đoạn 2013-2020 và các đơn vị tham mưu công tác đào tạo nhân lực các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố trong tư vấn, tham mưu, đề xuất đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh. Đặc biệt, 9/14 địa phương đã lập, phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực cấp huyện (Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hoành Bồ, Vân Đồn, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái); 4/14 địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch nhân lực trên địa bàn (Quảng Yên, Bình Liêu, Hạ Long, Cô Tô).

Với sự vào cuộc của cả tỉnh, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét, tỷ trọng lao động các khu vực kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng theo hướng giảm dần ở khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, tăng dần ở khu vực công nghiệp, xây dựng - thương mại, dịch vụ. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,5%.

Hà Chi

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201810/ky-niem-55-nam-ngay-thanh-lap-tinh-quang-ninh-3010-1963-2018-dot-pha-trong-phat-trien-nhan-luc-2404253/