Kỷ niệm 59 năm Ngày quốc tế Điều dưỡng (12-5): Chuyện những người 'làm dâu trăm họ'

Không chỉ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, điều dưỡng còn tham gia vào hầu hết các khâu trong quy trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện.

Điều dưỡng chăm sóc một bệnh nhi bị sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa, đang phải thở máy, lọc máu liên tục. Ảnh: H.Dung

Bệnh nhân gặp được điều dưỡng có chuyên môn, đạo đức, giao tiếp tốt như được tiếp thêm sức mạnh để sớm hồi phục sức khỏe, trở về cuộc sống đời thường.

* Luôn trong tư thế sẵn sàng

Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 (thành phố Biên Hòa) hiện có 248 điều dưỡng trong tổng số gần 700 cán bộ, nhân viên. Bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện hầu hết bị tổn thương về tâm lý, thần kinh. Do vậy, việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân tâm thần luôn tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường.

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh, điều dưỡng Khoa Tâm thần truyền nhiễm, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2, chia sẻ nhiều bệnh nhân bị biến đổi nhân cách làm cho tâm lý trở nên phức tạp, gây ra những kích động bất ngờ. Có lúc họ trầm lắng ít nói, nhưng có khi lại cười vô cớ. Không chỉ riêng bệnh nhân tâm thần thuần túy, bệnh viện còn có cả những bệnh nhân tâm thần mắc bệnh lao hay HIV/AIDS, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Vì thế, các điều dưỡng luôn tự ý thức và nhắc nhở bản thân phải thật tỉnh táo, luôn trong tư thế sẵn sàng để có thể xử lý bất kỳ tình huống nào.

“Tôi còn nhớ như in những ngày đầu đi làm, khi đang cho bệnh nhân uống thuốc, tôi bị một bệnh nhân nam khác đuổi chạy vòng quanh sân. Lúc đó, tôi chỉ biết chạy, chạy thật nhanh để thoát thân. Hay có lần, tôi bị giật tóc bất ngờ trong lúc đang đo cân nặng cho người bệnh, rồi nhiều hôm thức trắng đêm để xử lý những bệnh nhân kích động. Những lúc đó, tôi mới hiểu hết ý nghĩa của câu nói nghề điều dưỡng là nghề làm dâu trăm họ” - chị Thùy Linh tâm sự.

Để có thể làm tốt nhiệm vụ của người điều dưỡng, chị Thùy Linh phải thường xuyên học hỏi, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, học cách nhẫn nại, lắng nghe và thấu hiểu những nỗi đau mà người bệnh và người nhà bệnh nhân đang phải trải qua. Quá trình trao đổi, trò chuyện với bệnh nhân không đơn thuần chỉ là vấn đề giao tiếp, mà là cả một nghệ thuật. Điều dưỡng phải có kỹ năng ứng xử khéo léo, giúp người bệnh tin tưởng và cảm thấy được quan tâm, chăm sóc.

Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bác sĩ PHẠM THỊ KIỀU TRANG cho biết, để đào tạo được một điều dưỡng “cứng” ở khoa tốn rất nhiều thời gian. Những thời điểm bệnh đông, nhiều bệnh nặng, điều dưỡng phải đi tua 3 (3 ngày trực đêm 1 ngày) rất vất vả. Tuy nhiên, mọi người đều rất nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chị Thùy Linh cho biết, ông bà ta thường nói “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” nên chị luôn tâm niệm đã là con người, dù khỏe mạnh hay đang mang bệnh cũng đều mong có được cuộc sống bình an và hạnh phúc. Và niềm vui, nụ cười sẽ là nguồn động viên tinh thần to lớn giúp con người vượt qua mọi nghịch cảnh.

Quá trình làm việc, chị Thùy Linh quan sát, tìm hiểu và nắm được tính cách, bệnh lý của mỗi bệnh nhân để khi tiếp xúc với họ, chị lồng ghép những câu chuyện vui hoặc những câu nói hài hước để người bệnh cảm thấy thoải mái, cải thiện cảm xúc, xua tan những tự ti, mặc cảm.

Cũng bởi vậy mà niềm vui, hạnh phúc đối với điều dưỡng Thùy Linh và những điều dưỡng khác trong bệnh viện là lúc thấy người bệnh dần hồi phục, nở nụ cười trên môi khi được về với gia đình. Những lúc như vậy, chị càng thấy được giá trị của bản thân và yêu thích công việc mình đang làm. Chị Thùy Linh nguyện sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để chăm sóc cho người bệnh bằng cả trái tim, khối óc và cái tâm của người nhân viên y tế.

* Xem bệnh nhi như con của mình

Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai là nơi tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhi nặng ở tất cả các khoa khác trong bệnh viện và các bệnh viện tuyến dưới chuyển đến. Bởi vậy, ở nơi đây, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Và điều dưỡng ở đây chính là những người giữ trọng trách “canh gác tử thần” cho các bệnh nhi.

14 năm làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, chị Nguyễn Thị Đông Nghi có 11 năm công tác tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc.

Chị Đông Nghi chia sẻ, so với những khoa khác, công việc của điều dưỡng ở Khoa Hồi sức tích cực - chống độc vất vả hơn nhiều. Các bệnh nhi mắc bệnh nặng nên khoa phải triển khai nhiều kỹ thuật cao mà các khoa khác không làm như: thở máy, thở CPAP, lọc máu liên tục… Khi triển khai những kỹ thuật này, điều dưỡng phải kiểm tra máy móc, túc trực theo dõi bệnh nhân, theo dõi các thông số hiển thị trên máy để kịp thời báo cho bác sĩ khi bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.

Để đảm bảo an toàn cho các bệnh nhi nặng, khoa hạn chế tối đa việc người nhà bệnh nhi vào khoa nhằm ngăn ngừa lây nhiễm chéo. Vì thế, tất cả mọi công việc liên quan, từ cho bệnh nhi ăn uống đến vệ sinh cá nhân… đều do một tay điều dưỡng thực hiện. Có những thời điểm bệnh đông như mùa bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, ngộ độc thực phẩm hàng loạt, điều dưỡng phải tăng cường, túc trực liên tục bên giường bệnh để theo dõi sát diễn tiến của bệnh nhi. Bởi nếu chỉ một phút lơ đễnh, cái giá phải trả là cả sinh mệnh của người bệnh.

Điều dưỡng Đông Nghi bộc bạch, những trẻ bệnh nặng vào khoa ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Có trẻ sau khi tỉnh dậy cảm thấy tủi thân nằm khóc một mình trên giường bệnh khiến những điều dưỡng như chị không thể cầm lòng. Vì thế, ngoài tình yêu thương của người thầy thuốc, các điều dưỡng còn thương bệnh nhi như chính con của mình.

“Với tôi, không có gì vui sướng hơn là thấy những bệnh nhi nặng hồi phục từng ngày và được trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình. Những lúc như vậy, biết bao mệt nhọc trong tôi đều tan biến” - chị Đông Nghi chia sẻ.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202405/ky-niem-59-nam-ngay-quoc-te-dieu-duong-12-5-chuyen-nhung-nguoi-lam-dau-tram-ho-fd36203/