Kỷ niệm 65 năm Ngày Mở đường Hồ Chí Minh (19-5): Nhớ mãi ngày mở đường

'Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình' (Tố Hữu)… là 2 câu thơ thuộc 'nằm lòng' của những người lính Cụ Hồ một thời 'Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai' (Tố Hữu)…

Các cựu chiến binh Bộ đội Trường Sơn hiện sinh sống tại Đồng Nai ôn lại kỷ niệm một thời khói lửa. Ảnh: N.Hà

Các cựu chiến binh Bộ đội Trường Sơn hiện sinh sống tại Đồng Nai ôn lại kỷ niệm một thời khói lửa. Ảnh: N.Hà

Phó trưởng ban Liên lạc Bộ đội Trường Sơn (BĐTS) - đường Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Nai Nguyễn Bá Sáu cho hay, ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy Trung ương chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (Đoàn 559), do đồng chí Võ Bẩm làm Đoàn trưởng, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh phục vụ chi viện cho chiến trường miền Nam.

* Ký ức không phai mờ

16 năm hoạt động của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, đế quốc Mỹ đã coi đường Trường Sơn là mục tiêu hay “trọng điểm” đánh phá ác liệt nhằm hủy diệt hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Mỹ đã trút xuống đường Trường Sơn hơn 4 triệu tấn bom đạn, bằng tổng số bom đạn trong Chiến tranh thế giới thứ 2 và chiếm một nửa trong tổng số bom đạn mà Mỹ đã thả xuống lãnh thổ Việt Nam.

“Trên tuyến chi viện chiến lược đường Hồ Chí Minh, BĐTS đã trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ hiệu quả các chiến dịch lớn, góp phần quyết định thắng lợi sự nghiệp cách mạng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc” - ông Sáu nhấn mạnh.

16 năm thực hiện nhiệm vụ chiến lược, Đoàn 559 BĐTS đã kiên cường bám trụ, xây dựng nên hệ thống giao thông gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang với gần 2 ngàn km đường xe cơ giới. Lực lượng vận tải Trường Sơn đã vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho các chiến trường. Lực lượng phòng không Trường Sơn đã bắn rơi tại chỗ trên 2,4 ngàn máy bay các loại. Lực lượng giao liên đã mở 3 ngàn km giao liên, tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào, ra chiến trường an toàn…

Ông Sáu bộc bạch: “Để có hòa bình, thu non sông về một dải, chúng ta đã phải trả bằng máu, xương của nhiều đồng chí, đồng đội. Đã có hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn hy sinh anh dũng, hơn 32 ngàn chiến sĩ bị thương, bị nhiễm chất độc da cam…”.

Trực tiếp tham gia mở Đường 20 quyết thắng thời điểm ác liệt, thiếu tá Dương Hồng Tâm (Ban Liên lạc BĐTS - đường Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Nai) nhớ lại, vào giữa năm 1965, ông nhập ngũ vào Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 10 Cục Công binh, đến cuối năm 1965 thì được điều vào Đoàn công tác quân sự đặc biệt ở phía Nam.

Đến địa bàn tỉnh Quảng Bình, ông Tâm được lệnh dừng lại mở Đường 20 quyết thắng từ Quảng Bình đến giáp biên giới Việt - Lào đúng vào ngày 22-12-1965.

“Ngoài sự hy sinh, thương tật do địch gây ra, quá trình mở đường, đơn vị của chúng tôi phát hiện và tìm ra một bản người dân tộc thiểu số - người Rục. Một điểm nhớ nữa là Đường 20 quyết thắng do đơn vị chúng tôi mở ra bằng phương pháp nổ mìn trên những mỏm đá tai mèo, chúng tôi cứ nghe rào rào suốt ngày đêm, lúc đầu cứ nghĩ là mìn nổ, sau ngày hòa bình mới hiểu chính là khu vực động Phong Nha - Kẻ Bàng” - ông Tâm kể lại.

Ông Tâm xúc động nhớ về đồng đội đã hy sinh, trong đó riêng tiểu đoàn của ông trong quá trình mở đường từ Lào quay trở về hướng Kon Tum trúng bom Mỹ hy sinh 5 người khi tuổi đời còn trẻ.

“Tôi được đơn vị cử trực tiếp trông coi 5 đồng chí hy sinh trong trận này để chờ anh em đào huyệt chôn các đồng chí trong đêm tối, tránh sự phát hiện của địch. Sau khi hòa bình lập lại, có bộ phận đi quy tập và đưa các đồng chí về an nghỉ tại các nghĩa trang liệt sĩ. Đây là một dấu lặng trong quá trình mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh” - ông Tâm xúc động kể.

* Làm tốt việc nghĩa tình

Hơn 10 năm hoạt động của Ban Liên lạc BĐTS - đường Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Nai cũng là từng ấy thời gian các cựu chiến binh (CCB) thấu suốt phương châm: “Vui vẻ khi khỏe mạnh, hài lòng khi ốm đau, giúp nhau khi hoạn nạn, nghĩa tình lúc qua đời”.

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Mở đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống BĐTS, sáng 19-5, Ban Liên lạc BĐTS - đường Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Nai tổ chức Đại hội thành lập Hội Truyền thống BĐTS - đường Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Nai lần thứ nhất.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 550 CCB là BĐTS, sinh hoạt tại các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa. Những năm gần đây, ban liên lạc đã tổ chức vận động, xây dựng và bàn giao 4 căn nhà nghĩa tình đồng đội, giúp hội viên khó khăn về nhà ở tại huyện Cẩm Mỹ, mỗi căn xây dựng 80 triệu đồng, trong đó Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam hỗ trợ 60 triệu đồng/căn, còn lại do Ban Liên lạc BĐTS của tỉnh vận động. Dịp Tết Nguyên đán 2024, ban liên lạc đã vận động trao tặng 50 phần quà (500 ngàn đồng/phần) cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn; duy trì việc mừng thọ cho hội viên tròn tuổi 70, 80, 90 tuổi.

Theo Phó trưởng ban Liên lạc BĐTS - đường Hồ Chí Minh huyện Cẩm Mỹ Trương Thị Tính, hiện Ban Liên lạc huyện có 86 CCB, thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm lo cho hội viên. Vào các dịp kỷ niệm Ngày truyền thống BĐTS còn tổ chức gặp gỡ, chia sẻ, giao lưu và tuyên truyền truyền thống của BĐTS anh hùng…

Ông Phạm Thư Sinh, nguyên lái xe Binh trạm 33, Đoàn 559:

Tự tin vượt trọng điểm Đường 20 quyết thắng

Hành trình hoạt động của Đoàn 559 BĐTS ai cũng nhớ về trọng điểm Đường 20 quyết thắng bị địch đánh phá ác liệt. Vượt qua trọng điểm này, anh em lái xe thường nói với nhau là “chiến thắng cửa tử”. Bằng lòng dũng cảm, chúng tôi quyết tâm hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với ý chí duy nhất “đi để đến, đến để thắng”.

Kỷ niệm nhớ nhất là lúc tôi vượt ngầm Khăm Muộn (thuộc nước bạn Lào) gặp máy bay Mỹ. Chính lúc nguy hiểm đó, một nữ công binh rất trẻ cầm cờ làm hoa tiêu, giúp xe tôi tự tin vượt qua trọng điểm ác liệt, góp sức hoàn thành tuyến đường chiến lược Trường Sơn - Hồ Chí Minh để chiến thắng kẻ thù…

Trung tá Lê Hoài Nam, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự huyện Trảng Bom:

Biết ơn các thế hệ CCB BĐTS

Chúng tôi sinh ra khi đã kết thúc chiến tranh, sự ác liệt, gian nan của kháng chiến bảo vệ và giải phóng dân tộc chỉ được học qua sách vở. Những tấm gương cô, chú CCB, nhất là BĐTS một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; “sống bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, “máu có thể đổ, đường không thể tắc”… sẽ là những bài học vô cùng ý nghĩa để giúp cá nhân tôi cũng như lực lượng vũ trang huyện mãi mãi biết ơn, tri ân và kế thừa; góp sức nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Nam Anh (ghi)

Nguyệt Hà

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202405/ky-niem-65-nam-ngay-mo-duong-ho-chi-minh-19-5-nho-mai-ngay-mo-duong-0b76223/