Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Sơn La

Tối 22/11, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Sơn La (22/11/1952-22/11/2022).

Chương trình văn nghệ mang đậm nét các dân tộc Tây Bắc tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Sơn La.

Chương trình văn nghệ mang đậm nét các dân tộc Tây Bắc tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Sơn La.

Dự lễ kỷ niệm có đồng chí: Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ngày 31/8/1945, bọn phản động quân Tưởng nhân danh đồng minh kéo vào Sơn La nhưng thực chất để thực hiện âm mưu chống phá chính quyền cách mạng non trẻ tỉnh Sơn La.

Tháng 7/1946, thực dân Pháp vượt biên giới Việt-Trung, tràn vào tỉnh Lai Châu, sau đó tiến đánh chiếm Sơn La. Đến đầu năm 1947, chúng cơ bản kiểm soát toàn bộ địa bàn tỉnh Sơn La...

Đứng trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Mặt trận Tây Bắc, trong đó xác định việc giải phóng đồng bào Tây Bắc và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc là nhiệm vụ căn bản trước mắt. Tháng 9/1952, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng quân ủy Trung ương đã quyết định mở Chiến dịch giải phóng Tây Bắc.

Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm.

Sau hai đợt của chiến dịch Tây Bắc bắt đầu, quân và dân ta đã lần lượt giải phóng các các vùng rộng lớn của Lai Châu, Yên Bái và Sơn La. Đến ngày 22/11/1952, tỉnh lỵ Sơn La và các huyện phía nam Lai Châu được giải phóng, chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi.

Thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc đã làm phá sản phần lớn “Xứ Thái tự trị” của thực dân Pháp và ảnh hưởng chung tới cục diện chiến trường toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến tranh du kích phát triển mạnh ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc còn ảnh hưởng sâu rộng tới phong trào kháng chiến của Lào. Trong chiến dịch Tây Bắc, quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt sống trên một vạn tên địch, thu nhiều vũ khí và quân trang, quân dụng, giải phóng một vùng rộng lớn trên ba vạn cây số vuông và trên 25 vạn dân, nối liền vùng thượng Lào với chiến khu Việt Bắc, tạo thế chiến lược quan trọng trong chiến dịch Đông-Xuân 1953-1954.

Trong chiến dịch Tây Bắc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Sơn La đã huy động gần 1,5 triệu ngày công phục vụ chiến dịch, hàng trăm thanh niên đã tòng quân lên đường diệt giặc; cung cấp gần 70 vạn tấn lương thực, trên 48 tấn thịt, hàng trăm tấn rau xanh các loại, góp phần làm nên chiến thắng.

Một tiết mục văn nghệ tái hiện lại thời khắc lịch sử giải phóng Sơn La.

Chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi, tỉnh Sơn La được giải phóng, ngày 22/11/1952 trở thành mốc son lịch sử, đánh dấu một thời kỳ đấu tranh cách mạng vẻ vang, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La được sống trong độc lập, tự do và dân chủ. Chế độ áp bức bóc lột của đế quốc và phong kiến bị xóa bỏ, chế độ chính trị dân chủ được thiết lập và từng bước được củng cố vững mạnh.

70 năm qua, từ ngày Sơn La được giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ tỉnh Sơn La luôn nắm vững chủ trương của Trung ương Đảng, cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn địa phương, lãnh đạo nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang Sơn La tiến lên giành được những thành tựu quan trọng, đóng góp to lớn trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Sơn La đã đổi mới cách nghĩ, cách làm, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường phấn đấu vươn lên; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Người dân tại các huyện, thành phố tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Sơn La.

Thành tích mà Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Sơn La đạt được trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được Đảng, Nhà nước đánh giá cao và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Lực lượng vũ trang Sơn La được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang; 33 tập thể và 14 cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng; 4 đơn vị và 11 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động; 121 bà mẹ được Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng"; hàng nghìn Huân chương, Huy chương các loại được trao tặng cho các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

QUỐC TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-son-la-post726301.html