Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Sơn La

70 năm từ ngày được giải phóng, Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Sơn La đã đạt được những thành tựu to lớn.

Trong không khí vui mừng, phấn khởi cùng với nhân dân các tỉnh Tây Bắc kỷ niệm 70 năm chiến thắng Tây Bắc, tối 22/11, tỉnh Sơn La tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Sơn La (22/11/1952 – 22/11/2022).

Dự buổi lễ có bà Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trong nước.

Bà Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La dự Lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng Sơn La.

Bà Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La dự Lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng Sơn La.

Trong chiến dịch Tây Bắc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Sơn La đã huy động gần 1,5 triệu ngày công phục vụ chiến dịch; hàng trăm thanh niên đã tòng quân lên đường diệt giặc; cung cấp gần 70 vạn tấn lương thực...

Chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi, tỉnh Sơn La được giải phóng; ngày 22/11/1952 trở thành mốc son lịch sử; từ đây, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La được sống trong độc lập, tự do và dân chủ.

Tỉnh Sơn La tổ chức Kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Sơn La.

70 năm từ ngày được giải phóng, đặc biệt sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Sơn La đã vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đạt được những thành tựu to lớn.

Kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa; các ngành, các vùng, các thành phần kinh tế phát triển tương đối toàn diện. Đặc biệt, Sơn La đã trở thành “hiện tượng” trong phát triển nông nghiệp của cả nước.

Đồng bào các dân tộc Sơn La phấn khởi dự Lễ kỷ niệm ngày giải phóng quê hương.

Đến nay, Sơn La đã có trên 80.000 ha cây ăn quả, diện tích đứng thứ hai của Việt Nam; có 83 sản phẩm OCOP. Sơn La đã tập trung quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến; với khoảng 500 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản; trong đó có 50 nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu các sản phẩm như chè, tinh bột sắn, sữa, cà phê, rau, quả; tổng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đến nay đạt trên 174 triệu USD...

Diện mạo từ đô thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc, ngày càng khang trang, hiện đại, đời sống nhân dân được nâng lên. Toàn tỉnh có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 ước giảm còn 18,3%.

Ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La ôn lại truyền thống cách mạng và 70 năm xây dựng, phát triển tỉnh Sơn La.

Ông Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cho biết, trước đây, Sơn La là thủ phủ của vùng Tây Bắc, khu tự trị Thái Mèo, còn bây giờ cũng phải cố gắng để xứng tầm, trở thành trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc theo tinh thần Nghị quyết 11 mà Bộ Chính trị vừa ban hành. Trong đó xác định Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản; là cực tăng trưởng Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên; và xác định thành phố Sơn La trở thành trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc./.

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-son-la-post985798.vov