Kỷ niệm 73 năm ngày truyền thống LSVN: Luật sư cần có tư duy 'khai phóng'

Theo luật sư Trương Anh Tú, người luật sư hoạt động trong công tác pháp luật phải có được những tư duy mang tính khai phóng để vận dụng những tri thức đóng góp cho xã hội.

Đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn. Hoàn thiện cơ chế bảo đảm để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa, đồng thời xác định rõ chế độ trách nhiệm đối với luật sư – Đó là một trong những nhiệm vụ cải cách tư pháp được xác định tại Nghị quyết số 49-NQ-TW, ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”.

Thực hiện Nghị quyết 49-NQ-TW, Luật Luật sư được ban hành năm 2006 và Liên đoàn luật sư Việt Nam được thành lập năm 2009 là những dấu mốc quan trọng về thể chế thể hiện sự quan tâm và quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với việc hoàn thiện và phát triển đội ngũ luật sư Việt Nam trong công cuộc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp, phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Luật sư Trương Anh Tú: "Người luật sư cần có tư duy mang tính khai phóng để đóng góp cho xã hội"

Ý thức được trách nhiệm và nhiệm vụ lớn lao này, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm, thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội chia sẻ, những năm qua, đội ngũ luật sư không chỉ tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại mà còn tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp. Có hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí cả các tổng công ty, tập đoàn nhà nước cũng cần đến sự trợ giúp tư vấn pháp lý của luật sư.

Theo luật sư Tú, tính cống hiến của người luật sư ngày càng cao. Tuy cách thức cống hiến và mức độ khác nhau nhưng có một điểm chung trong quá trình hành nghề, các luật sư sẵn sàng cống hiến cho xã hội, bất chấp những hiểm nguy, vất vả để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, ngoài những nhiệm vụ chính, các luật sư rất tích cực trong các công cuộc đóng góp ý kiến cho các cấp các ngành cho nhà nước trong công tác xây dựng pháp luật. Trong đó, đặc biệt phải kể đến sự đóng góp vô cùng nhiệt huyết trong công tác lập pháp của luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam; luật sư Nguyễn Văn Chiến Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam; luật sư Trương Trọng Nghĩa…

Cũng theo luật sư Trương Anh Tú, trước đây, người luật sư hành nghề chủ yếu là các công chức về hưu, Thẩm phán, kiểm sát viên. Ngày nay, thế hệ luật sư trẻ, nhiệt huyết trưởng thành từ các mái trường của các trường có chuyên ngành luật trên cả nước.

Đối với luật sư Trương Anh Tú, ngay từ thời sinh viên, sự đam mê học hỏi cùng tình yêu với nghề đã giúp luật sư Tú nhanh chóng trưởng thành trong nghề. Theo luật sư Tú chia sẻ, nghề luật sư là một nghề khó nhưng rất lý thú bởi được đi nhiều nơi, được tiếp xúc với nhiều người, biết nhiều mặt của đời sống xã hội. Để trở thành một người luật sư thực sự có bản lĩnh thì kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội phải sâu sắc, phải am hiểu tường tận về văn hóa, văn chương, xã hội, lịch sử chứ không chỉ đơn thuần là gói gọn trong những văn bản luật.

Hiểu luật, biết luật nhưng quan trọng phải biết truyền tải cho người khác nghe, hiểu và tâm phục, khẩu phục. Không chỉ có vậy, người luật sư phải có chức năng xã hội, “Luật sư cũng là một trí thức, ngoài những hoạt động nghề nghiệp thông thường, người trí thức phải phản ánh được tri thức của mình, đem tri thực đấy đóng góp cho xã hội. Đấu tranh quyết liệt và dũng cảm với các biểu hiện sai trái trong xã hội, giải quyết được những vướng mắc về bài toán pháp lý, những cái rào cản, những cơ sở lý luận còn thiếu trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền”, luật sư Tú chia sẻ.

Một điều không thể thiếu của người luật sư đó là kỹ năng biết lắng nghe người khác nói. Nghề luật sư đòi hỏi thực tế và kinh nghiệm, phải đọc và biết suy luận. Phải nghe và quan sát người khác nói gì để từ đó đi sâu vào phản biện một cách thuyết phục từng vấn đề. Bởi vậy, nếu người luật sư không có bản lĩnh, không có kiến thức pháp luật sâu rộng thì rất khó tồn tại với với nghề.

Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, người luật sư hoạt động trong công tác pháp luật cần có những tư duy mang tính khai phóng. Thực tiễn có nhiều vấn đề pháp lý trong xã hội, nhưng khoa học pháp lý chưa có lời giải thì nhiệm nhiệm vụ của người luật sư phải khai mở ra những điều đó, vận dụng những tri thức để đóng góp cho xã hội.

Luật sư Trương Anh Tú trò chuyện với bị Lê Thị Hải tại phiên tòa

Điều này được minh chứng bằng những việc làm và hành động cụ thể. Gần đây nhất, khi luật sư Trương Anh Tú tham gia việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Lê Thị Hải (35 tuổi, ở Quảng Xương, Thanh Hóa) trong vụ án “vợ trộm tiền của chồng ở Hoàng Mai Hà Nội” hay vụ “đá móp cửa xe ô tô” bị truy tố về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản ở TP.HCM gây sự chú ý của dư luận.

Với sự hiểu biết của mình, luật sư Trương Anh Tú đã lên tiếng phản biện và lập luận sắc bén để cơ quan chức năng xem xét một cách thấu tình đạt lý. Sau khi xem xét toàn bộ tình tiết vụ việc, TAND quận Hoàng Mai đã trả tự do cho Lê Thị Hải.

Chia sẻ về vụ án này, luật sư Trương Anh Tú cho biết, để giúp thân chủ chứng minh mình vô tội, Công ty Trương Anh Tú đã cử nhiều luật sư về địa phương của bị cáo Lê Thị Hải để làm rõ các chứng cứ liên quan đến vụ án và cuối cùng vụ án đã khép lại với một cái kết đầy nhân văn. Hay vụ “đá móp cửa xe ô tô” sau nhiều lần xét xử, Công an quận 12 (TP.HCM) đã phải ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nguyễn Văn An.

Bằng trí tuệ và bản lĩnh, sự am hiểu kiến thức pháp luật, trong những năm qua, cái tên luật sư Trương Anh Tú xuất hiện tràn ngập trên mặt báo, tư vấn mọi mặt các lĩnh vực về pháp luật. Từ những vụ án đơn giản cho đến phức tạp, liên quan đến án dân sự, hình sự, mà ngay cả những vụ “gai góc” liên quan tranh chấp kinh doanh thương mại, luật sư Tú đều tham gia bảo vệ, đưa ra những quan điểm pháp lý mang tính khai mở giúp cho người dân và các doanh nghiệp hàng triệu đô la.

“Người luật sư có nhiệm vụ đồng hành với người dân trong việc bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý, quan điểm mọi thứ phải minh bạch và công bằng. Khi nhìn thấy những điều sai trái trong xã hội, bản thân người luật sư không thể ngoảnh mặt làm ngơ và sẵn sàng đối mặt với những hiểm nguy trong quá trình hành nghề”, Luật sư Tú khẳng định.

Luật sư Trương Anh Tú cho biết thêm, hiện nay Công ty Trương Anh Tú đang tiếp tục đấu tranh, làm rõ nhiều sai phạm của doanh nghiệp làm ăn phi pháp xâm hại đến quyền lợi của nhân dân. Bản thân luật sư Tú và các đồng nghiệp tham gia bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích chính đáng cho người dân đã gặp rất nhiều những trắc trở và tai ương, thế nhưng luật sư Tú luôn xác định đây là chức năng xã hội nghề nghiệp của luật sư, và sẵn sàng đối mặt trước mọi khó khăn.

Đỗ Việt

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/doi-song/ky-niem-73-nam-ngay-truyen-thong-lsvn-luat-su-can-co-tu-duy-khai-phong-270924.html