Kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam 18/11: Đưa công tác mặt trận về với cộng đồng dân cư

BẮC GIANG - Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc", quyết định lấy ngày 18/11 hằng năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết (ĐĐK) ở khu dân cư. Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam 18/11 (1930-2023), tròn 20 năm Ngày hội ĐĐK được tổ chức tại khu dân cư, đồng chí Trần Công Thắng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chia sẻ về những kết quả và bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức sự kiện thường niên này.

Xin đồng chí cho biết những giá trị mà Ngày hội ĐĐK mang lại trong đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Trần Công Thắng: Ngày hội được tổ chức hằng năm vào đúng dịp ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam đã mang lại giá trị to lớn trong đời sống nhân dân; tạo ra sự đoàn kết, gắn bó và tình cảm thân thiết giữa mọi thành viên trong cộng đồng. Ngày hội góp phần củng cố và phát huy sức mạnh khối ĐĐK toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng và phát triển quê hương; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục và tình đoàn kết trong mỗi khu dân cư. Thông qua đó thúc đẩy vai trò tự quản, tinh thần sáng tạo của nhân dân trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ KT-XH của địa phương.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Thu Hồng cùng các lãnh đạo tỉnh trò chuyện với những điển hình trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngày hội tôn vinh kết quả của công tác mặt trận tại mỗi địa phương, giúp MTTQ Việt Nam khẳng định vị thế trong hệ thống chính trị các cấp, làm tròn vai trò cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với quần chúng nhân dân; nơi lắng nghe và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; tăng cường niềm tin chính trị, trở thành động lực to lớn giúp mỗi cấp ủy, chính quyền, địa phương luôn kịp thời đổi mới sáng tạo, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Các hoạt động diễn ra trong ngày hội đã tạo ra một môi trường sống tích cực, đầm ấm và vui vẻ cho cộng đồng, giúp cho mọi người cảm thấy được yêu thương, hỗ trợ và sự quan tâm của những người xung quanh. Mỗi người dân khi tham gia ngày hội đã ý thức được sự gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng, nhất là các cán bộ, đảng viên, công chức với khu dân cư nơi mình sinh sống, qua đó, khối ĐĐK toàn dân tộc không ngừng được củng cố và phát triển. Điều đó giúp xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ và hòa đồng hơn, giúp đẩy mạnh sự phát triển kinh tế và văn hóa của địa phương.

Nhìn lại quá trình tổ chức ngày hội, đồng chí thấy Bắc Giang có những điểm mới sáng tạo gì, đâu là điểm nhấn mang sắc thái riêng của mỗi địa phương, mỗi khu dân cư mà đồng chí thấy tâm đắc?

Đồng chí Trần Công Thắng: Đến nay, 100% khu dân cư trong tỉnh tổ chức ngày hội hằng năm. Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc ở các khu dân cư trên địa bàn tỉnh được tổ chức rộng khắp và đi vào chiều sâu, trở thành nét đẹp truyền thống, đưa công tác mặt trận về với cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân. Chất lượng tổ chức ngày hội trong khu dân cư được nâng cao, đổi mới và mang lại hiệu quả lớn. Sự sáng tạo, đa dạng trong hình thức tổ chức của mỗi địa phương đã tạo nên những điểm nhấn tích cực giúp nội dung công tác mặt trận thấm sâu vào mỗi cộng đồng, phục vụ thiết thực cho cuộc sống nhân dân.

Người dân phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) biểu diễn văn nghệ trong Ngày hội Đại đoàn kết. Ảnh: Hoài Thu.

Nhiều năm nay, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy tỉnh mời lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh và các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy về dự ngày hội và tặng quà ở khu dân cư tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tặng Bằng khen của Ủy ban MTTQ tỉnh cho các khu dân cư có thành tích tiêu biểu trong xây dựng khối ĐĐK toàn dân tộc. Các đồng chí lãnh đạo các cấp tham dự ngày hội có ý nghĩa động viên to lớn đối với cán bộ, nhân dân tại cơ sở. Đồng thời cũng là dịp để người đứng đầu cấp ủy và chính quyền nắm bắt tâm tư nguyện vọng và trao đổi, giải đáp những vấn đề nhân dân quan tâm, từ đó đưa ra các quyết sách phù hợp để phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong quá tình tổ chức ngày hội, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống lành mạnh được khôi phục như: Thi kéo co, múa sạp, thi nấu ăn, thi gói bánh chưng. Cùng đó là các môn mới mẻ, hiện đại, sôi động hơn như: Bóng đá, bóng chuyền hơi, khiêu vũ… Những hoạt động này đều thu hút sự tham gia của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, ngày hội phát huy sức mạnh tập thể để thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp phát động như: “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng khu dân cư văn hóa”, xây dựng các gia đình điển hình “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”; khích lệ nhân dân chung tay xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ hủ tục, đẩy lùi tệ nạn xã hội, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư.

Theo đồng chí cần làm gì để nâng cao chất lượng và lan tỏa hơn nữa giá trị tốt đẹp của ngày hội trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo?

Đồng chí Trần Công Thắng: Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc là đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa - xã hội sâu rộng trong toàn xã hội. Để việc tổ chức ngày hội trong những năm tiếp theo đạt được hiệu quả cao hơn nữa, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số yêu cầu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nhất là sự phối hợp của các cấp chính quyền và các tổ chức thành viên trong tổ chức ngày hội. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ động tham mưu giúp cấp ủy ban hành các văn bản, chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức ngày hội tại địa phương. Nghiêm túc kiểm tra, đánh giá; rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng tổ chức ngày hội.

Hai là, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tổ chức ngày hội. Quán triệt để đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức rõ trách nhiệm trong tham gia các hoạt động của ngày hội; là dịp để mỗi cá nhân được rèn luyện trong phong trào của quần chúng; được gắn bó với nhân dân, lắng nghe nhân dân, học hỏi từ nhân dân qua đó nâng cao chất lượng tham mưu phục vụ, thi hành công vụ; đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Ba là, đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng tổ chức ngày hội, chú trọng theo hướng phần lễ tổ chức ngắn gọn, nội dung phần hội phong phú, sinh động, tôn vinh truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa của mỗi địa phương, hướng đến xây dựng cuộc sống lành mạnh, văn minh.

Bốn là, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, tính sáng tạo của mỗi địa phương để tổ chức ngày hội sinh động, thiết thực. Phát huy sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ MTTQ, nhất là ban công tác mặt trận khu dân cư trong việc đổi mới nội dung, hình thức tổ chức ngày hội sát với tình hình thực tế của khu dân cư, bảo đảm phần lễ được tổ chức trang trọng, nghiêm túc, phần hội được tổ chức trong không khí đầm ấm, vui tươi, thực sự là ngày hội của nhân dân. Chú trọng vai trò của người tiêu biểu, người có uy tín trong mỗi cộng đồng tham dự ngày hội nhằm tạo động lực, thu hút sự tham gia của mỗi người dân trong quá trình tổ chức.

Năm là, bảo đảm và huy động nguồn lực trong tổ chức ngày hội. Phối hợp với chính quyền quan tâm hỗ trợ kinh phí tổ chức ngày hội; sơ kết, tổng kết khen thưởng các điển hình tiên tiến trong các cuộc vận động, phong trào thi đua nhân ngày hội; tăng cường vận động, tập hợp các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn và con em quê hương về dự ngày hội với những đóng góp thiết thực tham gia xây dựng cộng đồng.

Xin cảm ơn đồng chí!

Kim Hiếu (thực hiện)

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/415032/ky-niem-93-nam-ngay-truyen-thong-mttq-viet-nam-18-11-dua-cong-tac-mat-tran-ve-voi-cong-dong-dan-cu.html