Kỷ niệm 'đánh án' của vị tướng biên phòng

Mùa hè năm ấy, chúng tôi may mắn được cùng đoàn tướng lĩnh biên phòng và công an do Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô, nguyên Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ một số đồn biên phòng đang thực hiện nhiệm vụ trên tuyến biên giới Tây Bắc

Được biết, khu vực này những năm còn công tác, Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô đã để lại nhiều dấu ấn trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ma túy và bảo vệ bình yên cuộc sống của nhân dân. Gần một tuần hành quân, vượt hàng trăm kilomet “đường lên Tây Bắc hút xa mờ”, vị tướng biên phòng năm xưa không khỏi bồi hồi nhớ lại kỷ niệm những lần “đánh án” của mình và đồng đội.

Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô (bên phải)

Ông kể: Đầu những năm 2000, tuyến biên giới Tây Bắc được coi là trọng điểm hoạt động của bọn tội phạm ma túy rất căng thẳng và phức tạp. Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng do tôi làm Cục trưởng mới thành lập nên anh em cũng rất quyết tâm trong việc bàn tính phương án giảm tình trạng căng thẳng trên. Qua khảo sát nắm tình hình của Cục, riêng địa bản Mộc Châu, Sơn La mỗi đêm có từ 10 đến 15 toán vận chuyển ma túy có mang theo vũ khí, với số lượng hàng trăm bánh heroin qua biên giới. Đối tượng vận chuyển ma túy hầu hết là người địa phương, hợp đồng ngắn hạn và chỉ đơn thuần vì mục đích kinh tế. Thông qua bọn đầu nậu từ nội địa hoặc các tỉnh khác sang Lào, móc nối đặt hàng mua ma túy rồi về địa bàn biên giới thuê người bản địa, thông thạo đường đi lối lại, trang bị vũ khí đi ban đêm để tránh sự phát hiện của ta. Mỗi đối tượng được thuê mang từ 20 đến 50 bánh heroin với giá khoảng 30 ngàn đồng/bánh. Theo tài liệu trinh sát kỹ thuật ta nắm được, các toán nhóm tội phạm thường tổ chức từ 10 đến 20 tên, mang theo ba lô, đèn pin và súng quân dụng hoặc súng tự chế. Chúng thường vượt biên giới vào lúc xẩm tối và trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 giờ sáng.

Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô (chính giữa, hàng đầu) cùng đoàn công tác tại Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Lóng Sập, tháng 7-2020.

Tại một cuộc hội thảo do Cục Phòng chống ma túy và tội phạm chủ trì, có sự tham gia của Thủ trưởng Bộ tư lệnh BĐBP, chúng tôi đề xuất hai phương án tác chiến. Phương án 1, sử dụng một tổ đặc nhiệm phục kích, trang bị ống nhòm hồng ngoại, đèn pin và AK. Khi đối phương lọt vào ổ phục kích thì sử dụng hỏa lực tiêu diệt. Phương án này chắc thắng tới 80%. Tuy nhiên giải quyết về hậu quả xã hội thì rất phức tạp. Các đối tượng vận chuyển ma túy hầu hết là dân khu vực biên giới. Đây chủ yếu là những người mang vác thuê với mục đích kiếm tiền. Khi đời sống kinh tế chưa được giải quyết thì tệ nạn này chưa dễ gì kiểm soát được.

Phương án 2, vừa kết hợp tuyên truyền vận động, vừa sử dụng biện pháp mạnh. Bước một, lực lượng của BĐBP kết hợp với cấp ủy và các đoàn thể ở địa phương mở một đợt tuyên truyền sâu rộng về tác hại của ma túy, về pháp luật phòng chống ma túy. Trong thời gian tuyên truyền, học tập ta tổ chức cho nhân dân xem phim ảnh và các cuộn băng hình ta quay được các toán mang vác ma túy qua biên giới. Sau đợt học tập, đồn biên phòng yêu cầu từng chủ hộ viết cam kết không nghe lời kẻ xấu, không tham gia vận chuyển ma túy qua biên giới, đồng thời phổ biến quy chế mới: Hộ nào không thực hiện quy chế, vẫn tham gia vào các băng nhóm vận chuyển ma túy qua biên giới sẽ bị các lực lượng chức năng tiêu diệt.

Sau hội thảo, phương án 2 được nhất trí cao. Cùng với phối hợp với địa phương mở đợt tuyên truyền vận động, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm đề xuất và được Bộ tư lệnh BĐBP phê duyệt việc huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ. Yêu cầu huấn luyện chó là phục kích ban đêm với lực lượng đặc nhiệm, khi phát hiện đối tượng vận chuyển ma túy thì tấn công vô hiệu hóa hỏa lực của đối phương và làm bị thương để lực lượng đặc nhiệm bắt sống đối tượng. Việc huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ là một nhiệm vụ mang tính nhân văn cao.

Tuy quần chúng nhân dân đã được tuyên truyền vận động và viết cam kết là văn bản mang tính pháp lý, nếu có bị bắt tù hoặc bắn chết họ phải chịu trách nhiệm, tránh việc gây phức tạp làm ảnh hưởng an ninh chính trị và trật tự xã hội ở biên giới. Song BĐBP vẫn thấy cần phải cảnh cáo các băng nhóm tội phạm thêm một lần nữa là sử dụng chó nghiệp vụ để phối hợp phục kích, tuần tra làm nhụt ý chí của tội phạm.

Khu vực biên giới Việt Nam-Lào thuộc địa phận tỉnh Sơn La từng diễn ra nhiều lần "đánh án" của Bộ đội Biên phòng.

Kế hoạch huấn luyện chó nghiệp vụ được đặt ra. Lực lượng đặc nhiệm phải nghiên cứu kỹ địa hình trên biên giới, đặc điểm hình dạng của đối tượng mang vác vận chuyển ma túy để chó làm quen, rồi về Sơn Tây, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) chọn địa hình tương đối giống và phù hợp để làm thao trường huấn luyện chó nghiệp vụ với yêu cầu cần bảo đảm: Khi tấn công đối tượng trước hết là làm mất khả năng bắn súng chống trả của chúng bằng cách cắn bị thương vào cánh tay, sau đó làm mất khả năng chống trả hoặc chạy trốn (không cắn chết), khả năng truy tìm ma túy khi đối tượng vứt hoặc giấu ngoài rừng… Do đặc điểm của chó bergie là hiếu động, khi thở thường há mồm, thè lưỡi dài và thở to liên tục. Ta phải huấn luyện để chó chịu nằm phục kích ít nhất là 3 giờ, không thở bằng mồm. Đây là giáo án khó nhất mà giáo viên và các chú chó phải huấn luyện thời gian dài mới thực hiện được...

Mặc dù trên thao trường hầu như các tình huống đều được đưa ra để huấn luyện nhưng khi đưa chó vào trận nảy sinh một số vấn đề mới làm ảnh hưởng đến kết quả chiến đấu. Tôi nhớ, trận đầu tiên ta triển khai kế hoạch phục kích tại địa bàn Chiềng Sơn, Mộc Châu, Sơn La. Yêu cầu của kế hoạch khi hành quân từ Sơn Tây đến Chiềng Sơn trong hai ngày, phải bảo đảm giữ bí mật lực lượng, bí mật thời gian và địa điểm phục kích, đảm bảo sức khỏe cho lực lượng đặc nhiệm và chó nghiệp vụ để có thể triển khai an toàn đúng giờ G. Ngày đầu tiên ta cho hành quân từ Sơn Tây đến Kho 103 ở Cao Phong, Hòa Bình, tập kết ở đó cho chó nghỉ ngơi một đêm để giữ sức khỏe trước khi vào trận đánh. Hôm sau lực lượng đánh án hành quân tiếp từ Cao Phong đến Chiềng Sơn. Để bảo đảm yếu tố bí mật, chúng tôi phải tính toán khít thời gian hành quân trên đoạn đường làm sao đến địa điểm tập kết sớm so với giờ G một tiếng để người và chó đủ thời gian chuẩn bị vào phục kịch.

Tháng 7 mùa hè nắng nóng, nhiệt độ ngoài đường lên tới 40 độ C, cả người và chó bị nhốt trong thùng xe đặc chủng, xe đi không dừng, chó phải đi vệ sinh luôn trên xe… Bầu không khí ngột ngạt, nên cả người và chó đều say, mệt lả. Khi đến địa điểm khu rừng tập kết, chúng tôi phải tiếp nước và tắm cho các chú chó say xe. Hai, ba giờ sau chúng mới tỉnh táo và có thể chiến đấu, vì vậy kế hoạch bị hoãn lại không triển khai được. Lần thứ hai, khắc phục được tình trạng say xe, lực lượng đánh án vào phục kích đúng giờ. Nhưng khi chó nghiệp vụ xung phong để tấn công đối tượng thì chúng bắn trả toàn bằng đạn lửa. Khi huấn luyện chó lại được làm quen bằng đạn thường nên khi thấy đạn lửa chúng sợ không dám tấn công quyết liệt. Vì vậy mà nhiều đối tượng chạy thoát.

Trận phục kích cùng với sự phối hợp của chó nghiệp vụ này còn bộc lộ nhiều nhược điểm, song đánh giá chung đây là một trận đánh thắng lợi. Ta đã chặn bắt và làm tan rã, hoảng sợ một toán vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới. Bắt sống 6 đối tượng, thu 50 bánh heroin và 20 ngàn viên ma túy tổng hợp. Ý nghĩa quan trọng của trận đánh này là tạo được tiếng vang trên địa bàn, chứng minh cho các đối tượng vận chuyển ma túy rằng: BĐBP thực hiện đúng cam kết, sau khi được tuyên truyền vận động nếu các đối tượng vẫn ngoan cố tham gia vận chuyển ma túy sẽ bị bắt sống hoặc tiêu diệt.

Sau trận đánh trên, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm đã tham mưu cho Bộ tư lệnh BĐBP sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm kế hoạch phục kích ở Chiềng Sơn. Hội nghị sơ kết đã phân tích nhiều vấn đề phải rút kinh nghiệm. Nhìn chung, kết luận của hội nghị mang tính tích cực, tạo niềm tin cho bộ đội. Đây là lần đầu tiên chúng ta sử dụng chó nghiệp vụ để đánh án ma túy, địa bàn xa, công tác huấn luyện chó có nhiều khó khăn và tốn kém... nên không tránh khỏi phát sinh nhiều vấn đề. Mặc dù cũng có một số ý kiến trái chiều nhưng cuối cùng hội nghị có chung nhận định, đây là trận đánh mở đầu với một phương thức mới cần phải được biểu dương, nhân rộng. Qua đó tiếp tục động viên, khích lệ ý chí chiến đấu của lực lượng đặc nhiệm và anh em trong đội cảnh khuyển…”

Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô (đầu tiên, bên trái, hàng ngồi) và đồng đội chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc 255.

Đó là một trong nhiều kỷ niệm được vị tướng biên phòng từng được mệnh danh là “khắc tinh của tội phạm ma túy” trên tuyến biên giới kể với chúng tôi trên hành trình trở lại chiến trường xưa. Những đồng đội từng sát cánh cùng nguyên Cục trưởng Nguyễn Sinh Xô thực hiện nhiệm vụ nay đều đã trưởng thành. Nhiều người đang là chỉ huy ở các đồn biên phòng, trạm cửa khẩu-là những điểm nóng trên trận tuyến chống tội phạm ma túy.

Chuyến đi ấy, đoàn nghỉ lại một đêm ở Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập (Mộc Châu, Sơn La). Tại đây, chúng tôi đã được chứng kiến tình cảm của những người lính biên phòng năm xưa với thế hệ trẻ hôm nay. Đêm hôm đó, giữa lúc các thành viên của đoàn còn mải chuyện trò thì đồng chí Đồn trưởng báo tin: Đơn vị vừa phá một chuyên án, thu được 1.500 viên ma túy tổng hợp. Bọn tội phạm ma túy cho rằng, hôm nay đồn đón khách quý sẽ lơ là công tác. Không ngờ chúng đã "sập bẫy" ta giăng sẵn.

Nghe vậy, Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô nhẹ nhàng chia sẻ: "Trước khi bước vào một chuyên án lớn hoặc một trận đánh quan trọng, là người chỉ huy, chúng tôi phải tính toán, cân nhắc thật an toàn rồi mới đánh. Bây giờ là thời bình, sự hy sinh của anh em đồng đội hay sự chết chóc của người dân biên giới cũng như những hệ lụy xã hội… luôn được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra các quyết định. Nhưng chắc chắn một điều là, trong bất cứ hoàn cảnh nào BĐBP cũng luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng ra trận đối với loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này".

Thiếu tướng NGUYỄN SINH XÔkể, SONG THANH- BẢO LINH ghi

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/ky-niem-danh-an-cua-vi-tuong-bien-phong-729569