Kỷ niệm đẹp, thêm yêu quý bộ đội

'Vì sức khỏe của bà con, chúng tôi không ngại khó khăn, vất vả, hết mình phục vụ với mong muốn sau 14 ngày cách ly, mọi người đều vui vẻ, an toàn'. Trung tá Nguyễn Hoàng Giang, Phó hiệu trưởng Trường Quân sự tỉnh Hà Nam, trực tiếp phụ trách khu cách ly người dân từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 trở về, nhiều lần nhấn mạnh quyết tâm đó...

“Ngày mai không được ăn cơm bộ đội nấu nữa rồi!”

Chúng tôi về Trường Quân sự tỉnh Hà Nam khi bà con trong khu cách ly đang chuẩn bị dùng bữa trưa. Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt, song, tại vị trí cổng gác, kíp trực vẫn duy trì nghiêm túc, thực hiện đầy đủ quy trình kiểm tra, khử trùng đối với người từ bên ngoài vào. Ở đầu hồi dãy nhà ở, tổ phục vụ mặc áo mưa cần mẫn xách những hộp đồ ăn vào khu vực chia ăn. Chỉ một lát sau, khi có tín hiệu được phát ra, bà con trong các phòng lần lượt ra lấy suất ăn mang về phòng. Mọi thứ diễn ra trong trật tự, không có cảnh ồn ào, chen lấn. Trong đoàn người đó, tôi nghe thấy cuộc trò chuyện của nhóm cô gái trẻ: “Vậy là chỉ hết hôm nay, chúng mình không được ăn cơm bộ đội nấu nữa rồi. Nhanh thật!”.

Hỏi chuyện, tôi được biết, đây là nhóm du học sinh từ Seoul (Hàn Quốc) trở về. Trước câu hỏi của tôi về chất lượng bữa ăn, bạn Lê Phương Thảo, 19 tuổi, quê ở Chương Mỹ (Hà Nội) giơ suất cơm lên và cười: “Ban đầu, em hình dung cơm bộ đội nấu chắc… khó ăn lắm. Không ngờ lại ngon hơn cả suất ăn của chúng em ở bên kia. Đã vậy, nhà bếp còn thường xuyên thay đổi thực đơn nên hầu như bữa nào chúng em cũng ăn hết tiêu chuẩn. Cô bạn cạnh em đây, ở bên Hàn Quốc kén ăn lắm, vậy mà khi vào đây ngày nào cũng ăn đủ 3 bữa, còn khen ngon”. Bạn Vũ Thị Oanh, 21 tuổi, quê ở phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) mỉm cười gật đầu xác nhận và tiết lộ thêm: “Bữa nào chúng em cũng có hoa quả tráng miệng. Gọi điện về khoe với bố mẹ mà mọi người còn chưa tin, vì không nghĩ cuộc sống ở đây lại đầy đủ thế”. Đi cùng tôi, Trung tá Nguyễn Hoàng Giang giải thích: “Ngoài mức tiền ăn quy định, tỉnh hỗ trợ thêm 23.000 đồng/người/ngày. Gần đây, nhà trường còn liên hệ với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bên ngoài đề nghị hỗ trợ thêm đồ dùng và thức ăn khác. Toàn bộ chuối, hoa quả tráng miệng là do người dân bên ngoài chủ động mang đến ủng hộ”.

Người dân được cách ly nhận suất ăn trưa tại Trường Quân sự tỉnh Hà Nam. Ảnh: PHÚ SƠN.

Đi đến một phòng dành cho nam, tôi thấy một thanh niên không ăn cơm mà đang lúi húi viết gì đó trên trang giấy ô ly. Trước sự tò mò của tôi, anh Trần Anh Tuấn, 37 tuổi, quê ở phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đưa tay lên... gãi đầu: “Em cố hoàn thành bài phát biểu ngày mai đã rồi mới ăn cơm”. Hóa ra, Tuấn được chọn đại diện cho 71 công dân phát biểu trong buổi kết thúc thời gian cách ly. Tôi góp ý với Tuấn: “Mình có cảm nhận như thế nào thì viết như vậy thôi, không cần hoa mỹ, dài dòng”. Tuấn trầm giọng: “Nhưng em muốn nói nhiều điều lắm! Nhờ những ngày sống trong khu cách ly, em đã hiểu thêm về Bộ đội Cụ Hồ, về tình quân dân thiêng liêng, cao đẹp. Gần nửa tháng ở đây giúp em trưởng thành hơn, nhìn cuộc sống lạc quan, nhân văn hơn”.

Vượt mọi khó khăn, vì nhân dân phục vụ

Nghe lời tâm sự chân thành, mộc mạc của Tuấn, anh Giang mỉm cười rồi dẫn tôi sang khu nhà khác. Vừa đi, anh vừa tâm sự: “Trong đợt này, nhà trường được giao tiếp nhận 95 công dân, tất cả đều trở về từ Hàn Quốc. Nhận nhiệm vụ đúng dịp cơ sở vật chất của nhà trường đang xuống cấp, trường lại được cấp trên chuyển đổi hình thức hoạt động nên anh em gặp nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng chúng tôi luôn động viên nhau phải quyết tâm vượt mọi khó khăn, vì nhân dân phục vụ. Phải cố gắng tìm cách khắc phục để bảo đảm tốt nhất cuộc sống, sinh hoạt, sức khỏe của bà con”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, để có chỗ ở cho bà con về cách ly, ngay khi nhận được kế hoạch của trên, Đảng ủy, chỉ huy nhà trường đã tổ chức dồn dịch các phòng, khu vực. Cán bộ không trực tiếp phục vụ khu cách ly được chuyển hết sang đơn vị bên cạnh. Trường còn bố trí lại các khu vệ sinh, sửa chữa, củng cố một số hạng mục xuống cấp, nhất là khu nhà tắm, nhà vệ sinh. Để bữa ăn của bà con được ngon miệng, nhân viên nhà bếp cũng luôn học cách nấu các món mới, phù hợp với khẩu vị của từng lứa tuổi, đối tượng. Thượng úy QNCN Đinh Văn Nam, quản lý bếp ăn của trường, chia sẻ: “Chúng tôi từng bảo đảm ăn uống cho quân số đông nhưng tập trung tại nhà ăn nên dễ phục vụ. Còn đợt này, công tác phục vụ vất vả hơn nhiều vì phải qua mấy lần vận chuyển từ bên ngoài vào khu chế biến, lại chia ăn vào từng hộp nhựa nên nhiều anh em chưa quen. Cũng may, bà con đều hợp tác, chia sẻ nên công việc của nhà bếp ngày càng thuận lợi hơn”.

Để phục vụ chu đáo người dân trong khu cách ly, nhà trường đã huy động tổng lực cán bộ, nhân viên vào cuộc. Cán bộ cơ quan, giáo viên vốn chỉ quen làm nhiệm vụ chuyên môn, nay được điều động tăng cường cho các bộ phận phục vụ, canh gác. Điển hình như Đại úy Tô Văn Anh, giáo viên chính trị, được tăng cường để phục vụ khu nhà công dân nam, nhiều đêm anh còn làm nhiệm vụ canh gác vòng ngoài. Đại úy Tô Văn Anh chia sẻ: “Chúng tôi xác định “chống dịch như chống giặc”, cả nước đều chung sức đồng lòng, vì vậy, dù được giao dọn vệ sinh, đi gác cũng chẳng e ngại. So với các đồng đội đang chốt trực trên tuyến biên giới, tôi thấy công việc mình làm chưa thấm vào đâu”.

Chúng tôi rời khu cách ly khi trời lất phất mưa. Những công dân cách ly người thì dọn dẹp đồ đạc chuẩn bị cho ngày về, người đang nắn nót ghi vào cuốn sổ lưu bút... Lúc chào mọi người, tôi liếc nhanh một trang trong sổ, đọc được dòng chữ nắn nót của chị Lê Thị Hoa ở phòng số 7, có đoạn: “…Đây là một kỷ niệm khó quên đối với tôi và cả phòng. Chúng tôi vô cùng biết ơn, trân trọng, yêu quý cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của Trường Quân sự tỉnh Hà Nam. Các anh đã tận tình chăm sóc, giúp đỡ chúng tôi hơn cả người thân trong suốt 14 ngày qua. Chúng tôi hứa sẽ tự chăm sóc thật tốt sức khỏe bản thân để cùng đất nước vượt qua đại dịch này…”.

VĂN CHIỂN - PHÚ SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/ky-niem-dep-them-yeu-quy-bo-doi-612942