Kỷ niệm NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM 20/10: 'Bà đỡ' của bệnh nhân cơ xương khớp

Ths. BS CKII Hồ Phạm Thục Lan, Trưởng đơn vị chuyển hóa cơ xương, Trung tâm nghiên cứu Y sinh học, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM vừa được trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2019 vì có nhiều cống hiến trong lĩnh vực cơ xương khớp. Gặp gỡ, tiếp xúc với nữ bác sỹ có dáng hình bé nhỏ, giọng nói ngọt ngào, trầm lắng, ít ai hình dung ra bác sỹ Hồ Phạm Thục Lan lại là người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về thiếu vitamin D và ảnh hưởng của vitamin D tới loãng xương và lao phổi ở Việt Nam. Nữ bác sỹ này cũng đã phát hiện 3 gen liên quan tới loãng xương ở người Việt và có những đóng góp lớn trong các lĩnh vực viêm khớp, đái tháo đường và béo phì ở Việt Nam.

Bác sỹ Hồ Phạm Thục Lan

Bác sỹ Hồ Phạm Thục Lan

“Giải mã” bí ẩn về loãng xương

Theo bác sỹ Thục Lan, sở dĩ chị chọn nghề y vì từng trải qua tuổi 16 với cô em gái bị bệnh phải cận kề cửa tử. Cô bé khi ấy bị bệnh viện trả về cùng câu nói khiến chị khắc cốt ghi tâm “không có nhiều tiền mua thuốc đắt thì phải về nhà chờ chết”.

Từ mong ước thi vào Đại học Bách khoa, chị rẽ hướng chọn ngành Y với ý nguyện sẽ không bao giờ nói bệnh nhân những câu đau lòng như vậy. Do vậy trong quá trình điều trị bệnh cho mọi người, với những bệnh nhân nghèo không có bảo hiểm, đặc biệt là bệnh nhân trẻ còn khả năng cứu chữa được, chị đôn đáo liên hệ nhờ các “Mạnh Thường Quân” kịp thời giúp đỡ.

Bác sỹ Hồ Phạm Thục Lan có 29 công trình nghiên cứu công bố tạp chí quốc tế, 10 công trình nghiên cứu công bố trên tập san trong nước và 17 đề tài Nghiên cứu khoa học đã báo cáo tại các Hội nghị Quốc tế. Bên cạnh đó chị cũng đạt 5 Giải thưởng xuất sắc trong nghiên cứu khoa học:

1. HOSREM 2012 do thành tựu trong nghiên cứu loãng xương.

2.“L’Oreal - UNESCO for women in science” 2015 do đóng góp cho nghiên cứu loãng xương ở châu Á và Việt Nam.

3. Giải thưởng Vinh danh Cống hiến 2016 trong việc xây dựng và phát triển ngành Loãng xương.

4. Giải thưởng Alexandre Yersin 2018 cho các công trình nghiên cứu xuất sắc.

5. Giải thưởng thuyết trình tốt nhất tại Hội nghị quốc tế về xương khớp tại Hồng Kông (Trung Quốc) năm 2018.

Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy, tham gia điều trị tại các bệnh viện, bản thân chị thấy rất nhiều người bị bệnh cơ xương khớp và bệnh mãn tính không lây nhiễm. Đặc biệt, khi chứng kiến những con đau đớn khôn tả, đau đến cháy da cháy thịt hành hạ bệnh nhân khi họ không may mắc các bệnh lý về xương khớp đã thôi thúc chị nghiên cứu nhằm tìm kiếm các phương pháp giảm đau hiệu quả cho người bệnh, giúp họ có thêm niềm vui, động lực trong cuộc sống.

Gần 30 năm gắn với các bệnh nhân đau xương khớp, nữ bác sỹ xinh xắn ấp ủ cho mình nhiều vấn đề cần “giải mã”. Từ cuộc gặp cách đây 10 năm với GS. Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan (Australia), bác sỹ Lan bắt đầu nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố gen và môi trường đến loãng xương. Sau 8 năm, nhóm nghiên cứu đã xác định mật độ xương đỉnh của riêng người Việt trong chẩn đoán bệnh loãng xương.

Lý giải việc chọn loãng xương làm lĩnh vực nghiên cứu trọng điểm, bác sỹ Lan cho rằng, tần suất loãng xương của người Việt Nam rất cao, rất nhiều người trẻ đã bị loãng xương, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Và muốn chẩn đoán loãng xương thì phải so sánh mật độ xương máy đo được từ từng người với tham số được gọi là mật độ xương đỉnh. Tham số này thay đổi ở mỗi chủng tộc, dân tộc, cộng đồng khác nhau. Trong khi đó, những máy đo loãng xương ở nước ta hiện nay được sản xuất tại Mỹ, cài sẵn tham chiếu của người Mỹ , và tham chiếu này cao hơn của người Việt Nam. Vì vậy rất nhiều người Việt bị chẩn đoán loãng xương không chuẩn xác. Điều này không những gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng sức khỏe bệnh nhân. Bởi nếu không bị bệnh nhưng uống thuốc điều trị loãng xương, một người bình thường có thể bị rối loạn chuyển hóa do tác dụng của thuốc.

Trong loãng xương, yếu tố di truyền đóng góp tới 70-75%, do vậy bác sỹ Lan cùng nhóm nghiên cứu đã tìm ra 3 gen có liên quan đến bệnh loãng xương ở người Việt Nam. Đây cũng là 3 gen được phát hiện trên người da trắng. Điều đó cho thấy người da trắng và người châu Á có những yếu tố di truyền giống nhau.

Tuy nhiên, có một điểm rất đặc biệt, trong 3 gen này có một gen là yếu tố thuận lợi cho tình trạng mật độ xương ở người da trắng nhưng lại là yếu tố không tốt cho người Việt Nam. Kết quả này một lần nữa khẳng định, có sự tương tác giữa yếu tố di truyền và môi trường, yếu tố môi trường có thể làm thay đổi ảnh hưởng của gen đó trên mỗi cá thể.

Tiên phong trong nhiều lĩnh vực

Không chỉ nghiên cứu về loãng xương mà chuyên gia này còn nghiên cứu về mối quan hệ của loãng xương với tình trạng thiếu vitamin D và kết quả đưa ra việc thiếu Vitamin D không chỉ ảnh hưởng xương khớp mà còn ảnh hưởng nội tiết, tiểu đường. Từ đó đưa ra khuyến cáo với các nhà khoa học nhằm giảm bớt tình trạng thiếu Vitamin D.

Nghiên cứu tiếp theo của bác sỹ Lan và đồng nghiệp được đánh giá rất cao là tác động lượng cơ, xương, nạc lên mật độ xương. Nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa lượng cơ và mỡ, yếu tố nào quan trọng với xương. Đây là vấn đề lớn không chỉ các nhà khoa học Việt Nam tìm hiểu mà các nhà khoa học trên toàn thế giới đều quan tâm. Kết quả nghiên cứu của bác sỹ Lan và đồng nghiệp chỉ rõ, lượng cơ quan trọng hơn lượng mỡ, điều này ảnh hưởng phát triển sức khỏe xương và người Việt. Do vậy, muốn tăng trưởng chiều cao phải thông qua vận động là chủ yếu chứ không phải dinh dưỡng. Từ đó, vận dụng vào thực tế lâm sàng để áp dụng cho trẻ em.

Từ những trăn trở không nguôi suốt cuộc hành trình mải mê nghiên cứu, vị bác sĩ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cùng đồng nghiệp, học trò đã đặt ra những hướng nghiên cứu mới, quy mô hơn và tham vọng hơn.

Nhóm đã tiến hành nghiên cứu trên 4.000 người nhằm xác định tương tác giữa yếu tố gen và môi trường. Đó cũng là hướng đi mới hiện nay trên thế giới nhằm xác định vai trò của các yếu tố thường gặp này trong các bệnh hay gặp ở cộng đồng như loãng xương, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, béo phì… với kỹ thuật hiện đại giải trình tự toàn bộ hệ gen.

Không chỉ vậy, bác sỹ Lan còn là nhà khoa học lần đầu tiên chuẩn hóa được phần trăm mỡ trong cơ thể - tiêu chuẩn vàng chẩn đoán béo phì hiện nay. Đánh giá của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này cho thấy, nghiên cứu của bác sỹ Lan chiếm ưu thế hơn cả chỉ số BMI bởi chỉ số BMI là sử dụng chung cho người châu Á, còn nghiên cứu của bác sỹ Lan chỉ dành riêng cho người Việt.

Trăn trở với bệnh nhân

Không chỉ đạt nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, giảng dạy, điều trị bệnh, bác sỹ Lan còn tổ chức và tham gia nhiều hoạt động xã hội từ thiện với tổng số tiền chi cho “Chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng” khoảng 500 triệu đồng/năm. Nữ bác sỹ này quan niệm, đâu đó trên cuộc đời còn rất nhiều hoàn cảnh kém may mắn, họ rất cần sự giúp đỡ, chung tay từ cộng đồng.

Chị cũng luôn trăn trở, mong muốn làm sao truyền tải, cảnh báo được những kiến thức về xương khớp đến được với cộng đồng. Mỗi cuộc gặp, chị lại than thở về vấn đề nhức nhối hiện nay là việc lạm dụng corticoid của người dân khi điều trị các bệnh lý về xương khớp

Bác sỹ Lan cho biết, thông thường để giảm nhanh các cơn đau xương khớp, nhiều bệnh nhân đã tự mua và uống các loại thuốc không theo chỉ định của bác sỹ, hoặc theo hướng dẫn của những thầy thuốc không đúng chuyên khoa cơ xương khớp dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Do vậy, theo chuyên gia này, khi không may mắc bệnh người dân nên tìm tới các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”.

D.Ngân

Dương Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/ky-niem-ngay-phu-nu-viet-nam-2010-ba-do-cua-benh-nhan-co-xuong-khop-113555.html