Kỵ sĩ Oyo: Những chiến binh định hình châu Phi

Người đặt nền móng cho Đế chế Oyo có khả năng là Ọranyan, Hoàng tử út của Vương quốc Ifẹ (Benin ngày nay).

Trước khi bị cướp mất nước, Vương thất Oyo chỉ xem ngựa như phương tiện di chuyển. Ảnh: Wikipedia.org

Trước khi bị cướp mất nước, Vương thất Oyo chỉ xem ngựa như phương tiện di chuyển. Ảnh: Wikipedia.org

Lục địa đen không nổi tiếng là vùng đất của các đế chế nhưng, từ thế kỷ XVII - XIX, tại khu vực mà ngày nay là miền Nam Nigeria (Tây Phi), từng tồn tại một vương quốc cực kỳ lớn mạnh: Đế chế Oyo. Và, người bảo vệ của đế chế này là đội quân kiêu dũng nhất: Kỵ binh Oyo.

Đế chế thất thế

Người đặt nền móng cho Đế chế Oyo có khả năng là Ọranyan, Hoàng tử út của Vương quốc Ifẹ (Benin ngày nay). Trong lịch sử châu Phi, Ifẹ lừng danh là một trong các quốc gia được thành lập sớm nhất, do người Yoruba xây dựng.

Tư liệu về Ọranyan rất ít, chỉ cho biết Hoàng tử là con của cả Vua Oduduwa lẫn Đại tế ti Ogun và một phụ nữ nô lệ, bị Ogun bắt sống trong chiến tranh. Truyền thuyết Yoruba kể, Ọranyan có nước da 2 màu, một nửa nâu như Ogun và nửa còn lại đen như Oduduwa. Tuy là út, Hoàng tử được phong làm Thái tử vì có sức mạnh hơn người và tài năng quân sự vượt trội.

Khoảng năm 1190, Thái tử Ọranyan cùng một trong các hoàng huynh dẫn quân tấn công lên phía Bắc, trừng phạt bộ lạc có thái độ bất kính với phụ vương Oduduwa. Tuy nhiên, thay vì đồng lòng nhất trí, giữa 2 huynh đệ lại xảy ra bất hòa.

Đội quân viễn chinh bị chia ra làm 2 và quá nửa đi theo hoàng huynh của Ọranyan. Với quân lực mỏng, Ọranyan không thể tấn công kẻ thù và cũng không dám trở về Ifẹ. Thái tử cứ dẫn những tùy tùng trung thành đi vô định, cuối cùng gặp được vùng đất trù phú bên bờ sông Moshi (một nhánh của sông Niger) và quyết định dừng chân.

Sau 2 thế kỷ, khu định cư bé nhỏ do Ọranyan thành lập đã được các đời sau của ông phát triển thành vương quốc hùng mạnh, đặt tên là Đế chế Oyo. Đế chế này có vương đô là Oyo-lle được bao quanh bởi bức tường đất vững chắc, cao ráo với 17 cổng thành. Bên trong Oyo-lle có 1 cung điện khang trang và 1 khu chợ khổng lồ.

Thế kỷ XVI, Đế chế Oyo bị người Nupe (bản địa Nigeria) công phá tường phòng thủ, chiếm vương đô và đoạt quyền. Vương thất Oyo phải dạt sang khu vực Bắc Benin lánh nạn.

Kỵ binh đoạt quốc

Thời bình, cả binh lẫn mã Oyo đều… trưng diện lộng lẫy. Ảnh: Lipones, AdobeStock

Suốt thời gian lưu vong, Vương thất Oyo nung nấu quyết tâm lấy lại Oyo-lle. Trong Vương quốc Borgu (Tây Bắc Nigeria và Bắc Bénin ngày nay) đồng ý cưu mang, họ vừa nhẫn nhục chịu lép vế vừa âm thầm tìm ngựa, tuyển quân, bước đầu xây dựng lực lượng kỵ binh chưa từng có trên Lục địa đen.

Đối tượng tuyển mộ của kỵ binh Oyo là những trai trẻ khỏe mạnh, giàu tinh thần phục quốc. Tại các trại huấn luyện, họ được dạy sử dụng thuần thục kiếm, thương và khiên.

Đế chế Oyo vốn có truyền thống quân sự quyết tử. Trên chiến trường, binh sĩ Oyo bất chấp tính mạng, chiến đấu đến tận hơi thở cuối cùng. Kỵ binh Oyo không chỉ kế thừa, mà còn nâng tinh thần quyết tử lên tầm cao mới.

Họ tuyệt đối trung thành với Vương thất Oyo, sẵn sàng tự sát nếu mất vua. Ngoài thông thạo vũ khí, kỵ binh Oyo còn được trang bị giáp. Trải qua các đợt huấn luyện và trận chiến nhỏ, họ tích lũy kinh nghiệm, cải thiện kỹ năng chiến đấu.

80 năm sau ngày mất nước, Vương thất Oyo quay trở lại với đội quân kỵ mã hùng hậu. Người Nupe chưa bao giờ phải đối mặt với kẻ thù nào cường liệt và nhanh nhẹn đến thế, sớm bị đánh tan tác.

Oba Ofinran, quốc vương kiêm lãnh đạo quân sự tối cao của Oyo kiêu dũng dẫn quân và dân lưu vong vào đất tổ, đổi tên nước thành Oyo-Igboho và mở vương đô mới, đặt tên là Old Oyo.

Dưới sự trị vì của Oba Ofinran, Oyo-Igboho nhanh chóng giàu mạnh. Vì người Nupe vẫn còn ngấp nghé, Vua Ofinran đẩy mạnh phát triển quân sự. Kỵ binh Oyo là lực lượng nòng cốt, tiếp tục tuyển mộ và luyện binh rầm rộ.

Sau khi Vua Ofinran băng hà, Vua Eguguojo nối ngôi càng quan tâm vấn đề quân sự hơn. Ông chinh phục khắp tứ phía, gần như chiếm trọn khu vực Yorubaland rộng hơn 142 nghìn km2.

Vua Orompoto kế nhiệm Vua Eguguojo càng khát chiến. Ông đuổi cùng giết tận người Nupe, khiến họ suy bại đến mức không còn chút đe dọa nào tới Oyo-Igboho.

Đầu thế kỷ XVII, Oyo-Igboho xâm lược Đế quốc Bénin (Nigeria ngày nay) nhưng thất bại. Dù vậy, họ thắng trận ở các nơi khác và lãnh thổ tiếp tục được mở rộng.

Kiêu hùng và kết cục buồn

Nhờ cường liệt và nhanh nhẹn, kỵ binh Oyo chiến thắng áp đảo. Ảnh: Lipones, AdobeStock

Thế kỷ XVIII, Đế chế Oyo bước vào thời kỳ thịnh vượng nhất. Mọi nhà vua đều vô cùng thao lược, giỏi cả trị quốc lẫn đối ngoại. Người dân Oyo thì khéo buôn bán, giao tiếp, biến Oyo-Igboho thành trung tâm thương mại xuyên Sahara.

Mặt hàng nổi tiếng nhất của Oyo-Igboho, tất nhiên, chính là ngựa. Sau 3 thế kỷ, kỵ binh Oyo vẫn là lực lượng quân sự chính và ngựa, đặc biệt là những con ngựa chiến, vô cùng có giá.

Bên cạnh phát triển thương mại, Đế chế Oyo còn đánh thuế nặng các nước chư hầu. Vì lo ngại có nước phản kháng, họ tiếp tục mở rộng lực lượng kỵ binh Oyo, vừa thị uy vừa áp chế bằng vũ lực ngay lập tức nếu cần.

Lãnh thổ Oyo nằm trong khu vực đất đai màu mỡ bậc nhất Bắc Phi, cung cấp điều kiện canh tác và chăn nuôi hoàn hảo. Cư dân của đế chế tha hồ nuôi ngựa, vừa xung quân vừa bán.

Kỵ binh Oyo được chia thành 2 hạng, nặng và nhẹ. Kỵ binh hạng nặng cưỡi ngựa nhập khẩu cao to, sử dụng vũ khí nặng và dài như giáo, kiếm. Kỵ binh hạng nhẹ thì cưỡi ngựa bản địa thấp bé, sử dụng đoản côn (gậy ngắn), dao.

Nhờ điều kiện kinh tế khá giả và nông nghiệp phát triển, dân số Đế chế Oyo tăng trưởng đều đặn. Quân số kỵ binh Oyo liên tục được bổ sung. Trong thời buổi ít phải ra trận, họ… trau chuốt diện mạo.

Đồng phục của kỵ binh Oyo nổi tiếng sặc sỡ, mũ giáp được trang trí công phu, áo giáp thiết kế đẹp, áo choàng dài đính phụ kiện… Đến cả ngựa chiến cũng được trang bị mũ giáp bảo vệ đầu và mũi, áo giáp bảo vệ thân. Chúng được làm bằng da hoặc kim loại, sơn - khắc hoa văn tinh tế, lộng lẫy, đính nhiều trang sức giá trị và xinh đẹp.

Thế kỷ XVIII, Đế chế Oyo rắp tâm xâm lược Vương quốc Dahomey (một phần của Benin ngày nay). Năm 1728, họ khai chiến với lực lượng kỵ binh Oyo đông áp đảo. Trước thời điểm này, kỵ binh Oyo hiếm khi chiến bại trên chiến trường nên các tướng lĩnh rất khinh địch.

Họ tự tin dẫn quân lao vào trận địa của Dahomey. Không ngờ, binh sĩ Dahomey vốn không có chút tiếng tăm quân sự nào lại có súng. Họ bình tĩnh chờ kỵ binh Oyo tấn công và nhả đạn. Tiếng súng nổ làm ngựa chiến hoảng sợ, đứng sững lại hoặc chạy tán loạn.

Vì không thể điều khiển ngựa xông trận, kỵ binh Oyo buộc phải chuyển đổi thành bộ binh, chấp nhận đánh giáp lá cà với súng của Dahomey. Sau 4 ngày, toàn quân suy kiệt gần hết.

May sao, quân tiếp viện đã đến và xoay chuyển thế cục. Vương quốc Dahomey phải thúc thủ, chấp nhận làm chư hầu nhưng liên tiếp nổi dậy. Từ lúc này cho đến năm 1748, Đế chế Oyo phải đàn áp Dahomey 11 lần, tổn thất vô số kỵ binh mới đổi lấy được sự khuất phục từ họ.

Sự xuất hiện của súng đã bước đầu đặt dấu chấm hết cho kỵ mã. Từ các nước chư hầu đến các quốc gia ở xa đều nỗ lực trang bị súng, đối phó với kỵ binh Oyo.

Thế kỷ XIX, Oyo vẫn sử dụng kỵ binh trong các cuộc đàn áp và chinh phạt, nhưng không còn thu được kết quả như mong muốn. Trước họng súng, ngựa chỉ đơn giản là loài động vật bị áp chế bởi bản năng sợ tiếng nổ, trở thành điểm yếu chí mạng của nhà binh.

Năm 1823, Dahomey nổi dậy. Đế chế Oyo lại phái kỵ binh đi đàn áp nhưng, lần này, họ thảm bại. Các bộ lạc chư hầu khác cũng lần lượt đứng lên giành lại độc lập. Càng ngày, lãnh thổ của Oyo càng bị thu hẹp và uy thế, quyền lực cũng mất mát theo.

Một cảnh trong vở kịch Cái chết và Kỵ sĩ của Vua (ảnh phải). Ảnh: Lipones, AdobeStock- Stratfordfestival.ca

Thế kỷ XX đầy súng đạn, kỵ binh Oyo chỉ còn trong những câu chuyện kể. Năm 1975, kịch gia Wole Soyinka (Nigeria) - người sẽ trở thành chủ nhân Nobel Văn học 1986, ra mắt vở kịch Cái chết và Kỵ sĩ của Vua (Death and the King’s Horseman) tái dựng đời thực của kỵ sĩ Oyo, lấy cảm hứng từ câu chuyện thật xảy ra vào năm 1940.

Nhân vật chính của vở kịch này là Elesin Oba, kỵ sĩ đắc lực nhất của một Đế vương Oyo. Theo truyền thống Yoruba, khi nhà vua băng hà, kỵ sĩ đắc lực phải tự sát để bày tỏ lòng tận trung. Tín ngưỡng Yoruba tin rằng, linh hồn của người kỵ sĩ đắc lực sẽ trở thành kẻ dẫn đường, hộ tống linh hồn nhà vua sang thế giới bên kia.

Oba có tinh thần kỵ sĩ Oyo, luôn sẵn sàng theo gót nhà vua của mình bất cứ lúc nào. Trong lúc ông đang tận dụng những phút còn lại để làm hết những gì muốn hoàn thành trước khi nhắm mắt, một người Anh đã xuất hiện, can thiệp vào kế hoạch tự vẫn của ông bằng thái độ bất kính.

Kết quả, Oba không thể hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng, bị dân chúng quở trách và làm ảnh hưởng tới danh tiếng của con trai đang theo học ngành y ở nước ngoài. Quá đau khổ, cuối cùng, ông vẫn tự sát dù biết linh hồn sẽ phải chịu đày ải dưới địa ngục vì chưa trọn trọng trách.

Mục đích của kịch gia Soyinka trong Cái chết và Kỵ sĩ của Vua là làm sáng tỏ bản sắc kỵ binh Oyo. Ông thành công gây tiếng vang lớn trên toàn cầu, khiến thế giới phương Tây hiểu đúng hơn về văn hóa, phong tục Yoruba.

Nigeria vô cùng biết ơn vở kịch của ông, đưa vào tài liệu giáo dục. Kết thúc của kỵ sĩ Oyo tuy buồn nhưng, sự tồn tại của họ là một phần đáng tự hào trong lịch sử Tây Phi, đáng được ghi nhận và ghi nhớ mãi mãi.

Thy An

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ky-si-oyo-nhung-chien-binh-dinh-hinh-chau-phi-post636520.html